"Làm từ thiện cũng phải có văn hóa"

N.Lam
05/11/2020 - 15:20
"Làm từ thiện cũng phải có văn hóa"

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu (đoàn Khánh Hòa) phát biểu

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu (đoàn Khánh Hòa) - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - đã nhìn nhận như vậy về hoạt động từ thiện cho miền Trung sau đại dịch Covid-19 và trận lũ lịch sử vừa qua. Theo bà, đừng mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi, đánh bóng tên tuổi hay phô trương đạo đức.

Phát biểu tại nghị trường sáng 5/11 về tình hình kinh tế xã hội, ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh hoạt động từ thiện ở góc nhìn văn hóa. Theo bà, "văn hóa từ thiện" là cụm từ được nhắc nhiều trên báo chí, mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều. "Tại sao lại như vậy, khi mà một hoạt động từ thiện tự thân đã là một hành vi văn hóa cao và nhân đạo?" – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đặt vấn đề.

Nhắc lại giai đoạn cả nước chung tay chống đại dịch Covid-19, và gần đây nhất là các hoạt động cứu trợ miền Trung, ĐB Xuân Thu đánh giá cao truyền thống "lá lành đùm lá rách", khơi dậy trong cộng đồng tình dân tộc, nghĩa đồng bào với nhiều hành động rất đáng quý, đáng trân trọng. Phong trào đã có sự lan tỏa rộng rãi với từng hành vi nhỏ nhất như chia sẻ từng cái khẩu trang, bánh mì, hộp cơm để đi qua mùa dịch, mũa lũ…

"Làm từ thiện cũng phải có văn hóa!" - Ảnh 1.

Hoạt động cứu trợ sau mưa lũ ở miền Trung được lan tỏa trong thời gian qua

Thế nhưng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho rằng, làm từ thiện cũng phải có văn hóa, và đừng mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi, đánh bóng tên tuổi hay phô trương đạo đức.

Dẫn chứng, bà cho rằng nhiều người mang quần áo không còn dùng được hoặc lỗi mốt, lỗi thời, sách giáo khoa hay đồ dùng đã cũ, đồ ăn thức uống sắp hết hạn sử dụng để cho người nghèo và đã làm tổn thương họ vì họ cũng là những người rất giàu lòng tự trọng và dễ bị tổn thương.

"Của cho không bằng cách cho, cả văn hóa cho nhận cũng cần phải học, cho làm sao để người nhận không bị cảm giác ban ơn, bố thí, nhận làm sao để người cho cảm thấy vui và hạnh phúc. Các cụ ta có câu "làm ơn, nhớ chịu ơn, chớ nên quên" là vậy" – ĐB Xuân Thu nhìn nhận.

Cũng liên quan đến công tác cứu trợ, theo bà Xuân Thu, Chính phủ cần sớm chỉ đạo sửa đổi Nghị định 64 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn hàng cứu trợ đóng góp tự nguyện, hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai… sao cho phù hợp với tình hình mới, vừa huy động được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia, vừa đảm bảo việc quản lý, giám sát các hoạt động theo đúng quy định pháp luật.

"Việc làm này nhằm tránh việc lợi dụng vận động quyên góp, phân phối, cứu trợ để trục lợi hoặc thực hiện các âm mưu, mục đích khác gây mất an ninh, trật tự ở địa phương. Cần có hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện quy trình cứu trợ theo từng nhóm đối tượng tham gia, lực lượng nào tham gia bước nào, quy định nào bắt buộc, quy định nào địa phương phải xây dựng cho phù hợp với điều kiện địa phương" - bà Thu kiến nghị.

ĐB Xuân Thu thông tin thêm là Hội Chữ thập đỏ đã xây dựng quy trình 8 bước trong phòng ngừa ứng phó thảm họa thiên tai theo hướng dẫn của Hiệp hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và sẵn sàng phối hợp với chính quyền các cấp thực hiện quy trình này để chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai.

Quy trình này vừa đảm bảo triển khai công tác cứu trợ nhanh nhạy, hiệu quả, vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch và đồng thuận do có sự tham gia trực tiếp của chính quyền và của người dân địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm