Lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử qua các hoạt động du lịch đêm

Hoa Hạ
03/11/2023 - 09:57
Lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử qua các hoạt động du lịch đêm

Tour du lịch đêm lan tỏa những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa

Hàng loạt tour du lịch đêm đang được“đánh thức”, từ đó lan tỏa những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Chuyên gia du lịch Lê Công Năng đã có cuộc trò chuyện cùng PNVN về phát triển du lịch đêm.

- Du lịch Hà Nội đã và đang ra mắt loạt tour đêm để "đánh thức" các di tích. Mới đây, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vừa triển khai tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học". Cảm nhận của ông về hiệu quả các tour du lịch đêm như thế nào?

Chuyên gia du lịch Lê Công Năng: Tour đêm là phần quan trọng giúp tăng trải nghiệm và nguồn thu từ du lịch. Thông thường tour du lịch sẽ không gồm các hoạt động về đêm và đóng gói trong lịch trình cùng chi phí ấn định. Khách du lịch buổi đêm sẽ chi tiêu theo nhu cầu từ nhiều hoạt động kinh tế đêm như du thuyền trên sông, tham quan mua sắm chợ đêm, xem show biểu diễn nghệ thuật, thưởng thức ẩm thực đường phố...

Lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử qua các hoạt động du lịch đêm - Ảnh 1.

Chuyên gia du lịch Lê Công Năng

Việc Hà Nội ra mắt loạt tour đêm để "đánh thức" các di tích là sự đầu tư đúng đắn để đa dạng dịch vụ du lịch cho du khách, đồng thời đã hài hòa được giữa "làm kinh tế" và "làm văn hóa". Tour "Tinh hoa đạo học" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám dù mới ra mắt nhưng nhận được nhiều phản hồi tích cực và quan tâm của cộng đồng, đặc biệt thu hút được giới trẻ với màn trình diễn ánh sáng và công nghệ 3D Mapping.

- Ông có thể chia thêm các cách thức, giải pháp để tạo thêm hiệu quả cho các tour du lịch về đêm, đặc biệt là thu hút giới trẻ hay còn gọi là Gen Z đến với các khu du lịch di tích?

Chuyên gia du lịch Lê Công Năng: Để tăng hiệu quả cho các tour du lịch về đêm, chúng ta cần bộ giải pháp tổng thể từ việc xây dựng sản phẩm hay, truyền thông tích cực đến việc tạo trải nghiệm mua dịch vụ tốt trên cơ sở phân tích khách hàng mục tiêu.

Giới trẻ, đặc biệt là Gen Z thích sự ồn ào, hơi hướng công nghệ, các góc check-in và các trải nghiệm thử thách, tiên phong. Qua tour "Tinh hoa đạo học" hay các show "Tinh hoa Bắc bộ", "Ký ức Hội An", "Đêm thiêng liêng" (tại Nhà tủ Hỏa Lò) có thể thấy giới trẻ không hề quay lưng với các giá trị truyền thống mà do chúng ta chưa đọc được "ngôn ngữ" giới trẻ.

Lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử qua các hoạt động du lịch đêm - Ảnh 2.

Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học" vừa được giới thiệu tại Hà Nội

Thay vì tập trung các sự kiện văn hóa vào những ngày lễ truyền thống, chúng ta có thể khai thác những ngày lễ quốc tế để thu hút giới trẻ nhiều hơn. Ví dụ như tổ chức "Lễ hội hoa" vào ngày tình nhân (14/2) tại Hoàng Thành Thăng Long, "Lễ hội hóa trang" vào ngày lễ Halloween (31/10) tại khu vực nhà tù Hỏa Lò, chương trình nhạc hội "Thanh âm bên thông" nhân ngày Giáng sinh tại Nhà thờ Lớn… 

Hiện nay nhiều di tích đã sáng tạo và "trải nghiệm hóa" nhiều hoạt động thay vì giới thiệu giản đơn qua thuyết minh viên khiến khách trẻ vô cùng hào hứng. Giới trẻ không muốn nghe, không muốn đọc, không muốn nhìn mà không được "sờ vào hiện vật"; hãy để giới trẻ được hóa thân, được nhập vai, được tương tác thì những di tích với những giá trị lịch sử, văn hóa sẽ được tiếp thu và lan tỏa mạnh mẽ bởi chính giới trẻ.

Giới trẻ dù đông đảo, dễ tạo ra xu hướng nhưng mức chi trả cũng khá hạn chế vì phần nhiều kinh tế phụ thuộc, nên những dịch vụ muốn hướng tới giới trẻ cũng cần nghiên cứu và tính toán để có giá bán hợp lý. Giới trẻ cũng dể ảnh hưởng bởi thần tượng nên tìm thần tượng có lối sống đẹp để mời làm đại sứ cho các chương trình sự kiện văn hóa cũng cần được cân nhắc.

Tour "Đêm thiêng liêng" tại Nhà tủ Hỏa Lò có sức hút riêng, được cộng đồng đặc biệt là giới trẻ đón nhận 

Về hoạt động truyền thông, nhiều khu du lịch di tích cũng đã có nhiều thay đổi tích cực khi triển khai tiếp thị trên các nền tảng online, bao gồm mạng xã hội. Tuy nhiên, cần tích cực "xây tour" và kết hợp với các công ty du lịch có năng lực truyền thông để tạo hiệu ứng mạnh mẽ, hút khách du lịch.

- Việc phát triển các khu di lịch về đêm cũng không phải là mới, thực tế đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai. Ông có thể chia sẻ các mô hình thành công trên thế giới cũng như bài học kinh nghiệm cho Việt Nam?

Chuyên gia du lịch Lê Công Năng: Tại Singapore, dù là một quốc đảo nhỏ bé, ít tài nguyên nhưng nơi đây có rất nhiều hoạt động, từ nghệ thuật văn hóa, triển lãm, đến các hoạt động trên mặt nước,… Tương tự như Singapore, Malaysia, Thái Lan... hiện cũng có hệ thống trung tâm thương mại rất phát triển, cả về số lượng lẫn quy mô, chất lượng hàng hóa để khách quốc tế phải mạnh tay "móc hầu bao".

Dù đều là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị nhưng ở thủ đô Bangkok - Thái Lan, các dịch vụ, sản phẩm du lịch về khuya sôi động và khác biệt hơn Hà Nội. Cụ thể, vào ban ngày, du lịch Bangkok phần lớn là các điểm tham quan về văn hóa như cung điện, chùa chiền, bảo tàng, khu vui chơi giải trí,... còn ban đêm trở thành một thành phố không ngủ. Khách quốc tế đến đây có thể xả láng tiêu tiền với các hoạt động như du thuyền ăn tối trên sông Chao Phraya, cuốn mình trong các show diễn nghệ thuật đậm chất sử thi như Siam Niramit Show hoặc Calypso Cabaret Bangkok, Muay Thái hay đầy tính giải trí như Nanta Show; mua sắm và ăn đêm đến 0h, thậm chí 2h sáng tại các chợ đêm sầm uất,..

Một số mô hình về "thành phố không ngủ" thành công trên thế giới có thể kể đến New York, Las vegas của Mỹ, Tokyo của Nhật Bản hay HongKong của Trung Quốc. Tùy tiềm năng và sự phù hợp, các thành phố sẽ "không ngủ" theo cách khác nhau. Tuy nhiên điểm chung của các mô hình trên là hệ thống giao thông, đèn chiếu sáng, cửa hàng tiện lợi, bar, nhà hàng… sẽ được vận hành hết công suất, phục vụ khách du lịch đến bình minh.

Lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử qua các hoạt động du lịch đêm - Ảnh 4.

Tour du lịch đêm lan tỏa những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa

- Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của tour du lịch đêm và phát triển kinh tế ban đêm. Dưới góc độ người làm du lịch lâu năm, làm thế nào để Việt Nam phát triển hiệu quả hơn kinh tế ban đêm?

Chuyên gia du lịch Lê Công Năng: Không phải ngẫu nhiên mà thống kê cho thấy mức chi tiêu của khách du lịch tại Việt Nam khá thấp so với các nền du lịch phát triển. Khách quốc tế chi tiêu trung bình tại Việt Nam khoảng 1.000$ (hơn 24,8 triệu đồng). Trong khi đó, con số Thái Lan là 1.600$ (39,7 triệu đồng), Nhật Bản và Tây Ban Nha khoảng 1.300$ (32,2 triệu đồng), còn Anh xấp xỉ 1.800$ (44,7 triệu đồng) và Mỹ là 3.400$ (84,4 triệu đồng). Nếu như ban ngày, khách du lịch thông thường sẽ chi tiêu ấn định thông qua mua tour trọn gói thì buổi đêm sẽ là thời gian để khách du lịch thỏa sức chi tiêu. Khi đó, du lịch đêm sẽ đóng vai trò quan trọng, gián tiếp tạo nguồn thu cho nhiều ngành nghề khác.

Để Việt Nam phát triển kinh tế đêm, chúng ta phải xem đây là dòng sản phẩm chủ lực trong du lịch để tập trung phát triển và khai thác bền vững. Trước rào cản về duy trì nếp sống người dân bản địa hay hài hòa với không gian văn hóa, không gian di sản thì chúng ta cần quy hoạch tách biệt khu trải nghiệm văn hóa và khu giải trí với nhiều yếu tố ngoại lai.

Nếu dòng tour đêm là sản phẩm chiến lược, thì các thành phố du lịch có "mong muốn" triển khai cũng cần xét lợi thế, điểm mạnh của địa phương để tạo sản phẩm du lịch phù hợp. Bên cạnh đó, cần có chiến lược tổng thể từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương để tổ chức, phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành làm tốt nhiệm vụ tìm kiếm và tổ chức dịch vụ du lịch.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm