‘Lãnh đạo Mỹ - Triều là ứng viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình’

27/02/2019 - 07:25
Đó là nhận xét của GS.TS Augustine Hà Tôn Vinh, chuyên gia kinh tế đối ngoại, buổi tọa đàm về ấn phẩm “Hiểu về Trump” của tác giả Newt Gingrich do Trung tâm Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (VAPEC) và Công ty CP sách OMEGA phối hợp tổ chức vào chiều 26/2 tại Hà Nội nhân hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 được tổ chức tại Việt Nam.
GS.TS Augustine Hà Tôn Vinh cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sẽ mở ra cơ hội mới cho các bên và đây cũng là sự kiện để dư luận hiểu rõ hơn về Tổng thống Donald Trump cũng như chính sách kinh tế và đối ngoại của Mỹ.
 
hatonvinh.jpg
GS Hà Tôn Vinh: ‘Lãnh đạo Mỹ - Triều là ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình’.

 

“Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 là sự kiện đặc biệt quan trọng, không chỉ với hai nước tham gia hội nghị mà còn có ý nghĩa với các nước trong khu vực cũng như thế giới. Đây cũng là cơ hội để lập lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và lãnh đạo Mỹ - Triều cũng chính là ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình sắp tới”, GS Hà Tôn Vinh nhận xét.
 
Theo GS Hà Tôn Vinh, sự kiện hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung có thể hiểu thêm về vị Tổng thống thứ 45 cũng chính sách về kinh tế, quốc phòng và đối ngoại của Mỹ trước mắt cũng như trong tầm trung hạn.
 
GS Vinh phân tích, đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính sách mà Mỹ đang duy trì hiện nay, bao gồm có 4 vấn đề chính cần lưu ý.
 
Thứ nhất, đó là nước Mỹ là của người Mỹ, việc làm của nước Mỹ phải là do người Mỹ làm. Ngay “slogan” của chiến dịch tranh cử của ông Trump “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại) đã khơi lại niềm tự hào dân tộc của người dân nước này. Tổng thống Trump quan niệm không thể để việc làm của nước Mỹ mất vào tay người dân nước khác.
 
Trong những năm qua, dù kinh tế Mỹ vẫn ổn định, nhưng người dân Mỹ đã thấy rõ việc các nhà máy sản xuất và nhiều công ăn việc làm của họ dần dần được chuyển ra nước ngoài. Hàng hóa giá rẻ từ Trung quốc và nhiều nước khác tràn ngập thị trường Mỹ đã làm cho công việc trở nên khan hiếm và lương bổng càng ngày càng xuống thấp.
 
Các Hiệp định thương mại song phương và đa phương tuy đã giúp mở cửa thị trường của các nước thành viên cho sản phẩm của Mỹ vào, nhưng cũng là cơ hội để cho sản phẩm của nước ngoài tràn vào Mỹ, kéo theo việc nhiều công ty trong nước không thể cạnh tranh giá cả với sản phẩm của các nước thành viên các hiệp định, và đưa đến sự phá sản của nhiều doanh nghiệp địa phương không có cơ hội chuyển đổi.
 
Thứ hai, tổng thống Mỹ phải ưu tiên các chính sách đem lại lợi ích cho nước Mỹ và người dân Mỹ chứ không phải là “ôm đồm” công việc của cả thế giới. Trong quá khứ, Mỹ luôn là nước dẫn đầu thế giới trên nhiều phương diện như kinh tế, tài chính, quân sự, công nghệ, giáo dục đào tạo, nhân quyền…
 
Thứ ba, nước Mỹ không thể làm “cảnh sát chung” cho cả thế giới. Thực tế, chính người dân Mỹ cũng không thích ngân sách quốc gia bị sử dụng để bảo vệ lãnh thổ hay an ninh của nhiều nước đồng minh khác trong các liên minh như NATO, ANZUS, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước khu vực Trung Đông, nhất là khi theo tổng thống Donald Trum là “các nước này không đóng góp đầy đủ nghĩa vụ tài chính của họ”.
 
Thứ tư, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ kiên quyết thực hiện bằng được chính sách siết chặt nhập cư. Nhiều người Mỹ cũng không thích và không đồng ý việc chính quyền sử dụng tiền thuế của họ để nuôi, hỗ trợ, hay phục vụ dân nhập cư bất hợp pháp, nhất là từ Mexico.
 
“Người Mỹ rất thực tế. Tổng thống Donald Trump cũng vậy. Quyền lợi của họ và của quốc gia là tối thượng. Việc ông Trump có những phát ngôn và đề ra những chính sách có thể ban đầu gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, ông kiên trì với chương trình hành động của mình như khẩu hiệu đã đề ra là “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Do đó, nếu hiểu được những nguyên tắc cơ bản này, các nước khác vẫn có thể đưa ra được những chính sách đối ngoại thích hợp và hiệu quả trong quan hệ với Mỹ. Theo tôi, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 cũng là cơ hội để Việt Nam có thể hiểu Tổng thống Trump, hiểu nước Mỹ hiện tại hơn để từ đó có những điều chỉnh về chính sách ngoại giao với Mỹ sao cho phù hợp và hiệu quả”, GS Hà Tôn Vinh nói.
 
‘Hòa bình sẽ thành hiện thực trên bán đảo Triều Tiên’
 
Trong khi đó, trao đổi với PV PNVN, ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại các nước Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời cũng là người từng có nhiệm kỳ công tác ở Triều Tiên trong nhiều năm, nhận xét: “Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 là sự tiếp nối của chuỗi đàm phán lần 1 đã được tiến hành ở Singapore hồi năm 2018.
 
Tại hội nghị thượng đỉnh lần 1, hai nước đã đưa ra 4 điểm là những nguyên tắc lớn điều phối quan hệ giữa 2 nước, từ đó đưa đến nền tảng cho viễn cảnh 2 nước không còn thù địch, quan hệ bình thường, thiết lập cơ chế hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, vì kể từ năm 1953 đến nay hai miền và các bên vẫn trong tình trạng chiến tranh.
 
Còn kết quả cụ thể của hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ như thế nào và có tính đột phá hay không thì tôi cho rằng còn phụ thuộc vào lợi ích của mỗi bên. Tuy nhiên, rất có thể sau hội nghị lần này, hai bên sẽ ra tuyên bố chung về chấm dứt chiến tranh và bình thường hóa quan hệ. Khi đó, hòa bình sẽ thành hiện thực trên bán đảo Triều Tiên”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm