pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lắng nghe để thấu hiểu nhau

Ảnh minh họa
Khi lắng nghe trở thành phản xạ… để phản ứng
Trong nhiều cuộc trò chuyện thường ngày, chúng ta dễ rơi vào một chiếc bẫy vô hình: vừa nghe vừa chuẩn bị câu trả lời. Người kia vừa mới giãi bày nỗi buồn thì ta đã nghĩ cách an ủi; họ vừa nói xong câu đầu tiên thì ta đã vội chen vào kể chuyện của mình. Sự lắng nghe lúc ấy trở thành cuộc chạy đua để giành lấy lượt nói mà ta không hề hay biết mình đang bỏ lỡ điều quan trọng nhất: cảm xúc thật sự của người đối diện.
Chị Hạnh (38 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: "Tôi từng nghĩ mình là người biết lắng nghe, vì tôi luôn có lời khuyên sẵn cho chồng, cho con. Nhưng một hôm, con gái tôi nói: "Mẹ ơi, mẹ nghe để nói lại, chứ đâu có nghe con buồn chỗ nào!". Câu nói khiến tôi chững lại. Tôi bắt đầu học cách im lặng khi con nói, chỉ để nắm bắt cảm xúc của con thôi. Kết quả là con chia sẻ nhiều hơn, và gần gũi với tôi hơn hẳn".
Lắng nghe cảm xúc - kỹ năng cần luyện tập
Lắng nghe cảm xúc không đơn giản là ngồi im. Đó là một kỹ năng cần sự chú tâm, kiên nhẫn và lòng trắc ẩn. Điều đầu tiên của kỹ năng này là lắng nghe bằng cả cơ thể và tâm trí. Hãy nhìn vào mắt người đối diện, gật đầu nhẹ để thể hiện sự hiện diện, đặt điện thoại xuống, gạt đi những suy nghĩ đang làm phiền bạn.
Thứ hai, hãy tạm gác lại mong muốn đánh giá hay đưa ra lời khuyên. Khi ai đó đang giãi bày, điều họ cần trước hết là được lắng nghe trọn vẹn, chứ không phải giải pháp. Đặt mình vào vị trí của họ, tự hỏi: "Nếu mình là người ấy, mình sẽ cảm thấy ra sao?" - đó chính là bước đầu tiên để thực sự hiểu người khác.
Một yếu tố quan trọng không kém là không phán xét. Khi nghe chuyện người khác - dù là về nỗi giận, sự ganh tỵ, hay một quyết định sai lầm - ta rất dễ vội vàng kết luận: "Cậu nghĩ thế là ích kỷ rồi đấy!", hay "Sao lại chọn cách làm như thế?". Những câu nói tưởng như đơn giản này có thể đóng sập cánh cửa giao tiếp. Hãy thay bằng những phản hồi trung tính, thể hiện sự đồng cảm như: "Nghe có vẻ là điều đó khiến bạn rất áp lực", hay "Có vẻ bạn đã cảm thấy bối rối lúc ấy".
Lắng nghe không lời - nghệ thuật của sự hiện diện
Đôi khi, sự hiện diện lặng thinh lại là hình thức lắng nghe sâu sắc nhất. Một người mẹ chỉ ngồi bên cạnh con đang khóc mà không nói gì, một người chồng nhẹ nhàng nắm tay vợ sau một ngày làm việc mệt mỏi, tất cả đều là cách lắng nghe không lời nhưng đầy sức mạnh. Trong thế giới ồn ào hôm nay, sự tĩnh lặng có thể là món quà quý giá nhất.
Lắng nghe để chữa lành
Nhiều nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng, chỉ cần một người biết lắng nghe với thái độ thấu cảm đã có thể giúp người khác giảm bớt căng thẳng, cải thiện sức khỏe tinh thần và tăng cảm giác được yêu thương. Trong các mối quan hệ gia đình, việc vợ chồng, cha mẹ - con cái lắng nghe nhau không chỉ giúp giải quyết xung đột mà còn củng cố sự tin tưởng.
Anh Trung (42 tuổi, Hà Nội) tâm sự: "Trước đây tôi hay gắt gỏng với vợ vì nghĩ cô ấy cứ than phiền mãi chuyện ở nhà. Sau này tôi thử ngồi nghe cô ấy nói hết, không ngắt lời, không cãi lại. Tôi mới nhận ra, vợ không cần tôi sửa chữa gì cả, chỉ cần tôi lắng nghe thôi. Lạ là từ khi tôi làm điều đó, cô ấy vui vẻ hơn, gia đình cũng đỡ căng thẳng".
Kết nối lại bằng trái tim
Lắng nghe để hiểu là hành trình kết nối trái tim với trái tim. Không ai cần bạn trở thành nhà tâm lý học hay người giải quyết vấn đề chuyên nghiệp. Điều người khác cần, đôi khi chỉ là một người đủ kiên nhẫn để lắng nghe không nhằm mục đích gì, không giảng giải, không phản bác, không gán nhãn. Chỉ đơn giản là lắng nghe. Lắng nghe một ai đó, không để đáp lại, mà để hiểu. Và bạn sẽ thấy, sự hiểu đó có thể thay đổi cả một mối quan hệ.