Lãng phí thực phẩm: Mối đe dọa với khí hậu, môi trường

Lương Hiền
23/08/2021 - 18:00
Lãng phí thực phẩm: Mối đe dọa với khí hậu, môi trường

Hơn 1/3 trong toàn bộ sản lượng lương thực trên khắp hành tinh đã bị bỏ phí

Lãng phí thực phẩm không chỉ lãng phí tiền bạc mà còn tiêu tốn tài nguyên quý giá, làm tổn hại khí hậu, đe dọa đa dạng sinh học và thải ra rất nhiều vi nhựa vào đất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Mỗi người lãng phí 121kg thực phẩm mỗi năm

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ước tính, 1/3 tổng số thực phẩm được sản xuất trên toàn thế giới không bao giờ được ăn. Lượng lương thực bị mất mát hoặc lãng phí mỗi năm lên đến 1,3 tỷ tấn, trị giá tương đương khoảng 940 tỷ USD.

Phần lớn rác thải thực phẩm hư hỏng trong quá trình sản xuất và cung ứng. Ví dụ như thực phẩm đang bị thối rữa trên các cánh đồng, bị hư hại do mạng lưới giao thông vận tải nghèo nàn, bị hỏng tại các chợ do thiếu kỹ thuật bảo quản thích hợp hoặc không tiêu thụ được… Một số thực phẩm bị lãng phí là do người dùng, họ mua quá nhiều rồi không dùng hết và vứt nó đi.

Lãng phí thực phẩm: Mối đe dọa nguy hiểm đối với khí hậu, môi trường - Ảnh 1.

Ước tính bình quân đầu người của khu vực và quốc gia, mỗi người lãng phí 121kg thực phẩm mỗi năm

Theo nghiên cứu mới của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm hỗ trợ nỗ lực toàn cầu giảm một nửa lượng chất thải lương thực vào năm 2030, ước tính, bình quân đầu người của khu vực và quốc gia, mỗi người lãng phí 121kg thực phẩm mỗi năm, trong đó ở hộ gia đình lãng phí 74kg.

Những hệ lụy của việc lãng phí thực phẩm đối với môi trường

Các nghiên cứu đã chỉ ra, rác thải thực phẩm góp phần vào sự thay đổi khí hậu, gián tiếp đe dọa đa dạng sinh học và thải ra rất nhiều vi nhựa vào đất. Việc sản xuất thực phẩm tiêu tốn rất nhiều tài nguyên, rừng là nơi nhiều động vật sinh sống hiện đang bị chặt phá diện rộng để chăn nuôi gia súc hoặc sản xuất lương thực thực phẩm. Điều này gây áp lực lớn cho môi trường cũng như đa dạng sinh học. Theo FAO, trên thực tế, hơn 1/4 tổng số đất nông nghiệp trên thế giới được dùng để sản xuất ra lượng thực phẩm không bao giờ được sử dụng để ăn. Và khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ việc sản xuất số lượng thực phẩm này là 48 triệu tấn. Bên cạnh đó, mỗi năm, khoảng 250 tỷ lít nước được sử dụng trên toàn thế giới bị lãng phí do sử dụng để sản xuất thực phẩm không bao giờ được ăn.

Ngoài ra, rác thải thực phẩm ra môi trường thường còn nguyên bao bì nhựa. Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Bayreuth phát hiện, rác thải thực phẩm thải ra rất nhiều vi nhựa vào đất, cứ trong một tấn phân ủ sản xuất từ rác hữu cơ, họ đã tìm thấy 440.000 mẩu vi nhựa. Họ cũng tìm thấy vi nhựa trên vùng đất nông nghiệp Đức với nồng độ cao gấp 20 lần so với các đại dương trên thế giới. Và từ cánh đồng, vi nhựa có khả năng xâm nhập vào chuỗi thức ăn của chúng ta.

Các quốc gia đã có giải pháp gì để hạn chế lãng phí thực phẩm?

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã thành lập tổ chức đặc biệt, mang tên "Cứu nguy lương thực" (Save Food). Tổ chức này đã kêu gọi các quán ăn áp dụng biện pháp phù hợp để không để thức ăn bị lãng phí và bước đầu thu được thành công. Theo đó, nhiều quán ăn trên thế giới đã kêu gọi khách hàng gọi đồ ăn đủ khả năng dùng bữa của mình. Nếu như khách hàng lãng phí thức ăn thì tùy theo mức độ thức ăn thừa, chủ quan sẽ đưa ra mức "phạt tiền".

Một cửa hàng ăn ở thủ đô của Litva, nếu khách hàng để thừa đồ ăn quá nhiều sẽ bị trả gấp đôi số tiền ghi trong hóa đơn. Một số nước khác ở Châu Âu, hay Arab Saudi- nơi được xem là "sống trên tiền" nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ lớn nhất thế giới... cũng áp dụng mức phạt tương tự. Ở Mỹ, nếu số thức ăn bỏ phí đủ mức chịu phạt, khách hàng sẽ phải trả thêm 30% giá trị bữa ăn.

Nguồn: Guardian, FAO
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm