pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lao động nữ dệt may chịu tác động nặng trong đại dịch
Lao động nữ ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trước mắt và tương lai - Ảnh: TTXVN
"Gánh nặng kép" trên vai lao động nữ
Ngành dệt may, da giày Việt Nam là các ngành kinh tế mũi nhọn đối với sự tăng trưởng và phát triển của đất nước. Các ngành này hiện có khoảng 5 triệu lao động, trong đó tới hơn 70% là lao động nữ. Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội của đất nước và đặc biệt lực lượng lao động nữ đã chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố năm 2021, đại dịch Covid-19 không chỉ làm trầm trọng hơn những bất bình đẳng giới vốn có, chẳng hạn như gánh nặng kép lên phụ nữ do vừa phải đi làm với số giờ gần tương đương nam giới, vừa phải dành hơn gấp đôi thời gian để làm việc nhà so với đàn ông mà còn tạo thêm những bất bình đẳng giới mới, trong đó bao gồm tỷ lệ thất nghiệp.
Một nghiên cứu năm 2021 cũng cho thấy, đại dịch làm giảm 9% tổng số giờ làm việc của các ngành gia công, sản xuất, ảnh hưởng khoảng 5,1 triệu phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này. Lao động nữ ngành dệt may chịu tác động nặng nhất khi tổng số giờ làm việc giảm 14% so với trước dịch, nhiều người bị chuyển việc, tạm hoãn hợp đồng. Trong khi đó với các ngành tập trung nhiều nam giới như xây dựng, giao thông và hậu cần kho bãi, hành chính công, quốc phòng, tổng số giờ làm chỉ giảm nhẹ, thậm chí còn tăng lên.
Theo Tổng cục Thống kê, sự phục hồi của nền kinh tế trong quý 1 năm 2022 đã làm giảm số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2022 của nữ là 62,1%, vẫn thấp hơn 12,4 điểm phần trăm so với nam (74,5%). Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,3 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng).
Mới đây, tại hội thảo về thúc đẩy bình đẳng giới và phục hồi kinh tế sau đại dịch, bà Đỗ Hồng Vân, Quyền trưởng ban nữ công, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết công nhân ngành dệt may, da giày tuổi đời dao động 25-40. Đây là độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ. Phụ nữ tuổi này có sức bền, sức trẻ, là ưu thế nhưng cũng là thách thức, khi trình độ lao động phổ thông và dưới phổ thông chiếm trên 80%, chủ yếu qua đào tạo sơ cấp, ngắn hạn dưới 3 tháng. Cơ hội thăng tiến, thu nhập của họ không bằng nam giới. Đặc biệt, ngành dệt may, da giày thường làm ca kíp, nhu cầu tăng ca sau dịch bệnh lớn nên ảnh hưởng đến việc chăm sóc con nhỏ, nghỉ ngơi của lao động nữ.
TS Khuất Thu Hồng, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, cho rằng, phần lớn lao động nữ trong các ngành gia công, may mặc từ làng quê mà đi, hết tuổi lao động lại trở về với đất đai, ruộng đồng. Nhưng phụ nữ sở hữu đất nông nghiệp thấp hơn 14% so với nam giới cũng sẽ là vấn đề nan giải trong tương lai.
Thúc đẩy để nữ công nhân thành chuyền trưởng
Với mục đích nhằm trao quyền cho phụ nữ để có thể giúp ngành dệt may, da giầy Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch Covid-19, trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch, chương trình Better Work Việt Nam (chương trình Việc làm tốt hơn) đã làm việc chặt chẽ với các nhà máy tham gia chương trình để giảm thiểu những yếu tố phân biệt đối xử về giới, xây dựng hướng dẫn nhấn mạnh tới các khía cạnh giới để hỗ trợ các nhà máy giải quyết ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng và an toàn vệ sinh lao động; khởi động dự án GEAR (Bình đẳng giới và Giá trị mang lại) để giúp các nhà máy cải thiện năng suất các dây chuyền sản xuất bằng cách trang bị cho nữ công nhân các kỹ năng cần thiết để trở thành chuyền trưởng.
Better Work Việt Nam hiện đang hỗ trợ hơn 400 nhà máy dệt may và da giày trên cả nước tham gia chương trình với khoảng 700.000 lao động, giúp cải thiện điều kiện làm việc và thúc đẩy năng lực cạnh tranh thông qua các dịch vụ đánh giá, tư vấn và đào tạo.
Trong giai đoạn 2020-2021, 80% các nhà máy tham gia dự án GEAR đã ghi nhận tỷ lệ hiệu quả tăng lên ở các dây chuyền do học viên GEAR giám sát. "Khi lao động nữ có tiếng nói trong quá trình đối thoại tại nơi làm việc, tỷ lệ tuân thủ pháp luật cao hơn và điều kiện làm việc trở nên tốt hơn. Khi không còn quấy rối và lạm dụng trong môi trường làm việc, người lao động được hưởng mức độ an sinh cao hơn, còn nhà máy được tăng lợi nhuận", ông Dan Rees, Giám đốc chương trình Better Work toàn cầu, cho biết.
Cần có những chính sách với lao động nữ
Các chuyên gia cho rằng, việc trao quyền cho phụ nữ là điều cần thiết để giúp ngành dệt may, da giày Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch Covid-19. Theo bà Đỗ Hồng Vân, Quyền trưởng ban nữ công, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cần đẩy mạnh thỏa ước lao động tập thể; tạo môi trường làm việc an toàn để giảm thiểu quấy rối tình dục với lao động nữ; xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp gắn với nhà ở, nhà trẻ, nơi khám chữa bệnh, giải trí cho công nhân và gia đình.
Bà Trần Thị Hồng Liên, Phó giám đốc văn phòng VCCI cho rằng, cần tuân thủ quy định của pháp luật về lao động, đặc biệt với lao động nữ nghỉ ốm đau, thai sản, chăm con nhỏ... để họ yên tâm làm việc. Chính sách pháp luật thời gian tới cần có thêm cơ chế hỗ trợ tài chính cho công nhân lao động để họ có thể vượt qua những cú sốc như đại dịch.
"Các điều khoản trong Bộ Luật Lao động hiện nay của Việt Nam về việc người sử dụng lao động phải có trách nhiệm hỗ trợ xây dựng nhà trẻ hoặc một phần chi phí gửi trẻ cho người lao động, thực hiện các biện pháp phòng chống quấy rối tình dục, và trả công bình đẳng cho các công việc có giá trị tương đương, chính là những chiến lược quan trọng để ngành dệt may, da giày phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn, có sức chống chịu tốt hơn".
Bà Robyn Mudie, Đại sứ Úc tại Việt Nam