pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lịch sử trở thành môn học bắt buộc: Học sinh nói 1 câu mà ai cũng đồng tình
Bộ GD&ĐT vừa công bố Kế hoạch thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, theo đó, điều chỉnh dạy 52 tiết/năm học bắt buộc với một số nội dung môn Lịch sử bậc THPT.
Bộ sẽ xây dựng một số nội dung ở môn Lịch sử bậc THPT trở thành bắt buộc dạy và học áp dụng từ năm học 2022-2023.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ GD&ĐT đề nghị các đơn vị chuyên môn thành lập Ban biên soạn, tổ biên tập và tổ chức thẩm định phần nội dung Lịch sử bắt buộc. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/8.
Trước đó, chương trình học mới được ban hành, từ năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông mới với lớp 10, môn Lịch sử trở thành một trong những môn học tự chọn. Kế hoạch trên đã vấp phải ý kiến trái chiều của đông đảo phụ huynh, giáo viên và cả học sinh.
Môn Lịch sử càng trở nên quan trọng trong thời đại xuất hiện nhiều… fake news
Trước quyết định môn Lịch sử sẽ là môn học bắt buộc áp dụng từ năm 2022-2023, anh Ứng Văn Xuân – phụ huynh có học sinh học lớp 12 tại một trường THPT ở Hà Nội chia sẻ: "Tôi rất phấn khởi, vui mừng vì Lịch sử đã trở về vị thế vốn có trước đây. Không bao giờ được bỏ Lịch sử, coi Lịch sử là môn học lựa chọn. Vì môn học này đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ.
Việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh THPT là điều cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Từ đó, thế hệ trẻ sẽ có nhận thức, trách nhiệm đúng đắn trước vận mệnh đất nước. Hơn thế, học sinh còn có cái nhìn bao quát, toàn diện, có sự so sánh với Lịch sử thế giới. "Dân ta phải biết Sử ta", vì vậy không thể không học Lịch sử".
Đồng quan điểm với phụ huynh trên, em Đặng Minh Song Ngọc – học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Lịch sử luôn phải là môn học bắt buộc đối với học sinh. Học Lịch sử giúp chúng em hiểu rõ cội nguồn dân tộc, quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha. Từ đó hun đúc tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, trong thời đại Internet bùng nổ, fake news (thông tin giả) xuất hiện tràn lan thì chúng ta càng phải tỉnh táo, cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin. Nắm Lịch sử vững chắc mới có nhận thức đúng đắn để loại bỏ tin tức độc hại".
Còn em Trần Khánh Hà – học sinh lớp 11 trường THPT Phạm Hồng Thái lại cho rằng Lịch sử nên là môn học lựa chọn. "Em thấy nhiều bạn không dùng điểm Lịch sử để xét tuyển đại học thì không nhất thiết phải học bộ môn này. Kiến thức Lịch sử lớp 9 cũng khá đầy đủ, không nhất thiết phải học thêm trong 3 năm THPT.
Tuy nhiên, trước ban hành mới của Bộ GD&ĐT về Lịch sử là môn học bắt buộc, em cũng thấy vui vì đây là môn học đặc biệt quan trọng. Kiến thức Lịch sử rất hay, nếu giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy có thể giúp học sinh yêu thích, hứng thú với môn học hơn. Như ở Hà Nội, chúng em có thể được giáo viên dẫn đi tham quan các khu di tích lịch sử, khu nhà tù thực dân xưa,…".
Giáo viên đề xuất thay đổi phương pháp dạy, cách thức kiểm tra để học sinh… yêu Sử
Trước Kế hoạch về việc thực hiện môn Lịch sử là nội dung bắt buộc, cô Phạm Thị Thu Phương – giáo viên Lịch sử trường THPT Tam Nông (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) không giấu nổi niềm hạnh phúc. Cô cho biết bản thân cảm thấy phấn khởi, không còn lo lắng hay băn khoăn Lịch sử bị mất vị thế, biến thành môn học lựa chọn nữa.
Cô Thu Phương chia sẻ: "Từ trước đến nay, Lịch sử luôn là môn học bắt buộc, đóng vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục. Tuy nhiên, do khối lượng kiến thức nhiều cùng cách truyền tải chưa hấp dẫn khiến học sinh không hứng thú với môn học này. Bằng chứng cụ thể là trong các kỳ thi, điểm Lịch sử luôn đứng ở vị trí "đội sổ". Đây cũng là nỗi niềm trăn trở của không chỉ riêng tôi mà còn nhiều giáo viên giảng dạy Lịch sử khác.
Các em đang tiếp nhận kiến thức chưa tốt, cùng với việc Lịch sử có trong các bộ môn Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý liên tục từ lớp 1 đến lớp 5; xuất hiện tích hợp Lịch sử và Địa lý xuyên suốt từ lớp 6 đến lớp 9 khiến các em không thể nắm vững kiến thức một cách riêng biệt, rõ nét. Ngoài ra, học sinh Tiểu học và THCS bị hạn chế, khi lên bậc THPT mới có cái nhìn toàn diện. Vậy mà giai đoạn này lại để Lịch sử là bộ môn lựa chọn thì thử hỏi liệu có mấy em đăng ký? Rồi thế hệ trẻ sẽ nắm truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc như thế nào, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin độc hại".
Cô giáo Thu Phương cũng chia sử thêm, nội dung tất cả các môn học đều bình đẳng như nhau. Môn học nào cũng có vai trò giáo dục lòng yêu nước theo cách riêng. Chẳng hạn như môn Ngữ văn, học sinh được bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn, hun đúc tinh thần yêu nước qua các tác phẩm: Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô, Tuyên ngôn độc lập, thơ của Hồ Chí Minh,… Địa lý giúp học sinh hiểu biết về lãnh thổ, biển đảo. Hóa học, Vật lý, Sinh học,… giúp học sinh có nghiên cứu ứng dụng hữu ích vào cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, Lịch sử mới là môn học giáo dục rõ nét nhất về tinh thần yêu nước, ý chí sắt đá bảo vệ Tổ quốc.
Trên thực tế, học sinh không hẳn chán ghét Lịch sử, chỉ là do áp lực về khối lượng kiến thức cùng việc chưa có phương pháp giảng dạy lôi cuốn. Vì vậy, cách tốt nhất lúc này cần thay đổi phương pháp dạy, cách ra đề và cách kiểm tra, đánh giá chất lượng. "Nếu không có đột phá trong phương pháp, chỉ đổi mới về hình thức mà không thay đổi nội dung thì học sinh sẽ mãi không hứng thú học. Mà không hứng thú thì các em sẽ học theo kiểu đối phó", cô giáo Thu Phương nhấn mạnh.
Để giúp học sinh yêu thích bộ môn bị coi là khô khan này, cô Thu Phương đã sáng tạo nhiều cách hay trong việc giảng dạy. Chẳng hạn cô liên hệ kiến thức Lịch sử địa phương giúp các em nhớ bài lâu, cảm thấy bài học gần gũi, thú vị. Tuy nhiên, phương pháp này tốn nhiều thời gian, khó thực hiện đối với học sinh cuối cấp vì các em phải tập trung ôn luyện các môn thi.
"Khi dạy lớp 10 với kiến thức nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, tôi sẽ liên hệ với Lịch sử địa phương, cụ thể ở đây là Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Tôi để các em tự tìm hiểu dự án. Sau đó đóng vai là nhà nghiên cứu lịch sử, hướng dẫn viên du lịch để thuyết trình cho giáo viên và các bạn nghe. Thời gian chuẩn bị của các em từ 5 ngày đến 1 tuần.
Hay khi học đến những trận đánh lớn trong lịch sử, học sinh sẽ phân vai diễn lại để cảm nhận rõ không khí sục sôi thời chiến. Học tập theo cách này khiến các em hào hứng, phấn chấn. Tuy nhiên không có nhiều thời gian để thường xuyên thực hiện", cô giáo trẻ cho biết.
Trước Kế hoạch Lịch sử là môn bắt buộc năm học 2022-2023, yêu cầu thành lập và tổ chức thẩm định chương trình THPT đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12 trước ngày 15/8, cô Thu Phương không hề cảm thấy hoang mang hay lo lắng. Cô cho rằng, việc điều chỉnh không gặp nhiều khó khăn vì Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức các buổi tập huấn kỹ lưỡng cho các giáo viên.