Lo "bùng nổ" hồ sơ đầu vào lớp 6 năm tới

20/12/2017 - 11:31
Lãnh đạo một số trường “hot” tại Hà Nội đồng tình với phương thức tuyển sinh lớp 6 mới theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, bởi cách này sẽ giúp tăng chất lượng đầu vào thay cho các hình thức xét tuyển hiện tại.

Áp lực với cách xét tuyển cũ

Trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam, ông Phạm Trung Dũng - Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - tỏ ý đồng tình khi Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ cho tuyển sinh đầu vào lớp 6 bằng bài thi đánh giá năng lực.

Ông Dũng cho hay nhà trường hoàn toàn ủng hộ dự thảo cho phép các cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu được tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra đánh giá năng lực học sinh ....

Phụ huynh chen lấn mua hồ sơ tuyển sinh lớp 6 cho con vào trường Lương Thế Vinh, năm 2015. Ảnh: Nguồn Zing.vn

“Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh từ những năm trước đã rất mong muốn được tuyển sinh theo phương thức này. Với số lượng học sinh đăng ký vào lớp 6 của trường có số điểm tuyệt đối cao hơn nhiều so với chỉ tiêu. Việc chỉ được tuyển sinh theo hình thức xét tuyển đã gây khó khăn và áp lực không nhỏ cho trường. Đặc biệt là hình thức điểm cộng từ các tiêu chí phụ làm chất lượng tuyển sinh không đạt được hiệu quả như mong muốn”- ông Dũng chia sẻ.

Với cách tuyển sinh mới bằng bài thi đánh giá năng lực, ông Dũng chia sẻ cách thức này sẽ tạo điều kiện cho nhà trường thuận lợi hơn trong việc tuyển sinh một cách khách quan, công bằng và hiệu quả. Hơn nữa, so với việc phải tham gia nhiều cuộc thi để được ưu tiên, thì một cuộc sát hạch sẽ giúp học sinh bớt vất vả và ít tiêu cực hơn.

Cũng theo ông Phạm Trung Dũng, nếu dự thảo được thông qua, trường Lương Thế Vinh sẽ có phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập 5 năm tiểu học kết hợp khảo sát qua kiểm tra viết, trắc nghiệm các câu hỏi về năng lực của học sinh để có thể chọn được đầu vào có chất lượng tốt nhất. “Phương án tuyển sinh cụ thể sẽ được nhà trường xây dựng và trình lên các cấp có thẩm quyền” - ông Dũng nhấn mạnh.

Bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy, cũng chia sẻ, bà ủng hộ phương án xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Bởi việc xét tuyển theo quy định “cấm mọi hình thức thi cử” của Bộ GD&ĐT từ năm 2014 đã gây áp lực không nhỏ cho trường mỗi mùa tuyển sinh khi số lượng hồ sơ đầu vào luôn vượt nhiều lần so với chỉ tiêu.

“Khi “cấm thi”, các trường buộc phải căn cứ vào học bạ và các điểm nổi trội thông qua bằng khen, giấy khen các cuộc thi mà học sinh tham gia. Tuy nhiên, sau đó, Bộ lại ra văn bản tinh giản các cuộc thi, thành thử các trường không biết căn cứ đâu để xét tuyển. Việc cho phép có bài kiểm tra năng lực cho thấy cách thức xét tuyển trong 3 năm qua bộc lộ nhiều bất cập”- bà Kim Anh nói.

Cần tiêu chí cụ thể cho bài thi đánh giá năng lực

Cũng theo dự đoán của bà Kim Anh, nếu dự thảo được thông qua, mùa tuyển sinh năm nay sẽ không nằm ngoài khả năng “bùng nổ” hồ sơ đầu vào do áp dụng thi tuyển mang tính cạnh tranh.

“Như mọi năm, việc xét tuyển hồ sơ và tiêu chí phụ là bằng khen nên phụ huynh tự lọc hồ sơ của con, nếu đủ điều kiện họ mới nộp vào. Còn khi tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực, nhiều học sinh sẽ muốn thử sức nên lượng hồ sơ đăng ký chắc chắn sẽ cao hơn mọi năm rất nhiều”- bà Kim Anh nói.

Nữ hiệu trưởng cũng thông tin thêm, năm học 2018-2019 tới, trường THCS Cầu Giấy sẽ lấy 280 chỉ tiêu. Như mùa tuyển sinh trước, số hồ sơ đăng ký xét tuyển vào lớp 6 của trường là hơn 600, chỉ tiêu cũng chỉ tương đương với năm tới.

Còn theo ông Phạm Trung Dũng, Bộ GD&ĐT cần cẩn trọng khi đưa ra những tiêu chí cụ thể cho bài thi đánh giá năng lực cũng như cách thức ra đề thi, tránh tình trạng phụ huynh quay trở lại “ép” học sinh học nhiều, nở rộ các trung tâm luyện thi… như các năm trước.

“Tuy nhiên, theo dự thảo thì “chỉ có các cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh” mới thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Vì vậy số lượng trường theo tiêu chí này so với khoảng 600 trường THCS ở Hà Nội theo tôi không nhiều!” - ông Dũng cho hay.

* Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014. Dự thảo đề xuất thay thế quy định về phương thức tuyển sinh từ xét tuyển sang xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh (HS) đối với các trường có số HS đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh. Trước đó, đa số các trường "hot" ở Hà Nội đều xét tuyển vào lớp 6 dựa trên học bạ 5 năm tiểu học và giải thưởng các cuộc thi. 



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm