pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lịch nghỉ 30/4 chốt sát, nhiều gia đình "trở tay không kịp"
Ảnh minh họa: Báo Tin tức
Vé máy bay khan hiếm và đắt đỏ
Mới vài ngày trước, nhiều người vẫn tưởng dịp lễ 30/4 và 1/5 chỉ được nghỉ 2 ngày song phương án hoán đổi ngày làm việc để có kỳ nghỉ dài đã được đưa ra. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý với đề xuất hoán đổi ngày làm việc để nghỉ 5 ngày của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Như vậy, dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2024 công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày liên tục từ ngày 27/4 (thứ bảy) đến hết ngày 1/5 (thứ tư) và làm bù vào ngày thứ bảy (4/5).
Mặc dù được nghỉ dài hơn, nhưng nhiều người lại không mấy vui mừng, lý do chủ yếu là vì lịch được chốt quá sát- 2 tuần trước kỳ nghỉ- khiến người dân "trở tay không kịp", nhất là việc đặt vé, đặt phòng du lịch.
Chị Trần Kim Anh (37 tuổi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, vì được nghỉ dài hơn nên gia đình chị có dự định đi Nha Trang hoặc Phú Quốc. Tuy nhiên, ngay sau khi khảo sát giá vé máy bay, vợ chồng chị nhanh chóng quyết định sẽ tự lái xe đi Hạ Long (Quảng Ninh) để tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại.
"Đặt trước 2 tuần nghỉ lễ nên vé máy bay rất cao, vé đi Nha Trang, Phú Quốc đa số đều từ 2 đến 4 triệu đồng/vé 1 chiều, nhà 4 người tính ra cũng hết hơn 20 triệu đồng tiền vé khứ hồi, chưa kể chi phí ăn ở. Nếu lịch nghỉ báo sớm hơn thì có lẽ đặt được giá vé, giá phòng thấp hơn!", chị Kim Anh chia sẻ.
Thực tế, ghi nhận tại các website bán vé, giá vé máy bay từ Hà Nội và TPHCM đến các điểm du lịch xa như miền trung hoặc miền nam: Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt,… đều có mức giá khá cao từ 2 - 4 triệu đồng/vé.
Trong khi đó, lượng vé và khung giờ đẹp không còn nhiều, chỉ còn những chuyến bay sáng sớm, bay đêm, bay cuối chiều hoặc bay nối với mức giá cao.
Giá vé máy bay năm nay vốn đã cao hơn hẳn so với năm ngoái, nhiều người còn cho rằng, giá vé đợt nghỉ này đắt ngang với dịp lễ Tết Nguyên Đán vừa qua.
Cũng vì chi phí đi chơi dịp nghỉ lễ thường cao hơn so với những ngày thường, chị Nguyễn Thu Minh (33 tuổi, Q. Đống Đa, Hà Nội) thở dài tiếc nuối: "Nếu biết trước được nghỉ dài ngày, tôi cùng gia đình mấy người bạn đã lên kế hoạch sớm để đi chơi xa. Bởi đi chơi dịp lễ, ở đâu cũng sẽ đắt đỏ hơn nên thường phải săn vé, đặt phòng sớm trước vài tháng để tiết kiệm chi phí".
Kinh tế khó khăn, tiết kiệm chi phí du lịch
Với tình hình kinh tế khó khăn, vừa trải qua kỷ nghỉ Tết khá dài trước đó, chị Phan Thúy Diễm (31 tuổi, Q. Bình Thạnh, TPHCM) lựa chọn về quê thăm gia đình, chị cho biết: "Năm nay sức khỏe bố mẹ tôi cũng yếu hơn, kinh tế thì khó khăn, Tết giờ phải chi nhiều khoản mà không có nhiều khoản thu nên tôi quyết định về quê thăm ba má, vừa tiết kiệm chi phí, vừa nghỉ ngơi, rời xa khỏi sự tấp nập của thành phố".
Bên cạnh đó, nhiều gia đình quyết định dành thời gian ở nhà, tranh thủ kiếm thêm dịp nghỉ lễ, điển hình với gia đình chị Lại Minh Hạnh (50 tuổi, Q. Thanh Xuân, Hà Nội): "Nghỉ dài ngày nhưng gấp quá, chi phí đi chơi quá đắt đỏ nên gia đình tôi quyết định ở nhà, tiếp tục bán hàng ăn, tranh thủ kiếm thêm mấy ngày nghỉ. Tôi hy vọng, từ năm sau, việc hoán đổi để có kỳ nghỉ lễ dài ngày sẽ được tính toán và công bố ngay từ đầu năm, tiện cho các gia đình lên kế hoạch".
Còn đối với anh Lê Hoàng Anh (36 tuổi, Q. Hoàng Mai, Hà Nội), kỳ nghỉ lễ 5 ngày là dịp để dành thời gian đưa gia đình đi chơi: "Dịp nghỉ dài trong năm không nhiều nên dù chi phí đắt đỏ, vợ chồng tôi vẫn quyết đi Đà Nẵng. Vợ chồng tôì đặt combo gồm cả vé máy bay và phòng khách sạn nên cũng tiết kiệm chi phí hơn so với tự đặt!".