Chị Ngọc Hà, ở Nghĩa Đô, Q.Cầu Giấy (Hà Nội) tâm sự với cậu con trai bé bỏng của mình: Hôm ấy, mẹ vội vã nhập viện ngày 2/12/2016, bác sĩ bảo mẹ có dấu hiệu chuyển dạ, tưởng sắp được gặp "khỉ con" của mẹ. Ai ngờ, mẹ vào viện ăn chơi ngủ nghỉ, ngày đi khám tim thai đến 4 lần mà "cu khỉ" của mẹ vẫn không chịu ra.
1 tuần ở trong viện chờ đẻ, mẹ càng sợ đẻ. Sáng bảnh mắt chưa kịp ăn gì, mẹ đã bị gọi sang phòng đẻ đo tim thai và kiểm tra, thấy tiếng kêu la ầm ĩ, đau đớn của các mẹ đang đẻ, máu me rồi rạch, khâu… khiến mẹ bị ám ảnh vì đẻ thường. Mẹ cầu mong, nếu "cu khỉ" chui ra, thì bằng đường mổ đẻ, cho mẹ đỡ phải la hét thế kia.
40 tuần mà "khỉ" của mẹ vẫn ung dung trong bụng, chả có ý định ra, bố và cả ông bà nội ngoại 2 bên đều sốt ruột. Rồi cũng đến lúc phải lôi con ra khỏi bụng mẹ.
Đi đâu, ở đâu bố cũng nói chuyện về con, kể chuyện con sinh ra như một kỳ tích
Bác sĩ khám cho mẹ xong, vẫn không thấy dấu hiệu chuyển dạ, bảo mẹ về phòng tiếp tục chờ đẻ. Đúng lúc ấy, cô trưởng khoa hình như cũng sốt ruột khi thấy mẹ cứ vác cái bụng to kềnh càng đi ra đi vào, cô tự tay khám cho mẹ lần nữa, rồi quyết định: em phải đẻ mổ thôi, không đẻ thường được đâu.
Mẹ vừa mừng, vừa lo vì bất ngờ quá, chưa kịp chuẩn bị tâm lý đẻ mổ. Mẹ về phòng thông báo với các mẹ nằm cùng phòng là cuối cùng mẹ cũng được đẻ rồi. Mẹ vào cùng ngày với các mẹ ấy, có mẹ vào sau mà đẻ hết rồi. Mẹ còn chăm con hộ các mẹ ấy, vì toàn người sinh mổ, chưa đi lại được.
Mẹ gọi điện cho bố con, lúc này, mẹ hồi hộp rất lạ, vì sắp được đón "khỉ con" của mẹ ra đời. Mẹ đăng vài dòng lên facebook với cảm xúc ấy rồi nín thở chờ đón con.
Bố con hớt hải chạy tới nơi, bác sĩ giục bố kí vào cái giấy gì đó, mẹ liếc qua thấy có vài chữ kiểu đồng ý mổ, nếu có sơ suất gì thì hai bên cùng chịu trách nhiệm. Kí xong “giấy nhận trách nhiệm”, cả mẹ và bố bắt đầu toát mồ hôi. Bất giác mẹ nghĩ quẩn, nhỡ vào mổ rồi không ra được thì sao, nên mẹ cứ nắm tay và nhìn bố con mãi. Bố biết mẹ sợ, nên cũng nắm chặt tay mẹ.
Trèo lên bàn mổ, mẹ run bần bật. Bác sỹ cắm dây truyền, rồi đo tim mạch, mẹ càng run, mạch đập nhanh. Bác sĩ bảo mẹ: Sao lại run thế, em có đẻ đâu, bác sĩ đẻ hộ mà.
Bác sỹ tiêm gây tê màng cứng sau lưng thì thuốc tê ăn ngay, 10 giây sau người mẹ không còn cảm giác nữa rồi.
Nghĩ đến ngày đón con chào đời từ 7 tháng trước, mẹ vẫn trào nước mắt hạnh phúc… vì có con.
Trước khi mổ, bác sĩ nói với ê kíp: “mổ nhanh lên còn xem đá bóng”. 5 phút sau mổ, có khi chả đến 5 phút, thì "khỉ con" được bác sỹ lôi ra khỏi bụng mẹ, con khóc rất to chào đời. Giây phút ấy, mẹ trào cả nước mắt khi thấy khỉ con lần đầu tiên đến bên cuộc đời mẹ.
Bác sĩ lau người, vệ sinh cho con xong thì để con nằm cạnh mẹ, mẹ vẫn còn đang phải khâu mà nước mắt cứ tuôn ra, cảm giác hạnh phúc tràn đầy khi nằm kề bên con. Con được kề da vào mẹ, bàn tay nhỏ xíu, trắng bóc giống bố con lắm, không khác tẹo nào. Khoảng 30 phút, bác sỹ đẩy xe băng ca của mẹ ra khỏi phòng mổ, mẹ nhìn thấy bố đang cố ngó ở cửa, chợt thở phào khi nhìn thấy mẹ. Mẹ bị đưa về phòng hậu phẫu, còn con được đưa đi tiêm Viêm gan B rồi đưa về cho người nhà chăm sóc.
Mãi đến khi mẹ được trở về phòng nằm với con, mới biết bố vẫn không dám bế con, vì con quá bé bỏng, sợ bị rơi. Mẹ đặt con vào tay bố cẩn thận, bố ôm chặt con, ngượng nghịu lắm. Vậy mà chỉ sau lần ấy, bố thay tã, bỉm, cho con uống sữa khéo như mẹ vậy. Đi đâu bố cũng nói chuyện về con, chuyện con sinh ra như một kỳ tích của cuộc đời bố mẹ vậy. Bố mẹ cảm ơn con đã đến bên cuộc đời của bố mẹ, đem niềm hạnh phúc ngọt ngào, thiêng liêng nhất đến với gia đình mình. Yêu khỉ con của mẹ./.