Lễ tuyên thệ nhậm chức sẽ có thay đổi

19/07/2016 - 17:27
Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV kéo dài từ 20 đến 29/7, tập trung xem xét công tác nhân sự Nhà nước. Trong đó, Lễ tuyên thệ nhậm chức của các chức danh sẽ có một số thay đổi nhằm đảm bảo sự trang nghiêm.
nguyen_thi_kim_ngan_tuyen_the_qh_15_1.jpg
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức tại kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIII

Chiều 19/7, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV. Theo chương trình, kỳ họp này kéo dài từ 20/7 đến 29/7. Quốc hội dành khoảng 6 ngày để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước. Cụ thể như sau:

Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội; Tổng kiểm toán Nhà nước.

Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; Phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Phê chuẩn danh sách các Phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Đồng thời, Quốc hội sẽ dành khoảng 2 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo quy định của Hiến pháp mới năm 2013, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ làm Lễ tuyên thệ trước Quốc hội 

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, cho biết, Lễ tuyên thệ nhậm chức tiến hành với các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Hình thức tuyên thệ cơ bản giống như đã thực hiện tại kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên, có một vài điểm mới, theo ông Phúc, để đảm bảo tính trang trọng, trong lúc diễn ra lễ tuyên thệ sẽ mời Đoàn Chủ tịch của Quốc hội xuống bục và tất cả đại biểu Quốc hội đứng lên giống như làm lễ chào cờ. Đồng thời nhắc nhở đại biểu không quay phim, chụp ảnh; không đứng ngồi ngả nghiêng làm giảm tính trang nghiêm trong Lễ tuyên thệ.

tang-hoa-tai-le-tuyen-the.jpg
 Sẽ không có phần tặng hoa sau Lễ tuyên thệ như tại quốc hội khóa XIII

Cạnh đó, sẽ không tiến hành tặng hoa sau khi tuyên thệ. Đặc biệt, trong câu tuyên thệ của các lãnh đạo có chút sửa đổi. Cụ thể, bắt đầu câu tuyên thệ là “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc…” sẽ được sửa thành “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc...”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, để hoàn thiện Lễ tuyên thệ, Quốc hội có tiếp thu các nghiên cứu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng thời tham khảo qua 68 văn bản trả lời về nghi lễ tuyên thệ của 68 nước nước. Ông Phúc cho biết: Nghi lễ ở mỗi nước đều rất khác nhau, tùy thuộc vào thể chế và văn hóa mỗi nước, tinh thần chung, nghi lễ gắn gọn, trang trọng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm