Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH lý giải đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu nam 62, nữ 60

17/01/2018 - 12:27
Sáng nay 17/1, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã lên tiếng giải đáp những băn khoăn của dư luận và người lao động về thông tin nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 60 tuổi, nhằm cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.
tuoi-nghi-hu.jpg
Dự kiến tuổi nghỉ hưu của nữ nâng lên 60 theo lộ trình thực hiện từ năm 2021 (ảnh H. Hòa)

 

Bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội diễn ra sáng nay 17/1, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết, Bộ này đang xây dựng Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ 60 tuổi. Thời điểm thực hiện lộ trình nâng tuổi hưu từ năm 2021.

Lý giải nguyên nhân cần phải nâng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng: Quy định tuổi nghỉ hưu hiện hành đã được thực hiện từ năm 1961 đến nay chưa từng được điều chỉnh với nam nghỉ hưu vẫn ở tuổi 60 và nữ là 55. Trong khi các nước trên thế giới đều có xu hướng nâng dần tuổi hưu, phần lớn là nghỉ hưu ở tuổi 65 đến 67.

Bên cạnh đó, “chúng ta mong muốn thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ. Đây là một trong những nội dung thực hiện cam kết với quốc tế về không phân biệt đối xử về giới”, ông Diệp nói. Đồng thời, việc nâng tuổi nghỉ hưu, theo ông Diệp cũng là thực hiện “khuyến cáo của các tổ chức quốc tế đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội”.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định việc điều chỉnh lộ trình tuổi nghỉ hưu có nhiều phương án. Trong dự thảo Bộ này đưa ra lộ trình sẽ là “mỗi năm nâng tuổi nghỉ hưu lên 6 tháng, cho đến đến khi nam đạt 62 tuổi, nữ đạt 60 tuổi”. Ngoài ra, còn phương án khác là “mỗi năm tuổi nghỉ hưu của nam và nữ nâng dần lên 3 tháng”. Theo ông Diệp, nếu điều chỉnh quá nhanh sẽ có những cú “sốc” của thị trường lao động. Vì vậy, lộ trình điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu sẽ là lâu dài chứ không điều chỉnh ngay lập tức.

ong-doan-mau-diep-ly-giai-tang-tuoi-nghi-huu.jpg
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (ảnh H. Hòa)

 

Nhiều ý kiến vẫn cho rằng tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên hiện nay là cao nhất và hằng năm thị trường vẫn bổ sung lượng lớn lực lượng lao động mới; trong khi tuổi nghỉ hưu được nâng lên sẽ làm giảm cơ hội việc làm của những người trẻ. Giải đáp vấn đề này, theo ông Diệp, nhìn vào bối cảnh dân số Việt Nam đang già hóa, lực lượng lao động trẻ đang giảm dần. Cụ thể, trước đây, mỗi năm có 1,5 đến 1,7 triệu người tham gia vào lực lượng lao động. Nhưng hiện nay con số này chỉ rơi vào 800 đến 900 ngàn lao động mới bổ sung vào thị trường lao động hằng năm.

Với việc nâng tuổi nghỉ hưu, ông Doãn Mậu Diệp khẳng định: “Không phải tất cả các nhóm lao động, ngành nghề đều nâng tuổi nghỉ hưu lên mức 62 tuổi với nam và 60 với nữ”. Dự kiến, có những nhóm lao động được nâng tuổi nghỉ hưu cao hơn; cụ thể như các lao động chất lượng cao, quản lý, chuyên gia… Những lao động thuộc ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại có tuổi hưu thấp hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm