Liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum

Trần Lê
05/08/2022 - 08:25
Liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum

Chị Lương Thị Mỹ Huệ khởi nghiệp nâng tầm giá trị cây dược liệu Tây Nguyên

Nỗ lực ra mắt dòng sản phẩm mới để giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19. Giờ đây, khi dịch đã đi qua, chị Lương Thi Mỹ Huệ một lần nữa đang tích cực thay đổi để thích ứng với giai đoạn bình thường mới.

Từ ý tưởng mang tinh hoa thảo dược Tây Nguyên đến với khách hàng, dự án "Liên kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum" của chị Lương Thị Mỹ Huệ đã giành giải Nhì cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2021 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. 

Dự án được chị Mỹ Huệ triển khai từ năm 2019, giúp phụ nữ Ngọc Tụ và Văn Lem - 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Đắk Tô, góp phần tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hoạt động trồng các loại dược liệu vùng là Ngọc Linh và sản xuất các đặc sản Kon Tum. 90% nhân sự và người hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh của công ty là nữ giới.

Thích ứng với hoàn cảnh

Dịch Covid-19 đã tạo nên nhiều biến động về thị trường, kênh phân phối cũng như nhu cầu và hành vi của khách hàng dẫn đến nhiều khó khăn cho công ty Thảo Dược Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, chị Lương Thị Mỹ Huệ và công ty đã nỗ lực để thích ứng với nghịch cảnh bằng việc ra mắt dòng sản phẩm mới - Lá xông giải cảm. Những túi lá xông khô tiện dụng, gồm các loại thảo dược như lá tre, bạc hà, sả, quế, hương nhu, tía tô, kinh giới… đã được thị trường đón nhận và hỗ trợ công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thay đổi chiến lược kinh doanh để thích ứng với giai đoạn bình thường mới - Ảnh 1.

Các sản phẩm của chị Lương Thị Mỹ Huệ mở ra hướng phát triển mới cho thảo dược Tây Nguyên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hậu Covid-19, các sản phẩm thích ứng với dịch bệnh đã giảm sản lượng, nên một lần nữa chị Lương Thị Mỹ Huệ phải thay đổi chiến lược để thích ứng với giai đoạn bình thường mới.

Chị Huệ chia sẻ: Công ty đã xây dựng kế hoạch ra mắt dòng sản phẩm mới kết hợp với tăng cường các hoạt động tiếp cận thị trường và phát triển đa dạng các kênh bán hàng để tiếp cận với khách hàng mục tiêu. Chiến lược mới không chỉ hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế mà còn mang lại nhiều tác động tích cực xã hội như hỗ trợ nâng cao nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số về bảo vệ rừng, phát triển sinh kế bền vững cho người dân địa phương, giải quyết việc làm cho người dân nhập cư và lao động là đồng bào dân tộc thiểu số buộc phải quay về làng vì không có việc làm do ảnh hưởng của Covid-19, đồng thời mang lại sản phẩm an toàn, chất lượng cao đến tay người tiêu dùng.

Thay đổi chiến lược kinh doanh để thích ứng với giai đoạn bình thường mới - Ảnh 2.

Ý tưởng phát triển tinh hoa thảo dược Tây Nguyên góp phần tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nâng cao giá trị cây dược liệu Tây Nguyên

Kon Tum là vùng có khí hậu mát mẻ quanh năm, có rất nhiều loài cây dược liệu tự nhiên sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng. Tài nguyên của địa phương còn rất lớn nhưng bà con còn chưa biết cách khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, việc phát triển dược liệu còn mang tự phát, nhỏ lẻ; kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa được chuẩn hóa...

Để phát huy tiềm năng, lợi thế đó, chị Lương Thị Mỹ Huệ đã liên kết với bà con đồng bào xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn GACP - WHO với các loại dược liệu như: Sâm dây Ngọc Linh, khổ qua rừng, gừng, lạc tiên... Những sản phẩm của Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên mang tên gọi DATO đang mở ra hướng phát triển mới cho thảo dược Tây Nguyên.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương, chị Huệ cho biết, chị luôn chú trọng trong tất cả các khâu từ trồng trọt đến sản xuất, xây dựng câu chuyện sản phẩm và phân phối ra thị trường. Từ những nỗ lực ấy, chị Lương Thị Mỹ Huệ không chỉ nâng tầm giá trị cho cây dược liệu tại địa phương mà còn góp phần làm thay đổi suy nghĩ, lối canh tác và thu nhập của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số.

Doanh nghiệp của chị cũng vinh dự là 1 trong 29 doanh nghiệp tiêu biểu được nhận giải thưởng của dự án ISEECOVID. Đây là Dự án do Cục Phát triển doanh nghiệp (AED - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ với mục tiêu tăng cường sức chống chịu và khả năng phục hồi của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội.

Liên hệ: Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên.

Địa chỉ: số 298 Hùng Vương , thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.

Điện thoại: 0985797368.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm