Làm tốt 5 việc, 9x khỏe mạnh, rạng rỡ suốt cả thai kỳ

An Chi
13/10/2023 - 14:51
Theo kinh nghiệm của chị Huyền Trân, tuân thủ một số quy tắc sẽ giúp mẹ khỏe, thai nhi phát triển tốt.

Mang thai là hành trình đầy mệt nhọc nhưng cũng tràn ngập hạnh phúc của người mẹ. Ngay từ lúc biết mình đã có em bé, người mẹ nên chuẩn bị sẵn sàng, nắm rõ một số quy tắc giúp thai kỳ suôn sẻ. Đây là giai đoạn nhạy cảm nên người mẹ cần chú ý hơn về tình trạng sức khỏe của bản thân.

Mới đây, chị Huyền Trân (sống tại TP HCM) đã chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân trong thời gian mang thai. Hiện tại, con gái đầu lòng của chị Trân đã được 5 tháng tuổi, tuy nhiên nhưng chia sẻ của bà mẹ trẻ vẫn có ích cho các mẹ đã, đang và mong muốn có em bé.

Dưới đây là những bí quyết giúp chị Trân luôn khỏe mạnh, rạng rỡ suốt thai kỳ, các mẹ cùng tham khảo nhé.

1. Kiểm soát cân nặng

Lúc mới có bầu, bác sĩ đã nhắc mình một câu: Cơ địa em rất dễ tăng cân, chú ý kiểm soát cân nặng để không bị tiểu đường thai kỳ nhé. Dưới 18 tuần không cần lên ký, uống vitamin đầy đủ là được.

Mình cũng chưa uống sữa vào giai đoạn này, ăn được trái cây nhưng rất hạn chế trái cây ngọt. Chỉ có vitamin, thuốc bổ là mình uống đầy đủ. Uống khi bụng đói sẽ bị nôn nên các mẹ chú ý ăn sáng xong mới nên uống.

Em bé của mình phát triển tốt, mọi chỉ số đều ổn. Và quan trọng là việc ít tăng cân giai đoạn đầu làm giai đoạn sau của mình thoải mái hơn. Mình không lo về vấn đề tiểu đường nên không cần phải kiêng khem khổ sở.

Bảng theo dõi cân nặng giúp mẹ bầu kiểm soát tốt hơn.

Bước vào tam cá nguyệt thứ 3, mình tăng cân nhanh hơn hẳn, có cảm giác bụng to ra mỗi ngày. Nhưng việc tăng cân đều đặn chứ không đột ngột trong 1-2 tuần. Một số khuyến cáo về việc tăng cân là:

- Khoảng 11,3 - 16 kg với thai phụ có cân nặng trung bình trước khi mang thai.

- Khoảng 12,7 - 18,3 kg với thai phụ ít cân trước khi mang thai.

- Khoảng 7 - 11,3 kg với thai phụ thừa cân trước khi mang thai.

2. Để không bị táo bón

Có rất nhiều mẹ bầu gặp phải tình trạng này khi mang thai. Những cách giúp hỗ trợ hệ bài tiết làm việc hiệu quả hơn đó là: nước lọc, rau xanh, khoai lang, trái cây có tính nhuận tràng, cà phê, sữa tươi.

Xuyên suốt thai kỳ (và kể cả không mang thai), mình luôn duy trì mức nước tối thiểu là 2 lít mỗi ngày - không kể nước trà, nước canh.

Chú ý không được để nước tiểu đậm màu, nặng mùi vì đó là dấu hiệu của cơ thể đang bị thiếu dung môi hòa tan các chất - như vậy sẽ hấp thụ kém, gánh nặng cho hệ bài tiết làm việc nặng nề.

Giai đoạn đầu bị nghén, mình không thích ăn rau nên bù lại bằng những trái cây như: chuối, đu đủ chín. Chuối rất dễ ăn, ít calo mà nhiều khoáng chất tốt cho mẹ và bé.

Sữa tươi không đường cũng hỗ trợ tăng cân cho em bé tốt. Ngoài ra các loại quả như bưởi cũng rất tốt cho mẹ bầu khi bị táo bón.

3. Duy trì tập yoga

Mình thuê giáo viên về nhà dạy 1-1 từ tuần thứ 20 của thai kỳ để thời gian linh động hơn và quan trọng là vượt lười. Học phí tùy theo gói, mình học 30 buổi với chi phí là 7,5 triệu. Giáo viên sẽ linh hoạt giờ tập theo ý mình và bài tập cũng sẽ phù hợp cho tình trạng sức khỏe của mẹ bầu theo từng giai đoạn.

Nếu không thì các mẹ có thể ra trung tâm yoga tập hoặc lên youtube tìm bài tự tập. Yoga bầu thì mình sẽ tập các bộ phận như sau:

Nhờ làm tốt 5 việc sau, mẹ 9x khỏe mạnh, rạng rỡ suốt cả thai kỳ - Ảnh 2.

Buổi sáng sớm chị Trân hay tập yoga ngoài trời để hít thở không khí trong lành.

- Tập hít thở: tập hít thật sâu, thở ra thật chậm để phục vụ cho hệ hô hấp ngày càng nặng nhọc của thai kì và quá trình sinh con.

- Các bài tập giãn đốt sống để xoa dịu các cơn đau lưng.

- Các bài tập giãn cơ chân, tay để tăng lưu thông máu.

- Các bài tập xương chậu để sau này chuyển dạ nhanh hơn.

Nhờ vậy, mình giữ được sức khỏe thể chất lẫn tinh thần tốt trong suốt quá trình mang thai. Không bị ốm vặt, không bị đau lưng.

4. Giữ tinh thần tốt

Nhiều người hay than rằng lúc có bầu mình bị nhạy cảm quá mức, dễ khóc, dễ nổi cáu. Mình nghĩ một phần do hoocmon thay đổi, nhưng cũng phần nhiều do tâm thế của chúng ta nữa. Do có sự chuẩn bị tâm lý trước, mình ít cảm giác lo lắng bất an hơn. Nhờ tài chính riêng ổn định, mình có nhiều sự lựa chọn để xoa dịu những bực nhọc, mệt mỏi khi mang bầu.

Ngoài ra mình cũng không xem việc mang thai là sự hy sinh cao cả để bắt chồng và mọi người phải đổ dồn hết sự chú ý, quan tâm vào mình. Mặc dù mọi người nên quan tâm mình nhiều hơn nhưng mình không kỳ vọng để rồi thấy tủi thân, tức giận.

Nhờ làm tốt 5 việc sau, mẹ 9x khỏe mạnh, rạng rỡ suốt cả thai kỳ - Ảnh 3.

Bà bầu vẫn đi máy bay, đi du lịch, tắm biển như thường (nếu thai kỳ khoẻ mạnh).

Mình cũng không kêu ca về sự mệt mỏi trong các giai đoạn thai kỳ vì mô tả thế nào người khác cũng không hiểu hết được. Nhưng cũng không âm thầm chịu đựng để bản thân tự xoay sở. Khéo léo truyền đạt, thể hiện đúng lúc thì sẽ nhận được hiệu quả tối ưu hơn.

5. Không kiêng khem quá mức

Mình đã tham khảo ý kiến của bác sĩ và bác nói hầu như không có hạn chế gì cả. Tùy tình trạng sức khỏe mỗi bà bầu mà bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên phù hợp.

Giai đoạn đầu hạn chế những món dễ gây co thắt tử cung, còn sinh hoạt đi đứng thì vẫn xách đồ, nhón chân, với tay bình thường. Chỉ cần hiểu nguyên tắc là không làm điều gì nặng nhọc bất thường hay quá sức hoặc rủi ro té ngã, bị thương là được.

Thức ăn cũng vậy, không ăn đồ sống, không ăn quá mặn, quá chua, quá cay, quá ngọt là được. Còn các quan niệm dân gian như ngồi đầu bàn, không được đeo bông tai, dây chuyền... thì thật sự không cần thiết phải làm theo.

Mình vẫn trang điểm khi có việc cần, đi gội đầu dưỡng sinh, làm nail, dưỡng da như mọi khi. Điều này khiến mình cảm thấy cuộc đời thật hạnh phúc.

Hy vọng những chia sẻ của chị Trân sẽ có ích cho các mẹ bầu trên hành trình mang thai và sinh con nhé.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm