Liên kết để sản xuất nông sản sạch

03/06/2016 - 08:37
Tổ liên kết ra đời, chị em biết sản xuất nông sản sạch

 

 Ngày 20/4/2014, 2 xã Tân Thanh, Xương Lâm TP Bắc Giang (Bắc Giang) chính thức thành lập "Tổ phụ nữ liên kết sản xuất hàng hóa nông sản". Tổ đã lựa chọn đối tượng tham gia mô hình lập danh sách tổ viên, bầu Ban quản lý tổ: Xã Xương Lâm có 19 thành viên tham gia, trong đó 1 tổ trưởng và 1 tổ phó. Xã Tân Thanh 25 thành viên tham gia, trong đó 1 tổ trưởng và 2 tổ phó.

          Tại xã Xương Lâm thành lập tổ liên kết sản xuất các loại rau, củ, quả sạch, với tổng diện tích 1,5ha; xã Tân Thanh thành lập tổ liên kết sản xuất nấm sạch, với tổng diện tích lán trại: 800m2.

Mô hình liên kết tổ chức 2 lớp tập huấn khởi sự HTX, tổ hợp tác cho 44 thành viên tổ liên kết sản xuất nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp. Hỗ trợ học viên trong việc định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước nâng cao năng lực quản lý, phát triển khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất cho phù hợp với điều kiện thực tế. Tổ chức cho thành viên thăm quan học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất kinh doanh giỏi tại tỉnh Lạng Sơn và huyện Ba Vì - Hà Nội.  Để tạo điều kiện cho hội viên có vốn sản xuất, BTV Hội LHPN huyện tổ chức giải ngân nguồn vốn luân chuyển tại 2 xã Tân Thanh, Xương Lâm cho 53 thành viên, với số vốn là 265 triệu. Tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chế biến nấm sạch, rau sạch, hoạt động quản lý mô hình có 44 thành viên tham gia, tổ chức thăm quan học tập kinh nghiệm mô hình trồng nấm tại xã Tiên Lục huyện Lạng Giang, mô hình chế biến rau an toàn tại Công ty GOC xã Tân Dĩnh.

Mô hình tổ liên kết trồng rau sạch xã Xương Lâm chỉ đạo các thành viên trong mô hình sản xuất rau sạch tập trung trên cánh đồng thôn Quyết Thắng 2, với tổng diện tích sản xuất 1,5ha. Ban quản lý tổ phối hợp với HTX Nông nghiệp - Công ty GOC tổ chức cung cấp giống, kỹ thuật chế biến rau an toàn, thu mua tiêu thu sản phẩm cho hội viên, mỗi năm mô hình cung cấp cho công ty trên 4 tấn rau, củ, quả sạch để chế biến.

Mô hình tổ liên kết trồng và chế biến nấm xã Tân Thanh tài sản thành viên đóng góp 40 triệu đồng; tổ chia thành 2 nhóm sản xuất: nhóm 1 tại thôn Tuấn Mỹ - xã Tân Thanh, có 12 thành viên tham gia, xây dựng 400m2 nhà lán sản xuất tập trung và 1.200m2 nhà lán tại hộ gia đình. Nhóm 2 tại thôn Mải Hạ - xã Tân Thanh, có 13 thành viên tham gia, xây dựng 400m2 nhà lán sản xuất tập trung và 1.300m2 nhà lán tại hộ gia đình. Ban quản lý tổ phối hợp trung tâm giống nấm tỉnh Bắc Giang cung cấp giống, kỹ thuật trồng và chế biến nấm sạch cho thành viên mô hình, tìm đầu mối trong và ngoài tỉnh thu mua sản phẩm cho thành viên sản xuất tập trung và tại hộ gia đình.

Từ khi các tổ được thành lập đã duy trì sinh hoạt định kỳ 3 tháng 1 lần để trao đổi kinh nghiệm sản xuất và tổ chức giúp đỡ cho nhau về giống, khoa học kỹ thuật và thu tiền lãi, tiền tiết kiệm vốn vay luân chuyển của Hội cấp trên; các thành viên trong tổ thực hiện theo đúng quy chế hoạt động của tổ. Ban Quản lý tổ điều hành công việc chung của tổ; đại diện cho tổ giải quyết, xử lý các vấn đề chung của tổ; được đại diện cho tổ trong các giao dịch dân sự như: Phối hợp với Công ty GOC, HTX Nông nghiệp, Trung tâm giống nấm để cung ứng các loại giống và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên trong tổ. Xây dựng chương trình, nội dung và điều hành các hoạt động của tổ theo định kỳ tháng, quý, năm. Tổ hợp tác vận động các thành viên trong nhóm giúp đỡ nhau về vốn, giống, công lao động. Tổ chức thông báo cho các thành viên trong tổ lịch đăng ký, cấp phát giống và thời gian, địa điểm thu mua sản phẩm. Các thành viên trong tổ luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau về giống vốn, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong việc trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau sạch, nấm sạch.

 Với 1,5ha diện tích trồng rau sạch, sản lượng 1 năm thu khoảng trên 4 tấn rau củ quả, trừ chi phí đầu tư hộ gia đình cho thu nhập bình quân từ 30-40 triệu đồng/năm. Số lao động có việc làm từ 2 mô hình tổ liên kết là 40 lao động tham gia, thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng/người (tăng bình quân so trước khi thành lập mô hình khoảng 500.000 đồng - 1.000.000 đồng/người/tháng). Số hộ có thu nhập từ trung bình lên khá 22 hộ.

Nhờ có mô hình tổ liên kết sản xuất, nhiều hộ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn như: thiếu vốn sản xuất, thiếu nguồn nhân lực hoặc hộ gia đình có nhiều lao động không có việc làm, qua mô hình đã tạo việc làm cho hội viên phụ nữ, chị em trao đổi ngày công lao động giúp những hộ gia đình gặp khó khăn về giống vốn để phát triển sản xuất. Tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm giúp cho hội viên phụ nữ có thêm động lực yên tâm sản xuất. Đầu ra của sản phẩm được các công ty, tư thương thu mua tập trung rất thuận lợi cho quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm