Lãnh đạo Cty CP dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài bị tố trù dập một nữ nhân viên

PV
12/05/2021 - 10:59
Lãnh đạo Cty CP dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài bị tố trù dập một nữ nhân viên
Từ một cán bộ lâu năm, yên ổn với công việc của mình, sau khi tố cáo lãnh đạo Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài có dấu hiệu tham ô, chị Nguyễn Thị Thu Giang đã liên tục gặp rắc rối trong công việc.

Tố cáo lãnh đạo nên bị trù dập?

Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Thu Giang, (SN 1983, nhân viên của Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài – viết tắt là NASCO), sau khi chị tố giác ông Trần Việt Phương, Tổng Giám đốc NASCO chỉ đạo cấp dưới sửa chữa số liệu trên phần mềm và trên hóa đơn xuất nhập kho của phòng khách hàng Bông Sen Quốc tế từ năm 2019, có dấu hiệu tham ô tài sản lên Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, chị đã bị ông Phương trù dập, chèn ép, dùng quyền lực chỉ đạo cấp dưới gây khó khăn, áp lực để thuyên chuyển chị đi làm công việc khác…

Lãnh đạo Cty CP dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài bị ‘tố’ trù dập một nữ nhân viên - Ảnh 1.

Trụ sở NASCO (Ảnh Internet)

Cụ thể, ngày 20/5/2019, chị nhận được Quyết định số 1034, luân chuyển chị từ Đội phó Đội Dịch vụ hàng không (DVHK) nội địa về tham gia Tổ định mức các Phòng khách Bông sen, thuộc Phòng Kế hoạch Thị trường (tổ định mức chưa được thành lập tại thời điểm này).

Do chị không đồng ý với quyết định trên, nên Công ty đã tổ chức nhiều cuộc họp để xem xét, giải quyết. Ngày 21/6/2019, chị nhận được văn bản số 69/BC –NASCO–CĐ, của Ban Thường vụ Công đoàn cơ sở NASCO về việc Công ty Nasco thực hiện sai quy trình điều động với chị và yêu cầu chính quyền Công ty hoàn thiện lại quy trình điều động đúng với các quy định của pháp luật.

Ngày 22/7/2019, ông Trần Việt Phương đưa ra quyết định để chị quay trở lại làm việc cũ.

Cũng theo chị Giang, ngày 01/04/2020, do dịch bệnh Covid xảy ra phức tạp, nên người lao động và NASCO thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động một thời gian. Đến 27/4/2020, Phòng C (phòng dịch vụ cho khách hạng thương gia) bắt đầu mở cửa trở lại. Một số cán bộ, người lao động được gọi đi làm nhưng không hề có quy trình, tiêu chuẩn, căn cứ nào để gọi người lao động đi làm, không thông báo danh sách công khai, minh bạch.

Bản thân chị là Đội phó Đội DVHK nội địa, phụ trách Phòng chờ VPBank (thuộc đội DVHK nội địa, không phải là đơn vị độc lập, hoạt động trở lại từ 1/5/2020). Nhưng đến ngày 15/6/2020, cán bộ, người lao động của Đội DVHK quốc tế được gọi sang làm tại VPBank. Đến thời điểm này, tất cả 3 cán bộ của Đội DVHK nội địa đi làm, trừ chị không được đi làm.

Ngày 29/7/2020, chị nhận được yêu cầu lên họp cùng 10 người khác. Nội dung là gặp mặt những người nộp chứng chỉ giả để có phương án sắp xếp công việc khác, trong đó Công ty yêu cầu chị giải trình về chứng chỉ tiếng Anh của chị đã nộp. Cụ thể theo phía NASCO, họ nhận được 2 bản photo chứng chỉ tiếng Anh Toeic có tên chị Giang, trong đó một bản có số điểm là 580, bản còn lại có số điểm 500. Qua xác minh, NASCO được cơ quan chức năng xác nhận chị Giang thi Toeic đạt 500 điểm là đúng, còn bản photo 580 điểm có dấu hiệu bị sửa chữa và không khớp với hồ sơ tại nơi tổ chức thi.

Theo trình bày của chị Giang, đối với chứng chỉ Toeic, chị chỉ nộp duy nhất 1 bản photo công chứng cho Công ty có số điểm là 500 và chị chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính pháp lý của chứng chỉ này. Còn bản photo 580 điểm chị không biết ở đâu ra và ai đã nộp, mục đích là gì…

Tuy nhiên, chị Giang cho biết, căn cứ vào bản chứng chỉ photo có số điểm 580 mang tên chị, phía Công ty đã nhiều lần yêu cầu chị giải trình, nhưng bản thân chị cũng không biết phải giải trình ra sao, vì chị chỉ nộp duy nhất 01 bản chứng chỉ Toeic 500 điểm và với vị trí của chị, chứng chỉ Toeic 500 điểm đã là đủ điều kiện. Trong khi đó, hầu hết những người khác đã nộp chứng chỉ giả lại chưa bị xử lý gì.

Từ sự việc nói trên, chị Giang cho rằng ông Trần Việt Phương đã cố tình trù dập, chèn ép chị hết lần này đến lần khác mục đích cố chuyển chị ra khỏi vị trí tại Phòng khách Bông sen, nhằm đưa người cùng phe cánh vào để can thiệp, chỉnh sửa số liệu trên hệ thống, rút tiền của Công ty, Nhà nước để tư lợi(?!).

NASCO nói gì?

Để tìm hiểu những tố cáo của chị Giang, PV đã có buổi làm việc với ông Lê Mạnh Hiền, Chánh Văn phòng NASCO, cùng một số cán bộ có trách nhiệm khác của NASCO.

Theo ông Ngô Gia Hùng, Trưởng phòng Tổ chức nguồn lực NASCO, việc thành lập tổ định mức là do yêu cầu của công việc. Vì vậy, Tổng Giám đốc đã yêu cầu điều động tạm thời chị Giang, một nhân viên khác từ bên bộ phận quốc tế, cùng một người ở Phòng Kế hoạch để thành lập tổ định mức. Tuy nhiên, chị Giang không đồng ý với việc điều động này và cho rằng đó là điều động công việc của chị Giang nhưng không lấy ý kiến của cá nhân chị ấy và không báo trước.

"Chúng tôi sau đó đã giải thích cho chị Giang, chị Giang vẫn không chịu nhận quyết định điều động nhưng chấp hành về làm việc ở tổ định mức. Hết thời gian 2 tháng tạm thời ở tổ định mức, chúng tôi đã trả chị Giang về làm việc ở chỗ cũ, vẫn là Đội phó C nội địa. Trong việc này, chúng tôi thừa nhận có thiếu sót là không báo trước cho chị Giang, còn lại mọi việc điều động là đúng quy định"…, ông Hùng nói.

Về vấn đề chứng chỉ ngoại ngữ, do Vietnam Airline yêu cầu một số vị trí phải có tiêu chuẩn về ngoại ngữ, nên NASCO đã tạo điều kiện cho một số cán bộ đi học để đạt được chứng chỉ phù hợp với vị trí mà họ đang làm việc. Chúng tôi đã cho anh em tự đi học, xong thì về nộp lại chứng chỉ.

Đến cuối tháng 6/2020, Công ty nhận được 41 chứng chỉ tiếng Anh Toeic của người lao động. Sau đó, Công ty muốn kiểm tra lại nên đã gửi văn bản đến nơi cấp chứng chỉ đề nghị hậu kiểm. Kết quả là chỉ có 19/41 người có kết quả trùng với dữ liệu trong hệ thống của ETS; 14/41 người chưa từng tham dự kỳ thi Toeic do IIG Việt Nam tổ chức; 08/41 người đã sửa thông tin ngày thi và điểm số (trong đó chứng chỉ Toeic có tên Nguyễn Thị Thu Giang sửa từ 500 điểm thành 580 điểm).

Cũng theo ông Hùng, sau khi phát hiện sự việc này, Công ty đã cho gọi tất cả những người (đã đi làm trở lại, vì có một số trường hợp vẫn đang tạm hoãn hợp đồng lao động vì dịch bệnh) có chứng chỉ giả, sửa chữa thông tin trên chứng chỉ lên để yêu cầu xác nhận lại chứng chỉ thật hay giả.

Ông Hùng khẳng định: Chị Giang là một trong số những người nói trên, chị này có thi thật, điểm thấp hơn và chị Giang đã sửa điểm rồi nộp lên. Tuy nhiên, khi Công ty hỏi thì chị Giang phủ nhận việc sửa chữa điểm và cho rằng Công ty đã ngụy tạo để trù dập chị ấy…

Khi PV hỏi, với vị trí của chị Giang hiện tại (Đội phó C nội địa) thì tiêu chuẩn tiếng Anh Toeic bao nhiêu điểm là đạt? Ông Hùng cho biết, chỉ cần 350 điểm là đạt.

Vậy nếu trên thực tế, chị Giang đạt 580 điểm Toeic thì có được thưởng hay không? Ông Hùng cũng khẳng định là không được thưởng gì cả.

PV đặt ngược lại vấn đề, tiêu chuẩn của chị Giang chỉ cần chứng chỉ Toeic 350 điểm, trong khi đó thi đã đạt 500 điểm, vậy chị ấy có cần thiết phải sửa lên 580 điểm hay không và mục đích để làm gì? Ông Hùng trả lời rằng, làm sao tôi biết được, đó là việc của chị Giang thôi…

Với một người bình thường mà nói, chứng chỉ tiếng Anh của mình đã thừa so với tiêu chí Công ty đặt ra 150 điểm, liệu họ có tự ý sửa chữa nâng lên thêm 80 điểm nữa mà chẳng để đạt được lợi ích gì hay không? Không những không đạt lợi ích gì trong việc chữa nâng điểm, bản thân chị Giang cũng đang gặp rắc rối vì vấn đề này, vậy liệu chị Giang có tự mình sửa điểm hay không? Phải chăng đây chính là một cái cớ để ai đó đẩy chỉ Giang vào vòng rắc rối?

Còn về vấn đề chị Giang tố cáo ông Trần Việt Phương, Tổng Giám đốc NASCO chỉ đạo cấp dưới sửa chữa số liệu trên phần mềm và trên hóa đơn xuất nhập kho của phòng khách hàng Bông Sen Quốc, cán bộ pháp chế của NASCO cho biết, sự việc đang được Công an Hà Nội điều tra, xác minh, nên Công ty chưa thể cung cấp thông tin thời điểm này.

Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm