Lao động nhí bị vắt kiệt mồ hôi trở thành điểm tựa của phụ nữ nghèo

27/05/2019 - 13:38
Từng là một lao động trẻ em bị bóc lột sức lao động một cách thậm tệ, Nasreen Sheikh đã nỗ lực học tập để thoát khỏi môi trường đó. Trong cuộc hành trình của mình, cô đã dạy khoảng 100 phụ nữ ở địa phương những kỹ năng may thêu và tạo công ăn việc làm cho họ trong hợp tác xã sản xuất hàng thủ công của mình.
Tuổi thơ cực nhọc
 
Như bao cô gái khác ở các vùng nông thôn heo hút của Nepal, Nasreen Sheikh chẳng biết mình bao nhiêu tuổi. Khi một cô con gái chào đời đó không phải là niềm vui hay sự kiện có ý nghĩa mà là tiếng thở dài ngao ngán của gia đình. Vì thế việc đi đăng ký khai sinh cho con gái cũng thường rơi vào quên lãng. Nasreen cũng không được gia đình cho ăn học đàng hoàng, khoảng 12 tuổi cô đã được gửi đi làm trong một xưởng may gia công “vắt kiệt mồ hôi” của nhân công. Hằng ngày, cô phải làm việc từ 12-14 giờ trong điều kiện rất khắc nghiệt. Môi trường làm việc đầy bụi vải, ngay cả thức ăn cũng có chỉ may rơi vào, nhà vệ sinh dơ bẩn, thiếu nước sạch, không có chỗ để nghỉ ngơi, phải thường xuyên tăng ca để đạt chỉ tiêu nếu không sẽ bị cắt lương...
 
nasreen-sheikh-1.jpg
Nasreen Sheikh

  

Nhiều lúc để hoàn thành công việc, Nasreen phải thức từ lúc 4h sáng làm việc đến 12 giờ đêm. Để không ngủ gục cô phải thường xuyên tạt nước vào mặt hoặc dùng headphone nghe những loại nhạc cực lớn. Làm việc nhiều giờ liên tục, nhưng tối đến Nasreen không có một chiếc giường đàng hoàng để nghỉ ngơi. Cô phải lót quần áo mình đang may dang dở dưới sàn nhà làm chỗ ngủ. Quay cuồng trong vòng xoay bất tận của công việc là như thế nhưng mỗi ngày cô chỉ nhận được khoảng 2 USD. Cho đến tận bây giờ khi nhớ lại những ký ức ấy, Nasreen vẫn chưa thể cầm được những giọt nước mắt tuôn rơi.
 
Dạy nghề giúp chị em tự chủ tài chính để có tự do thật sự
 
Sau 18 tháng làm việc tại Kathmandu, thủ đô của Nepal, Nasreen định quay về quê nhà. Cô biết rằng tại thời điểm đó, gia đình cô đã sắp sẵn cho cô cuộc hôn nhân với người đàn ông mà cô không hề quen biết. Cô không muốn cả đời phải sống trong nỗi u hoài lặng câm như mẹ và chị của mình sau khi lấy chồng. Song cô vẫn chưa biết làm gì khác hơn. Một buổi sáng nọ, Nasreen đứng nhìn những người bạn cùng trang lứa cắp sách đến trường, cô chạnh lòng thương mình. Khi thấy ông Leslie John, một người Mỹ sống ở Nepal đứng gần đó, Nasreen đã đề nghị ông ta giúp mình được đi học. May mắn cho Nasreen, John đồng ý giúp cô. Chính vì thế, cô không cần phải về quê nữa mà ở lại Kathmandu để học hành. 
 
nasreen-sheikh-3.jpg
Nasreen đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm cho phụ nữ ở địa phương

 

Thời gian đó, cô sử dụng một số kỹ năng của mình có để làm ra các sản phẩm thủ công, gửi các cửa hàng lân cận bán giúp. Sản phẩm của cô rất đắt hàng. Vì vậy, cô có thể làm công việc đó để trang trải những chi phí sinh hoạt. Một lần nọ, khi ra ngoài mua rau củ, cô tình cờ gặp một phụ nữ mang thai mang vẻ mặt tiều tụy. Sau khi trò chuyện với cô dăm ba câu, người phụ nữ này đề nghị Nasreen dạy cho bà ấy cách thêu và may vá. Nasreen vui vẻ đồng ý. Cô không chỉ dạy riêng người phụ nữ này mà tất cả những ai ở địa phương ấy muốn học, cô đều sẵn lòng chia sẻ. Cô làm công việc này từ năm 2008.
 
3 năm sau đó, cô mở một cửa hàng riêng tạo công ăn việc làm cho học viên. Đến nay thì cô đã giúp đào tạo nghề cho khoảng 100 phụ nữ ở địa phương. Cô sẵn sàng cho họ vay vốn nếu họ muốn mở cửa hàng riêng. Nasreen nói: “Hợp tác xã này là nơi tôi kết nối phụ nữ lại với nhau, qua công việc họ sẽ nhận ra giá trị và năng lực của mình, biến những thứ ấy thành sức mạnh và sự tự do”.
 
nasreen-sheikh-5.jpg
Cửa hàng bán đồ thủ công được làm từ các học viên của Nasreen Sheikh

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm