Ngày 9/6, tại TPHCM, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “”.
Cha mẹ hãy là bạn của con
Mở đầu buổi tọa đàm, thông qua các hoạt cảnh với những hướng dẫn trực quan, sinh động, ban tổ chức đã đặt ra nhiều tình huống khác nhau về trình trạng trẻ bị quấy rối, xâm hại tình dục. Từ đó, các chuyên gia cùng phân tích để tư vấn cho người tham dự. Không khí buổi tọa đàm càng trở nên “nóng” hơn với những ý kiến quan tâm của nhiều đại biểu về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em hiện nay.
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai cho biết, xâm hại trẻ em là vấn đề chung của xã hội chứ không phải của một cá nhân nào. Mọi người cần chung tay ngăn chặn, "phòng bệnh hơn chữa bệnh".
Theo bà Mai, hiện nay có thực tế nhiều bậc phụ huynh còn ngại nói về vấn đề giới tính cho con. Cha mẹ chăm con ăn học, lo đủ mọi thứ rất tốt cho con nhưng riêng vấn đề giới tính thì chưa nói hoặc ngại nói đến. “Cha mẹ phải dạy cho các con, cả bé trai và bé gái biết được vùng nào là “vùng cấm”. Phải hướng dẫn con, trò chuyện với con, để con biết mà phòng tránh, đây là điều đầu tiên để hành trình của con luôn an toàn. Chứ không để việc con bị xâm hại rồi thì mới tìm các giải pháp để giảm sốc", bà Mai nói.
Cũng theo chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, đừng để cho con cái sợ cha mẹ mà cha mẹ phải thực sự là chỗ dựa, là người bạn để con chia sẻ mọi chuyện. Bố mẹ phải nâng đỡ, giải thích cho con cái có niềm tin, chia sẻ những điều trong cuộc sống. Nói chuyện với con về giới tính, theo lứa tuổi phù hợp như chuyện cơm ăn, nước uống hằng ngày.
Đồng quan điểm với tiến sĩ Mai, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban gia đình xã hội - TƯ Hội LHPN Việt Nam, cho biết, càng ngày nhận thức của cha mẹ, người dân và các cơ quan quản lý đối với an toàn của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em càng được nâng cao.
Bà Tuyết Mai cho rằng, cha mẹ không thể nào ở bên cạnh con 24/24 giờ, càng không thể bên cạnh con suốt cuộc đời. Vì thế, cha mẹ cần dạy cho con các kiến thức, kỹ năng xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm xảy đến với bản thân.
Là cha của 2 cô con gái, MC-Diễn viên Quyền Linh, Đại sứ Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em, cho biết, bản thân anh rất thân với 2 con, được các con xem như người bạn và chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Theo nam MC, con gái anh gần 11 tuổi đã dậy thì. Trong quá trình đó, có thắc mắc gì về giới tính, cháu đều hỏi cha mẹ. Nếu không có mẹ ở nhà thì cháu sẵn sàng hỏi cha và lập tức được giải đáp, chia sẻ.
Theo chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, nếu không may các cháu bị xâm hại tình dục thì trước hết cha mẹ phải thật sự bình tĩnh, không nên tăng khủng hoảng cho con. Sau khi tố cáo vụ việc đến cơ quan chức năng để giải quyết thì cần tìm chuyên gia tâm lý nhi để họ trò chuyện, ổn định tâm lý cho trẻ.
“Xin quý vị phụ huynh, các luật sư, cơ quan chức năng trong cuộc hỏi đầu tiên thì nên ghi âm lại và chỉ nên làm một lần duy nhất. Hãy yêu thương các cháu, đừng để các cháu mỗi lần đến hỏi lại khai tự đầu, khủng hoảng càng khủng hoảng thêm, dẫn đến sang chấn tâm lý đến suốt cuộc đời”, bà Mai cho hay.
Thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên, Tòa gia đình và người chưa thành niên TAND TP.HCM cho biết, khi trẻ không may bị xâm hại thì gia đình, người lớn cần tố giác với cơ quan chức năng gần nhất, sẽ có các biện pháp thủ tục tố tụng tiếp theo để bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ.
Theo thẩm phán Duyên, xâm hại tình dục trẻ em là tội ác. Việc giải quyết các vụ việc đều phải tuân thủ trình tự thủ tục tố tụng. Với người bị hại là trẻ em thì có trình tự thủ tục đặc biệt. Khi con không may bị xâm hại thì cha mẹ hãy mạnh dạn tố cáo.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, trong nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã làm rất nhiều việc để bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, việc làm này cần sự chung tay của toàn xã hội.
Theo bà Tuyết Mai, với bất kỳ vụ việc xâm hại nào, Hội LHPN Việt Nam cũng sẽ vào cuộc hỗ trợ nạn nhân, gia đình và cùng các cơ quan chức năng làm sáng tỏ vụ việc, đưa kẻ thủ ác ra ánh sáng. Đặc biệt, ở những nơi vùng sâu vùng xa, khi phụ nữ và trẻ em phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn thì Hội tập trung hỗ trợ cho chị em phụ nữ nâng cao kiến thức. Bên cạnh đó, Hội LHPN cũng biên soạn tài liệu, có các chuyên gia đầu ngành để hỗ trợ tư vấn các vụ việc cụ thể.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc chăm lo, bảo vệ lợi ích cũng như tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên, dù đã nỗ lực cao thì hiện nay vẫn còn nhiều phụ nữ, trẻ em phải chịu những tác động tiêu cực của tình trạng phân biệt đối xử, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, mất an toàn vệ sinh thực phẩm…
Theo Phó Chủ tịch Trần Thị Hương, là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời với tư cách của những người bà, người mẹ, người vợ, người chị, Hội LHPN Việt Nam luôn trăn trở và mong muốn phải làm nhiều hơn nữa cho sự bình an của mỗi người dân, của phụ nữ và trẻ em bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
“Chúng tôi hy vọng các hoạt động do Hội tổ chức sẽ đóng góp một phần cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các bậc làm cha mẹ, cộng đồng và từ kiến thức, kỹ năng xây dựng nhận thức tiến tới hành động và cao hơn cả, là ý thức, trách nhiệm. Hy vọng sự an toàn cho bản thân và cho mọi người phải trở thành nhu cầu tự thân, thành thói quen, nếp sống, văn hóa của mỗi người và toàn xã hội”, Phó Chủ tịch Trần Thị Hương nhấn mạnh.