pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lào Cai: Phục dựng và bảo tồn “Lễ mừng cơm mới” của người Xá Phó
Phụ nữ người Xá Phó tưng bừng trong nghi lễ cơm mới
Người Xá Phó (hay còn gọi là Xa Phó) ở Lào Cai thuộc nhóm dân tộc Phù Lá, cư trú ở các huyện Sa Pa, Văn Bàn và thành phố Lào Cai. Quá trình cư trú và phát triển, người Xá Phó đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đậm nét bản sắc riêng biệt, trong đó có Lễ mừng cơm mới.
Xem thêm Clip Lễ mừng cơm mới của người Xá Phó
Nguồn Clip: Tuấn Nghĩa
Tuy nhiên, quá trình phát triển của xã hội, khiến cho nhiều nét bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số bị phai nhạt, thậm chí là mai một và biến mất khỏi đời sống cộng đồng một cách nhanh chóng. Đứng trước những nguy cơ mai một của lễ mừng cơm mới truyền thống của người Xá Phó, thành phố Lào Cai đã tổ chức phối hợp với các cơ quan chuyên môn là Sở Văn hóa và Thể thao, cùng với cộng đồng người Xá Phó ở xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai, tổ chức phục dựng và bảo tồn phát huy lễ mừng cơm mới truyền thống của người Xá Phó.
Xưa kia, người Xá Phó thường tổ chức lễ mừng cơm mới vào tháng 9 âm lịch hàng năm, tức là sau khi thu hoạch vụ mùa. Trong nghi lễ này có nhiều nghi lễ độc đáo để rước hồn mẹ lúa về kho, cùng với nhiều trò chơi dân gian, với sự tham gia của cả cộng đồng, tạo ra không khí vô cùng sôi động.
Để phục dựng và bảo tồn lễ mừng cơm mới, từ đầu năm 2023, cán bộ văn hóa thành phố Lào Cai đã phối hợp với cán bộ chuyên môn Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai, cùng với người dân ở xã Thống Nhất (TP Lào Cai), tổ chức nghiên cứu, sưu tầm lại toàn bộ các nghi lễ mừng cơm mới truyền thống xưa, và cả những trò chơi dân gian, những tiết mục văn hóa văn nghệ, để tập luyện và khôi phục lại một cách kỹ lưỡng, chi tiết nhất.
Tiến sĩ Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai, cho biết: “Quá trình nghiên cứu tổ chức phục dựng khá công phu, vì nhiều phong tục, nhiều nghi lễ đã mai một. Vì vậy phải tìm hiểu rất kỹ, thậm chí là sau khi sưu tầm lại thì phải giải mã từng nghi thức, xem ý nghĩa của nghi thức đó là gì. Từ đó mới có thể xây dựng hồ sơ tài liệu và viết kịch bản phục dựng bảo tồn. Ở đây chúng tôi hướng đến mục tiêu “bảo tồn sống”, tức là phục dựng và bảo tồn phải để các giá trị di sản sống được, trở thành những nghi lễ diễn ra thường niên trong cộng đồng. Đấy mới là mục tiêu cốt lõi mà địa phương Lào Cai hướng đến trong việc phục dựng và bảo tồn di sản văn hóa”.
Ông Lù Văn Sín, thôn Khe Luộc, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai, chia sẻ: “Đã rất lâu rồi tôi mới được thấy nghi lễ cơm mới truyền thống của người Xá Phó mình được đầy đủ và hoành tráng như thế này. Đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ phục dựng, bảo tồn và cả người dân Xá Phó ở xã Thống Nhất đã làm rất tốt, đặc biệt là phần nghi lễ, họ đã khai thác và phục dựng những chi tiết độc đáo nhất, ý nghĩa nhất đối với đời sống tinh thần và tín ngưỡng của người Xá Phó. Tôi thấy rất hài lòng và tự hào vì văn hóa truyền thống của dân tộc Xá Phó mình được quan tâm đầu tư như vậy”.
Ngoài việc phục dựng và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, thì cộng đồng người Xá Phó ở xã Thống Nhất còn được quan tâm đầu tư xây dựng công trình nhà văn hoá. Cùng với đó là được trang bị đầy đủ các trang thiết bị để phục vụ đời sống tinh thần của người dân.
Đây chính là những lợi ích đem lại từ quá trình thực hiện Đề án 6 của Chính phủ, khiến người dân tộc Xá Phó nói riêng, và cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Lào Cai đều rất vui mừng. Những thành quả đem lại đã giúp nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, góp phần nâng cao niềm tự hào về những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các tộc người.