Chị Hòa cho biết, trước kia, gia đình ở ngay trong căn nhà gỗ trên sông, trong xóm chài đối diện với bến Ninh Kiều. Cha mẹ rồi đến chị đều làm nghề chài cá... Cách đây vài năm, gia đình chị tích cóp mua được căn nhà trên mặt đất gần đó thuộc Khu vực 1 phường Hưng Phú, quận Cái Răng. Từ đó đến nay, họ thôi nghề cá và chuyên chạy ghe nhỏ chở khách đi chợ nổi.
Hàng ngày, cứ trung bình khoảng 4 giờ sáng là vợ chồng chị thức giấc và có mặt tại bến Ninh Kiều.
Vợ chồng chị Hòa sinh được 2 người con. Con trai lớn năm nay 16 tuổi. Con nhỏ thì không được khỏe lắm nên đã 2-3 năm nay vẫn đang học lớp 1. Trước đó, vợ chồng chị cũng muốn cho con lớn học hành tử tế để mong con có thể có cuộc sống khác đi. Nhưng rồi vào đến cấp 3, cháu học không được nên sau đó đành phải cho nghỉ học rồi tiếp tục theo chân cha mẹ làm nghề chạy ghe thuê.
Hiện tại, gia đình chị Hòa đã đầu tư được 5 chiếc ghe nhỏ. Do mua lại nên mỗi chiếc chỉ khoảng 20 triệu đồng. Mỗi ghe nhà anh chị chở được khoảng 10 khách. Thông thường, người chạy ghe đầu tiên trong nhà là chồng, sau đó nếu có thêm khách thì sẽ huy động vợ, con trai lớn, rồi đến ông già chồng và cả bà già vợ chạy ghe…
Trên ghe của anh chị sắm sửa đầy đủ áo phao. Có chậu cây để kiểng để làm đẹp. Có nơi thờ Phật để cầu may mắn, bình an...
Anh Phong cho biết, mỗi chuyến ghe của anh chị đi 1 chặng từ Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng đến thăm quan lò hủ tiếu (khoảng 5km và đi chừng 30 phút) thì họ kiếm được 300 ngàn/ghe.
Ngày nào khách đi quãng ngắn thì may ra 1 ghe chạy được 2 chuyến. Tuy nhiên, cũng tùy ngày lễ, ngày cuối tuần bù ngày mưa, ngày vắng khách, ngày đau ốm…, thì trừ các khoản phí, chi phí đầu tư, xăng… hiện tại trung bình mỗi ngày vợ chồng anh chị chỉ có thể để dư ra được chừng 100 đến 200 ngàn.
Sau khi hết buổi chợ, anh chị trở về nhà, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, làm đồ ăn trưa… Đến chiều, chồng sẽ lại tiếp tục đi làm mướn phụ hồ; còn chị Hòa lại ra bến Ninh Kiều tìm kiếm khách hàng cho buổi chợ nổi sáng mai. Nếu khách đồng ý, chị Hòa sẽ nhận luôn tiền đặt cọc 10% (khoảng 30 – 50 ngàn/ghe) và hẹn thời gian, địa điểm. Chị thường túc trực ở bến đó cho đến tận khi vãn khách mới trở về, khi ấy, thường đã là 10 giờ đêm. Sau đó, chị sẽ ngủ được một giấc rất ngắn, rồi sớm mai lại nhanh thức giấc vội vã nổ ghe để bắt đầu một ngày lênh đênh cùng sông nước…