Lao động trẻ em đổ về Sài thành dịp hè: Nguy cơ bị xâm hại, bỏ học

10/06/2019 - 14:09
“Con vào đây để đi bán vé số cùng với mẹ. Mỗi ngày con phải bán hết 50 tờ vé số và lời được 60 ngàn đồng. Mẹ con bảo số tiền con bán được trong 3 tháng hè này mẹ sẽ để dành cho con mua quần áo, sách vở cho năm học mới. Cô mua giúp con 1 tờ vé số nha cô”, em L.T (quê Thanh Hóa) chia sẻ.

“Cô mua giúp con tờ vé số nha!”

Vừa được nhà trường cho nghỉ hè là em L.T đã theo ba mẹ vào TPHCM đi bán vé số kiếm tiền trang trải cho việc học năm tới. T. sống cùng ông bà và em mới vừa học xong lớp 4. Theo lời kể của bé T. thì ba mẹ em chuyển vào sống ở TPHCM được mấy năm rồi. Mẹ làm nghề bán vé số, ba chạy Grab. Sau T. còn có 2 người em nhỏ đang sống cùng ba mẹ trong một phòng trọ chật chội tại quận Tân Phú, TPHCM. “Con vào đây để đi bán vé số cùng với mẹ. Mỗi ngày con phải bán hết 50 tờ vé số và lời được 60 ngàn đồng. Mẹ con bảo số tiền con bán được trong 3 tháng hè này mẹ sẽ để dành cho con mua quần áo, sách vở cho năm học mới. Cô mua giúp con 1 tờ vé số nha cô”, em T. thật thà kể.

 

a1mau.jpg
Em L.T (quê Thanh Hóa) đi bán vé số cùng mẹ

 

Tại một cơ sở may gia công trên đường Phạm Quý Thích (quận Tân Phú, TPHCM), chúng tôi bắt gặp 2 em nhỏ độ tuổi 14 -15 đang ngồi may thoăn thoắt và điều khiển máy may thuần thục ráp các miếng vải đã cắt sẵn. Chúng tôi chỉ biết ông chủ sẽ trả công cho “công nhân nhí” này sau khi các em xin nghỉ làm tại cơ sở, vì sợ trả theo tháng các em nhận lương ra ngoài tiêu hết và không có tiền về quê.

 

Theo khảo sát của chúng tôi, tại khu vực quận Tân Phú (TPHCM) có rất nhiều các cơ sở may đồ gia công, các cửa hàng bán vải chuyên sỉ và lẻ. Đây được xem là địa bàn thu hút lao động trẻ em. Công việc các em được làm chủ yếu là ráp quần, áo; ủi (là) và xếp quần áo vào bao bì; bốc vác những cây vải nhỏ... Tùy vào mức độ công việc nặng nhẹ mà các em được trả lương cao hay thấp. Tuy nhiên, ở mặt bằng chung số tiền các em nhận lại khá thấp vì bị chủ trừ vào tiền ăn, tiền cho ở lại xưởng...

 

a2.jpg
Các em nhỏ làm việc tại một cơ sở may gia công

 

Nguy cơ bị lạm dụng tình dục 

Em Lê Thị Hạnh (14 tuổi, quê ở Đắk Lắk) cho biết: Hiện em đang làm công việc bấm chỉ và xếp quần áo cho một cơ sở may trên đường Kênh Nước Đen (quận Tân Phú, TPHCM). Hạnh đã nghỉ học từ năm lớp 7 và vào TPHCM để đi làm. Được chủ cơ sở bao tiền ăn, ở mỗi tháng Hạnh nhận được 3 - 3,5 triệu đồng. Thời gian đầu vào làm việc chưa quen thì em chỉ nhận được 2,2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Khi được hỏi về mong muốn quay trở lại con đường học tập, em cho biết đến giờ thì không còn muốn trở lại trường nữa vì đi làm cho khoản thu nhập so với ở quê là rất lớn.

 

a3.jpg
Một em nhỏ phụ bán quán cơm trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân, TPHCM)

 

Tại quận Bình Tân, TPHCM, chúng tôi thấy nhiều em tranh thủ làm thêm tại các quán ăn, quán nhậu bình dân ven đường. Các công việc chủ yếu là chạy bàn và phụ bếp. Mức lương các em được trả theo giờ, trung bình từ 18 đến 20 ngàn đồng/giờ.

 

Có thể thấy, trong quá trình làm việc, lao động trẻ em phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe và an toàn lao động như: Bị côn trùng cắn, mệt mỏi, sai khớp, bị gãy hoặc đứt một bộ phận cơ thể, trả lương thấp. Thậm chí một số trường hợp bị quỵt tiền hay rời xa con đường học tập. Đặc biệt, đối với các trẻ em gái, lạm dụng tình dục càng dễ có nguy cơ xảy ra...

 

Nhìn lại những đứa trẻ đã gặp, chúng tôi lo lắng: Liệu rằng em L.T có giữ được mục đích chỉ tranh thủ kiếm tiền những tháng hè để phục vụ cho năm học mới? Hay rồi đây em lại giống như Hạnh, bỏ học giữa chừng?

Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trên thế giới hiện có khoảng 152 triệu trẻ em độ tuổi từ 5 - 17 tuổi là lao động trẻ em, tập trung chủ yếu trong ngành nông nghiệp (chiếm 70,9%). Tại Việt Nam, kết quả Điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn tỷ lệ trung bình của toàn thế giới và rất gần với tỷ lệ của khu vực. lao động trẻ em tồn tại đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức, với khoảng 1,7 triệu trẻ em, trong số đó có đến 34% các em làm việc kéo dài trên 42 giờ/tuần.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Nước ta cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu được đi làm việc. Tại Chương 11 của Bộ luật Lao động 2012 quy định có những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên. Theo đó, lao động chưa thành niên (đủ 15 đến dưới 18 tuổi) làm không quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần; được làm thêm giờ vào ban đêm trong một số nghề và công việc. Lao động dưới 15 tuổi không quá 4 giờ/ngày và 20 giờ/tuần; không được làm thêm giờ, làm việc ban đêm. Cấm trẻ em làm mọi công việc nặng nhọc, độc hại.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm