pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lãnh đạo Hà Nội nói gì về "biển người" đổ ra đường chơi Trung thu khi vừa nới lỏng giãn cách?
Người dân Hà Nội đổ ra đường vui Trung thu tối 21/9. Ảnh: TTXVN
Sự việc đang khiến nhiều người dân Thủ đô không khỏi lo lắng, đó chính là hình ảnh rất đông người dân đổ ra đi chơi Trung Thu vào tối 21/9 - ngày đầu tiên Hà Nội nới lỏng giãn cách.
Theo ghi nhận, các con đường hướng về trung tâm thành phố trong đêm 21/9 tràn ngập người và xe. Cảnh tượng ùn tắc cũng kéo dài trên nhiều tuyến phố.
Về sự việc này, ông Lê Phương, chuyên gia y tế cộng đồng, cho rằng, người dân ra đường đông vào đêm Trung thu thể hiện việc ý thức tự giác phòng, chống dịch chưa tốt. Tuy nhiên, ở góc độ hoạch định, chính quyền cũng cần có những dự báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh, từ đó đưa ra biện pháp chủ động kiểm soát dịch, cảnh báo từ trước thay vì để tới lúc sự việc xảy ra rồi mới nhìn thấy nguy cơ.
"Hà Nội nới lỏng sau một thời gian dài giãn cách là hợp lý và điều chúng ta nhìn thấy rõ là thành quả chống dịch đáng nể: số F0 giảm đáng để, chủ yếu ghi nhận số ca F0 trong khu cách ly, phong toả, lác đác ca F0 ở ngoài cộng đồng; các điểm phong toả giảm... Tuy nhiên, việc nới lỏng giãn cách cũng phải song song với việc tính toán thật kỹ việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát, để tránh tâm lý "bung lụa" của người dân sau một thời gian dài giãn cách như tối qua", vị chuyên gia này nói.
Khó xử phạt vì lượng người ra đường quá đông
Trước sự việc người dân ra đường đông nghịt vào đêm Trung thu, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong bày tỏ sự lo lắng khi thành quả chống dịch của thành phố đang bị "thách thức rất lớn".
Phó Bí thư Hà Nội mong rằng, mọi người dân hãy rút kinh nghiệm, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, nhất là thường xuyên theo dõi sức khỏe và khai báo y tế. Theo ông Phong, công tác chống dịch chỉ đem lại kết quả thực chất khi tất cả chúng ta cùng đồng lòng và tự giác chấp hành các quy định.
Chỉ thị 22 của TP Hà Nội đã nêu rõ, toàn thành phố thực hiện theo Chỉ thị 15 và cao hơn Chỉ thị 15, khuyến cáo ai không có việc gì thì nên ở nhà, không nên ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết. Khi ở nơi công cộng, người dân không được tụ tập đông người, tập trung dưới 10 người và giữ khoảng cách 2m. Thế nhưng, người dân đã không thực hiện theo khuyến cáo này. Chế tài xử lý đối với việc này có đầy đủ nhưng số lượng người đổ ra đường chơi đông quá, rất khó cho lực lượng chức năng.
Mới tiêm vaccine chưa thể có kháng thể
Trong dòng người đổ ra đường vui Tết Trung thu, có rất nhiều trẻ em được bố mẹ đưa đi chơi, ngắm phố phường. Điều này khiến các chuyên gia dịch tễ vô cùng lo lắng vì hiện nay, vẫn chưa có vaccine để tiêm phòng cho trẻ em. Bản thân việc học cũng vẫn phải tiến hành online để đảm bảo an toàn cho các em.
Còn với người lớn đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, cho rằng, vaccine chỉ giúp hạn chế tối đa khả năng chuyển nặng khi nhiễm bệnh, còn khi người dân vừa được tiêm vaccine thì cơ thể chưa thể có kháng thể chống virus ngay được. "Chủ quan vì đã xét nghiệm âm tính, không ít người dân còn chủ quan vì đã tiêm vaccine (1 hoặc 2 mũi) và nghĩ rằng mình không thể nhiễm bệnh, đó là sai lầm và có thể phải trả giá rất đắt bằng chính sức khoẻ của bản thân và cả cộng đồng", ông Phu nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: "Kể cả khi thành phố trở về được trạng thái bình thường mới rồi cũng không thể nói chúng ta hết nguy cơ. Trong biển người hôm qua, chỉ cần có một trường hợp F0 thì rất khó truy vết, vì không ai biết ai lây cho ai, lây theo hình thức nào, rất nguy hiểm".