pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khẳng định vai trò của phụ nữ trong phát triển nông nghiệp bền vững

Chị Bùi Thị Mai tại trang trại gà của mình
Chị không chỉ phát triển kinh tế gia đình từ con gà giống, mà còn khởi xướng mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn. Từ 200m² chuồng trại ban đầu đến sản xuất 500 nghìn con giống mỗi năm là một hành trình bền bỉ, sáng tạo và khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Kinh tế tuần hoàn trong lòng nông thôn
Là con vùng đất Đại Lai, nơi người dân cần cù mà cái nghèo vẫn dai dẳng đeo bám, chị Mai thấm thía cái vất vả của nghề nông. Khi lập gia đình, chị nhận thấy mô hình cung cấp con giống nhỏ lẻ của gia đình nhà chồng thiếu sức cạnh tranh, trong khi nhu cầu thị trường lại đang dịch chuyển: Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, an toàn, và nói không với thuốc kháng sinh. Chị và chồng quyết định "liều" thuê đất, khởi nghiệp với mô hình gà giống bố mẹ chất lượng cao.

Chị Bùi Thị Mai với mô hình gà giống bố mẹ chất lượng cao
Khó khăn ập đến ngay từ những bước đi ban đầu. Năm 2020, đúng lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, chuồng trại 200m² khởi dựng của gia đình chị rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: Giá vật liệu tăng cao, nhân công hiếm, vận chuyển khó khăn. Đến khi bắt đầu sản xuất thì đầu ra tê liệt vì dịch bệnh. Việc khởi nghiệp tưởng chừng bế tắc.
Nhưng bằng bản lĩnh và niềm tin, chị Mai không bỏ cuộc. Năm 2022, được Hội LHPN huyện Gia Bình (cũ) hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 1 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị mạnh dạn mở rộng quy mô lên 1.000m² và học thêm kiến thức, kỹ thuật qua các lớp đào tạo của Hội. Cũng trong năm ấy, chị khởi xướng mô hình hợp tác xã (HTX) sản xuất con giống Sơn Mai, tập hợp thêm 6 thành viên, đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, hiện đại.
Điểm khác biệt lớn nhất của HTX Sơn Mai chính là việc ứng dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nói không với kháng sinh, từ khâu lai tạo đến nuôi dưỡng. Tại trang trại, gà bố mẹ được nuôi bằng cám vi sinh thảo dược, lai tạo ra giống F1 giữa gà Đông Tảo và Lương Phượng, có chất lượng thịt thơm ngon, sức đề kháng tự nhiên.
Không dừng lại ở đó, HTX còn đầu tư máy ấp trứng công nghiệp, chủ động về giống, có cán bộ kỹ thuật chuyên trách. Phân gà sau nuôi được xử lý bằng công nghệ vi sinh IMO, khử mùi hôi, tái chế thành phân bón. Mô hình sản xuất khép kín này vừa bảo vệ môi trường, vừa tăng giá trị kinh tế, giúp gà giống Sơn Mai được người chăn nuôi ưa chuộng tại nhiều tỉnh thành.
Hiện HTX có quy mô 10 nghìn con gà bố mẹ, sản xuất ra khoảng 500 nghìn con gà giống F1 mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho 10-20 lao động địa phương với thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, chị Mai và các thành viên luôn họp bàn định hướng, đánh giá hiệu quả, lắng nghe ý kiến khách hàng để nâng cao chất lượng, giữ vững uy tín thương hiệu.
Lan tỏa kiến thức làm kinh tế cho phụ nữ nông thôn
Với chị Bùi Thị Mai, mỗi bước tiến trong phát triển mô hình gà giống không chỉ là thành quả của riêng bản thân mà còn là bài học quý giá để chia sẻ lại cho cộng đồng. Trong các buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ ở địa phương, chị thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm thực tế, từ việc lập kế hoạch kinh doanh, tính toán hiệu quả đầu tư, xây dựng chuồng trại theo hướng an toàn sinh học cho đến kỹ thuật sản xuất cám thảo dược, lai tạo giống và chăm sóc gà bố mẹ.
Một trong những nội dung chị đặc biệt nhấn mạnh là việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng và nhu cầu thị trường, không nên làm theo thói quen cũ mà cần học hỏi không ngừng. Chị khuyên chị em khởi nghiệp nên bắt đầu từ mô hình nhỏ, có kế hoạch rõ ràng, xác định đối tượng khách hàng cụ thể. Đặc biệt, khi có cơ hội tiếp cận vốn vay, nên dùng vốn đúng mục đích, đầu tư vào hạng mục có khả năng sinh lời trước, tránh dàn trải.

HTX của chị Mai góp phần lan tỏa tinh thần "phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi, xóa đói giảm nghèo bền vững"
Bên cạnh đó, chị Mai còn tích cực hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều hộ chăn nuôi, giúp họ tránh sai lầm khi chọn giống, làm máng ăn, hoặc khâu phòng bệnh. Chính sự hỗ trợ tận tình, không giấu nghề của chị đã giúp nhiều phụ nữ ở huyện Gia Bình (cũ) mạnh dạn khởi sự kinh doanh, góp phần lan tỏa tinh thần "phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi, xóa đói giảm nghèo bền vững".
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Mai còn là người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho phụ nữ địa phương. HTX Sơn Mai đã hỗ trợ 900 con gà giống cho 30 hộ khó khăn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi cho 5-10 trang trại. Bên cạnh đó, chị Mai còn ủng hộ Chương trình "Mẹ đỡ đầu", "Đồng hành cùng phụ nữ yếu thế"…
Năm 2022, chị đã đạt giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bắc Ninh. Năm 2023, chị tiếp tục đạt giải Khuyến khích cấp vùng cuộc thi "Phụ nữ phát huy tài nguyên bản địa" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Cán bộ Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh tham quan cơ sở chăn nuôi của chị Mai
Dù vậy, với chị Mai, vinh dự lớn nhất là được chị em phụ nữ tin tưởng, được nhìn thấy nụ cười của những người từng nghèo khó nay có việc làm, có thu nhập ổn định. Chị tin rằng: "Vươn lên làm kinh tế không có nghĩa là phải đi thật xa. Đôi khi, trở về đúng với bản sắc của quê hương, là con đường gần nhất để đi đến tương lai".
Từ ước mơ nhỏ nhen nhóm trong gian bếp của gia đình nhà chồng đến một HTX gà giống xanh - sạch - hiện đại, câu chuyện của chị Bùi Thị Mai không chỉ là một hành trình làm giàu, mà còn khẳng định vai trò của người phụ nữ trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Sự hỗ trợ đúng lúc từ Hội LHPN các cấp và nỗ lực không ngừng của bản thân đã giúp chị viết nên một câu chuyện đẹp về khởi nghiệp xanh giữa vùng đất đỏ đồng bằng. Khi mô hình gà giống Sơn Mai tiếp tục mở rộng, chị Mai đang truyền đi một thông điệp mạnh mẽ: "Phụ nữ nông thôn hôm nay không chỉ nuôi con, mà còn nuôi ý chí và nuôi cả ước mơ đổi đời".