Làng đình chiến Panmunjom: 'Nơi căng thẳng nhất hành tinh' thắp lên niềm hy vọng
22/04/2018 - 16:12
Nằm trong khu phi quân sự liên Triều (DMZ), ngôi làng Panmunjom được chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, dự kiến vào ngày 27/4 tới với tín hiệu đầy lạc quan.
Nơi nguy hiểm bậc nhất thế giới
Cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc đều có quyền tài phán với làng Panmunjom (Bàn Môn Điếm). Làng Panmunjom cách thủ đô Seoul (Hàn Quốc) khoảng 60 km về phía Tây Bắc, cách thành phố Gaeseong của Triều Tiên chỉ 10km. Đây là nơi Hiệp định Đình chiến được ký kết sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 kết thúc. Hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh, bởi xung đột kết thúc nhờ một hiệp định ngừng bắn, không phải hiệp ước hòa bình.
Ngôi làng này nằm lọt bên trong khu DMZ. Là một trong những khu vực biên giới được vũ trang dày đặc nhất thế giới, DMZ được quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên trang bị dày đặc bãi mìn. Khoảng một triệu người lính của 2 bên vẫn ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Không chỉ binh lính được trang bị vũ khí “từ chân tới tóc”, khu vực phi quân sự này còn được bảo vệ bởi các công sự bê tông ngầm, mìn, hàng rào dây thép gai, các chướng ngại vật chống tăng nằm dọc biên giới, hàng loạt đài quan trắc cũng như các ụ súng máy trên các ngọn đồi...
Các binh sĩ cảnh vệ Hàn Quốc và Triều Tiên hàng ngày vẫn đối diện nhau qua Khu vực An ninh chung (JSA), dải đất nhỏ thuộc Panmunjom nằm dưới sự giám sát của Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UN Command), đặt ngay giữa đường ranh giới và đều được sơn màu xanh lơ. Đường phân chia được đánh dấu bởi một dải xi măng kéo dài, không một binh sĩ hay vị khách du lịch nào được phép bước qua. Những tòa nhà trong làng Panmunjom đều kết nối liên lạc với Seoul và Bình Nhưỡng, vì vậy các cuộc thảo luận tại đây đều được giám sát chặt chẽ bởi giới chức tại hai thủ đô.
Tuy được mệnh danh là “nơi căng thẳng nhất hành tinh” nhưng Panmunjom cũng là một địa điểm du lịch nổi tiếng, hàng năm thu hút rất đông khách du lịch đến thăm. Du khách tới bên phía Nam thuộc Hàn Quốc đều nhận được cảnh báo tránh những hành động có thể kích động binh sĩ Triều Tiên. Trang web chính thức tổ chức tour tới DMZ liệt kê những điều cấm, trong đó có cấm các loại trang phục như quần bò xé, đồng phục, áo phông, quần short, váy ngắn… Một tour tới DMZ có giá khoảng 65.000 won-85.000 won/người (khoảng 65-80 USD).
Phía Triều Tiên cũng đưa du khách tới đây, thậm chí họ còn được thoải mái hơn phía Hàn quốc. Du khách bên Triều Tiên có thể ăn mặc thoải mái, chụp ảnh selfie với lính Triều Tiên.
Một trong những điểm thu hút nhất khi tới thăm Panmunjom là ngôi nhà một tầng màu xanh, nơi giới chức Hàn Quốc - Triều Tiên họp thường kỳ. Khi bước vào trong tòa nhà, khách du lịch có thể bắt gặp 4 người lính thuộc Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc đứng ở hai đầu của tòa nhà để bảo vệ họ, trong khi các binh sĩ Hàn Quốc đi lại bên ngoài các cửa sổ và quan sát bên trong qua cửa kính. Để đảm bảo an toàn tính mạng, du khách được cảnh báo trước để không nhìn thẳng vào mắt hoặc có bất cứ cử chỉ không phù hợp nào có thể khiêu khích binh sĩ. Ngoài ra, du khách phải ký một bản cam kết để tự chịu trách nhiệm đối với "sự an toàn và tính mạng của bản thân” trong trường hợp bị tấn công.
Hy vọng hòa bình
Làng đình chiến Panmunjom thường là nơi diễn ra các cuộc đàm phán cấp cao chính phủ hai nước, cũng như ở cấp chuyên viên, trong đó tập trung vào nhiều vấn đề như khu công nghiệp chung Kaesong, du lịch tới núi Kumgang, cũng như vấn đề các gia đình ly tán giữa hai miền… Hiện Hàn Quốc đang cải tạo Nhà Hòa bình để đón tiếp phái đoàn Triều Tiên, tính đến cả việc nâng cấp hệ thống Internet cùng các chức năng khác. Cơ sở này là một tòa nhà hội nghị gồm 3 tầng, được xây dựng năm 1989 bên phía nam JSA. Tòa nhà tương ứng ở phía Triều Tiên là Tongilgak xây năm 1985, được dùng làm địa điểm tổ chức các cuộc đối thoại liên Triều. Hai miền Triều Tiên đã tổ chức hơn 650 cuộc đối thoại kể từ năm 1971 và 55% trong số đó diễn ra tại làng Panmunjom.
Ngày 9/1/2018, cuộc đàm phán cấp cao đã diễn ra tại làng đình chiến Panmunjom và đạt được nhiều thành công. Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều thể hiện thái độ xây dựng và thiện chí, tránh mọi động thái đối đầu. Thành công của cuộc đối thoại thực sự là món quà năm mới nhiều ý nghĩa, không chỉ đối với nhân dân hai miền Triều Tiên, mà còn đối với khu vực nói chung. Đối thoại mở ra đối thoại - đây đang là cách tiếp cận tạo khả năng phá vỡ bế tắc trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Một trong những tín hiệu lạc quan cho sự hòa giải trên bán đảo Triều Tiên là Bình Nhưỡng đã nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Seoul tại làng đình chiến Panmunjom cuối tháng 4 tới. Ông Kim và ông Moon dự kiến gặp mặt tại Nhà Hòa bình. Đây được kỳ vọng sẽ là nơi khởi động cho một hòa bình mới ở bán đảo Triều Tiên.
Cuộc sống đời thường xung quanh Panmunjom
Các ngôi làng xung quanh làng đình chiến Panmunjom vẫn duy trì cuộc sống thường nhật. Các cửa hàng vẫn mọc lên, trẻ em vẫn đến trường và những người nông dân vẫn ra đồng... Chỉ có điều, không khí căng thẳng vẫn luôn hiện hữu ở khu vực này. Tại làng Daeseong-dong, phía Nam đường ranh giới phân chia Triều Tiên - Hàn Quốc ở khu DMZ, ngôi trường đặc biệt đã được xây dựng dành cho trẻ em Hàn Quốc. Trẻ em đi học dưới sự giám sát chặt chẽ của các binh sĩ Hàn Quốc. Daeseong-dong là ngôi làng duy nhất dân thường có thể ở trong khu DMZ.
Tại thành phố Paju, cửa ngõ vào làng đình chiến Panmunjom có hai trung tâm thương mại Shinsegae và Lotte có diện tích bằng vài sân bóng đá, khiến ngành du lịch tại đây đã có bước nhảy vọt cuối năm 2011. Hơn 12 triệu lượt khách du lịch đến đây mỗi năm.
Trên tầng áp mái của Trung tâm thương mại Lotte Premium Outlet, mọi người có thể quan sát Triều Tiên dọc sông Imjin qua ống nhòm. Trung tâm thương mại này cũng có khu vui chơi, rạp chiếu phim.
Tại Trung tâm thương mại Shinsegae Paju Premium Outlet, nhiều trẻ em nhảy nhót và reo hò xung quanh đài phun nước vào một ngày hè tháng 7 nóng nực. Cách đó vài dặm là một ngôi làng theo mô hình như trung tâm du lịch Provence của Pháp, nơi những nhà hàng, tiệm bánh và các cửa hàng quần áo được trang trí như trong sách của trẻ em.
Tại một nơi khác ở Paju, trẻ em khắc gỗ thành búp bê Pinochio tại một bảo tàng, trong khi người lớn nếm thử rượu vang làm từ một loại nho dại của Hàn Quốc tên là meoru trong một trang trại.
Sự thoải mái thậm chí còn được thể hiện trong trại Bonifas của quân đội Mỹ ở ngoại ô thị trấn, nơi có sân golf 3 lỗ từng được trang Sports Illustrated gọi là “sân golf nguy hiểm nhất thế giới” vì những cuộc tàn phá do chiến tranh Triều Tiên gây ra tại khu vực này.