pnvnonline@phunuvietnam.vn
Làn sóng hạ lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng
Ảnh minh họa
Những ngân hàng từng niêm yết lãi suất từ 10,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng hồi cuối năm 2022 như Saigonbank, PVCombank, SCB, NCB… cũng đã điều chỉnh giảm trên dưới 1%/năm, đưa lãi suất về ngang với mặt bằng chung của thị trường. Một số cái tên như Techcombank, Sacombank, SHB, MSB, MB… đều niêm yết lãi suất xuống dưới 9%/năm. Lãi suất 10%/năm đã biến mất khỏi thị trường. Hiện tại, lãi suất huy động trên thị trường phổ biến trong khoảng 8 - 9,5% với tiền gửi thông thường.
Cụ thể, DongABank tháng cuối năm 2022 vẫn niêm yết lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng là 10,7%/năm thì mới đây đã giảm lãi suất. Hiện lãi suất cao nhất tại DongABank là 9,44%/năm, áp dụng cho khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên với kỳ hạn từ 12 tháng.
Ngân hàng SCB cũng vừa giảm mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn 6 tháng trở lên, từ mức 9,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng vào cuối tuần trước, nay giảm xuống còn 7,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm từ 9,4% xuống còn 8,1%/năm, trong khi kỳ hạn 12 tháng tiếp tục giữ nguyên mức 9,5%/năm. Các kỳ hạn sau 12 tháng giảm từ 9,45% xuống còn 9,1%/năm.
Ngân hàng NCB cũng cho thấy động thái giảm lãi suất huy động. Lãi suất các kỳ hạn 10-24 tháng trước đó được NCB áp dụng mức chung 9,45%/năm, nhưng nay giảm xuống mức 9,25%/năm (kỳ hạn 10-11 tháng) và 9,3%/năm với các kỳ hạn 12-36 tháng.
Tại Sacombank, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng còn 8%/năm thay vì 8,3%/năm, 9 tháng còn 8,2%/năm, 12 tháng còn 8,4%/năm và mức cao nhất 36 tháng còn 8,65%/năm… Techcombank cũng giảm lãi huy động 0,3%/năm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, xuống còn 8,7%/năm… So với mức lãi suất cao nhất mà Techcombank huy động hồi tháng 1, mức hiện nay đã giảm 0,7%/năm
Hàng loạt công ty chứng khoán đều cùng dự báo lãi suất huy động sẽ giảm dần trong năm nay, đặc biệt xu hướng này sẽ gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến giảm lãi suất điều hành vào quý cuối năm.
Trên thị trường hiện nay, mỗi ngân hàng niêm yết biểu lãi suất với các kỳ hạn và hình thức gửi khác nhau. Cùng một kỳ hạn nhưng có ngân hàng niêm yết lãi suất cao gấp rưỡi đơn vị khác. Hay trong chính một ngân hàng, mức lãi suất cho hình thức gửi tiền online sẽ cao hơn khá nhiều so với gửi tiết kiệm truyền thống.
Theo các chuyên gia, khi gửi tiết kiệm, khách hàng cần cân nhắc về nhu cầu sử dụng khoản tiền đó trong tương lai. Nếu không có nhu cầu sớm sử dụng, người gửi có thể lựa chọn các kỳ hạn dài để được hưởng mức lãi suất cao hơn. Ngược lại, nếu có nhu cầu sử dụng tiền trong thời gian tới thì nên cân nhắc các kỳ hạn ngắn.
Bên cạnh việc giảm lãi suất huy động, một số ngân hàng thương mại cũng đang rục rịch giảm lãi suất cho vay. Các ngân hàng MB, Sacombank, Techcombank, SeABank… đã thông báo dành các gói tín dụng ưu đãi cho nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên. Agribank cũng thông báo giảm lãi suất cho vay bất động sản, mức giảm tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng, nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ.