pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lào Cai: Phụ nữ tích cực tham gia phát triển mô hình "thôn chuyển đổi số thông minh"
Chị em phụ nữ tỉnh Lào Cai tích cực tham gia phát triển mô hình chuyển đổi số thông minh
Mới đây, ngày 29/05/2024 tại thôn Tả Hà 2, xã Sơn Hà đã tổ chức ra mắt “mô hình thôn chuyển đổi số thông minh”, với sự tham gia đông đảo của người dân trong thôn. Thôn Tả Hà 2 nằm ven quốc lộ 4E, có diện tích tự nhiên 23,6 ha, chủ yếu là đất ở. Người dân phát triển kinh tế chủ yếu là dịch vụ, buôn bán, chế biến thực phẩm, gia công cơ khí, vận tải.
Thôn có 153 hộ với 496 khẩu. Người dân trong thôn khá nhanh nhạy với việc làm ăn buôn bán, nên mức thu nhập bình quân đứng tốp đầu trong toàn xã, với gần 70 triệu đồng/người/năm.
Đầu năm 2024, thôn Tả Hà 2 là một trong 3 thôn đầu tiên của xã Sơn Hà được chọn để triển khai mô hình “thôn chuyển đổi số thông minh" giai đoạn 2024 - 2025. Nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân. Đến nay, việc triển khai mô hình đã mang lại thay đổi đáng kể, thúc đẩy nhiều tiện ích thiết thực, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng.
Bà Hoa Phương Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Hà, cho biết: “Mục đích xây dựng thí điểm mô hình thôn chuyển đổi số thông minh nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi mặt của đời sống, nâng cao kỹ năng số cho người dân. Từ đó mở rộng cơ hội tiếp cận với công nghệ số, giúp người dân dễ dàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và các nét văn hoá đặc trưng của thôn, xã trên môi trường số”.
Xây dựng mô hình thôn thông minh trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn huyện Bảo Thắng. Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số, từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, đô thị thông minh nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng,
Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện mô hình thôn thông minh, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh. Khuyến khích người dân chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn.
Chị Đỗ Thị Hà, ở xã Sơn Hà, chia sẻ: “Chuyển đổi số là giải pháp rất phù hợp với đời sống của chị em, đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Ví dụ như mình sản xuất ra hàng hóa, lúc mua bán chỉ việc thao tác giao dịch trên điện thoại, là sẽ được đáp ứng từ cả việc mua lẫn việc bán. Hoặc mình muốn làm thủ tục hành chính, thì cũng có thể thao tác qua điện thoại. Nhờ việc làm này đã giảm bớt thời gian đi lại cho người dân rất nhiều. Chị em ở địa phương đều nhận thấy những hiệu quả của chuyển đổi số và tham gia tích cực vào các mô hình”.
Trước đó, ở xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, cũng đã ra mắt mô hình "Thôn Chuyển đổi số thông minh" tại thôn Bản Quẩn”. Thôn Bản Quẩn là thôn biên giới của xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng. Toàn thôn có 205 hộ, với 701 nhân khẩu, gồm 9 dân tộc anh em cùng chung sống. Nhân dân trong thôn chủ yếu phát triển kinh tế từ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ. Thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 68 triệu đồng/người/năm. Đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo 3,4%, trên 90% hộ đạt gia đình văn hóa.
Đầu năm 2024, thôn Bản Quẩn được chọn là một trong 8 thôn đầu tiên của xã Bản Phiệt để triển khai "Mô hình thôn chuyển đổi số thông minh" giai đoạn 2024 - 2025. Nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, đến nay, việc triển khai mô hình đã mang lại thay đổi đáng kể, thúc đẩy nhiều tiện ích thiết thực, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng.
Điều đáng nói, các chị em phụ nữ lại chính là những thành viên tham gia tích cực vào các mô hình chuyển đổi số thông minh. Bởi lẽ hầu hết chị em phụ nữ là những người nắm vai trò “tay hòm chìa khóa” ở gia đình mình. Nên việc tham gia hoạt động thương mại, thu chi trong mỗi gia đình đều có vai trò rất lớn của chị em.
Bà Dương Thu Thủy, Trưởng Ban Tuyên giáo - Chính sách pháp luật, Hội LHPN Lào Cai, cho biết: Việc thực hiện chuyển đổi số thông minh được các cấp Hội LHPN ở Lào Cai rất coi trọng và triển khai tuyên truyền thúc đẩy tới tất cả các cơ sở hội, các hội viên tham gia chuyển đổi số. Nhận thức được sự quan trọng của chương trình này, ở các cơ sở, chị em đều rất tích cực tham gia và đóng góp vai trò quan trọng cho những mô hình thôn chuyển đổi số thông minh ở địa phương nơi cư trú. Đây là những yếu tố rất quan trọng để tạo nên những thành công bước đầu trong công cuộc chuyển đổi số ở tỉnh Lào Cai.
Đến nay, 100% Hội LHPN các huyện trong tỉnh Lào Cai đều xây dựng và phát triển trang tin trên nền tảng mạng xã hội. Các cấp Hội trong tỉnh đang duy trì hoạt động 138 trang/nhóm/tài khoản mạng xã hội Facebook của các cấp Hội và trên 400 nhóm Zalo.