‘Liều thuốc’ kích tinh thần cho người mẹ ung thư

28/03/2019 - 21:00
Chị Nga vốn là người chăm lo mọi việc trong gia đình, từ việc gọi gas, sửa điện đến nấu cơm, gọt hoa quả. Hai cô con gái được bố mẹ ưu tiên tập trung cho học hành nên giờ đều đã tốt nghiệp đại học vẫn được bố dọn phòng, cọ toilet, mẹ pha nước cam mang đến tận bàn học.

Ngày chị Nga nhập viện vì phát hiện ung thư vòm họng khiến cho cả nhà bấn loạn.

Ba bố con giờ còn phải chăm sóc, động viên mẹ ở bệnh viện nên mọi việc càng chồng chất khó khăn. Nhiều lần chị Nga rớt nước mắt tủi thân vì chồng con chưa kịp chuẩn bị đồ ăn mang vào. Trong viện có mấy bộ quần áo và vài cữ thuốc mà chồng con nhớ nhầm lẫn lung tung. Sau hơn 2 tuần từ viện trở về nhà, chị Nga nổi xung khi nhìn thấy nhà cửa như một bãi chiến trường. Phòng khách cốc chén bừa bộn, mỗi nơi một cái. Phòng bếp ngập rác và bát đĩa chưa rửa chất chồng từ chậu rửa tràn lên cả bàn bếp. Còn phòng ngủ nào cũng nguyên bộ chăn gối mùng đang dùng…

Chị Nga lặng lẽ đi dọn dẹp vì ngày ăn hỏi con gái lớn đang đến gần. Chị không muốn bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào ảnh hưởng đến sức khoẻ của mình và ngày quan trọng này của con gái.

Chị cần mẫn sắp xếp, mua sắm, lên danh sách các công việc cần làm… Tự nhiên, chị ước ao có chồng con giúp mình một tay. Thế là chị xé hết các ghi chép dự tính của mình, gọi chồng con xuống.

viec-nha-2.jpg
Cả nhà đã phân công nhau rõ ràng mọi việc

Lần đầu tiên cả nhà ngồi nói chuyện với nhau lâu thế và vui thế. Anh chị hỏi con gái lớn về các dự định, mong muốn tương lai. Cả nhà lên danh sách các việc cần làm, phân công cụ thể từng người cho từng sự kiện. Hai con gái hào hứng với lớp học nấu ăn và học dọn dẹp mà mẹ lựa chọn và bố tặng tiền học phí. Cả nhà đã phân công nhau rõ ràng mọi việc, từ nấu ăn, dọn dẹp đến động viên, khích lệ mẹ. Trong khi, nhiệm vụ quan trọng nhất của chị Nga là ăn uống đầy đủ và uống thuốc đúng giờ. Không cần trách mắng. Không cần xác định lỗi lầm. Không cần ai bắt ai phải làm gì. Tất cả mọi người trong nhà chỉ cùng nhau nghĩ ra các cách để mỗi người tự chăm sóc mình tốt nhất, để mỗi người thân quan tâm, chăm sóc nhau thiết thực nhất, để cho cuộc sống gia đình trở nên ấm cúng, gần gũi, thân thiết, để ai cũng góp phần xây dựng nền móng vững chắc cho tình yêu thương.

Sau buổi nói chuyện bất ngờ đó, mọi thành viên trong nhà như được bật nút công tắc kết nối, chuyện trò. Hai chị em cùng nhau rửa chén bát, còn học được của mẹ công thức pha nước rửa bát tự nhiên từ bồ kết, chanh tươi. Lần đầu tiên cô em nhớ được hết bên trong các ngăn kéo tủ bếp đựng những gì khi cô làm xong sơ đồ nơi cất các đồ dùng trong nhà. Khi cùng làm việc, cô em được nghe lại những mốc son chói lọi trong tình yêu của anh chị, khiến cô lên ý tưởng xây dựng clip đám cưới cho anh chị khiến ai xem xong cũng xúc động. Bữa ăn là thành quả lao động của mọi thành viên. Mẹ nấu riêu cá dọc mùng thơm ngon chua ngọt. Em đặt nồi cơm hơi nhiều nước nhưng ai ăn cũng khen ngon. Chị thì làm món đậu đũa xào tỏi “điếc mũi”. Bố cần mẫn rửa bát, lau chùi bếp sạch tinh.

Chị Nga từ người “lao động chính trong nhà” trở thành “người cổ vũ tích cực nhất”. Thỉnh thoảng dọn “bãi chiến trường” của ba bố con, chị lại thầm trách mình đã không khuyến khích tinh thần tự giác chăm sóc gia đình của cả nhà mà lúc nào cũng nghĩ chỉ mình mới làm tốt được, mình làm cho nhanh, mình làm cho vừa ý.

viec-nha-1.jpg
Con rể cũng nhanh chóng hoà nhập tinh thần chăm sóc gia đình ở nhà vợ. Ảnh minh họa

 

Giờ đây, vợ chồng con gái lớn chuẩn bị đón cháu ngoại chào đời, con rể cũng nhanh chóng hoà nhập tinh thần chăm sóc gia đình ở nhà vợ. Chị Nga đã xong liệu trình điều trị, kết quả không tốt đẹp như dự kiến của bác sĩ nhưng chị vẫn cảm thấy yên tâm, nhẹ nhõm. Vài tháng vợ chồng đi du lịch mấy hôm, cùng nhau ôn lại kỷ niệm, cùng nhau nói về tương lai, kể cả tương lai thiếu vắng chị. Cuộc sống cả nhà cùng tham gia như liều thuốc kích tinh thần để chị dũng cảm chiến đấu với bệnh tật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm