Lo “chạy lở” ở sông Thao: "Đêm nào cũng nghe tiếng ì oạp khiến tôi không dám chợp mắt"

Nguyễn Cảnh Dũng
31/08/2023 - 11:38
Lo “chạy lở” ở sông Thao: "Đêm nào cũng nghe tiếng ì oạp khiến tôi không dám chợp mắt"

Sạt lở nghiêm trọng tại khu 13,14 xã Bản Nguyên. Nhiều gia đình đã mất nửa diện tích đất trồng chuối ở khu vực bãi bồi

“Đêm nào cũng nghe tiếng ì oạp khiến tôi không dám chợp mắt. Có hôm vừa chợp mắt đã nghe tiếng “rầm”, sáng ra không thấy đám chuối sau vườn đâu nữa. Cứ thế này chẳng mấy chốc nhà tôi cũng mất” - chia sẻ của bà Trương Thị Thú cũng là tâm trạng lo âu của hơn nghìn hộ dân xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao (Phú Thọ)...
Trắng đêm "canh" hà bá

Suốt cả tháng qua, bà Trương Thị Thú, khu 14, xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao (Phú Thọ), chưa có đêm nào ngon giấc. Bãi bồi phía sau nhà bà Thú vốn tươi tốt giờ chỉ còn lại dòng nước đục ngầu cuộn chảy.

Ở khu 14, xã Bản Nguyên, nhà bà Thú là một trong những hộ dân nằm ở vị trí nguy hiểm nhất khi bờ sông chỉ còn cách vườn nhà khoảng vài chục mét. Kè Bản Nguyên để bảo vệ hàng nghìn hộ dân trong đó có nhà bà Thú giờ chẳng còn tác dụng khi cả đoạn hàng trăm mét đã bị cuốn trôi. 

Hiện vườn chuối nhà bà Thú đã được chính quyền địa phương cắm biển "cảnh báo nguy hiểm". Với tốc độ sạt lở nghiêm trọng đang diễn ra, bà Thú lo lắng ngày bờ sông Thao "ăn" vào nhà mình không còn xa. 

"Tôi có 3 người con nhưng đều đi làm ăn xa, hiện chỉ có tôi và 2 đứa cháu ở nhà. Những hôm trời mưa gió tôi gần như thức trắng đêm. Ngôi nhà đang ở mới xây từ năm 2011, đó là gia sản của cả đời dành dụm. Nếu chính quyền không sớm có biện pháp ngăn sạt lở, mùa mưa lũ năm nay nhà tôi có thể bị cuốn đi", bà Thú nói.

Lo “chạy lở” ở sông Thao
 - Ảnh 1.

Bà Trương Thị Thú lo “chạy lở” khi thấy dòng sông đã áp sát nhà mình

Không chỉ riêng nhà bà Thú, các hộ dân ở khu 13, 14 xã Bản Nguyên và một phần xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao) đều đang phải sống trong thấp thỏm. Theo ông Nguyễn Văn Quân, Trưởng khu 14, xã Bản Nguyên, hiện có khoảng 700m chạy dọc bãi đất bồi trồng chuối của bà con đang bị sạt lở nghiêm trọng. Nếu không được xử lý, nguy cơ lở ăn vào tận nhà dân, có hộ giờ chỉ còn cách bờ sông 15m.

Nhà ông Quân có 1.000m2 đất trồng chuối nhưng đã bị nước cuốn trôi mất một nửa diện tích. Các hộ khác cũng trong tình trạng tương tự. Dẫn chúng tôi ra bờ sông, chỉ tay về phía dòng sông đục ngầu cuồn cuộn chảy, ông Quân cho biết, tất cả trước đây là bãi bồi được người dân trồng chuối. 

Lãnh đạo Trung ương, tỉnh đều đã về kiểm tra và chúng tôi cũng như hàng nghìn hộ dân vẫn đang rất trông chờ sẽ sớm có phương án xử lý. Tình trạng đang rất khẩn cấp. Xã vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến của mưa, bão, tình trạng sạt lở. Những điểm sạt lở nguy hiểm đã cắm biển cảnh báo không cho người, gia súc qua lại. Việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân được đặt lên hàng đầu, nhất là khu vực nguy hiểm”.

Ông Nguyễn Đình Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ

Thế nhưng, bắt đầu từ Tết Nguyên đán đến nay, bờ sông bắt đầu lở và hiện khoảng 100m chiều ngang (tính từ bờ sông vào phía làng) đã bị "há bá" ngoạm mất. "Thiệt hại về kinh tế rất lớn khi nhiều hecta đất sản xuất đã bị cuốn trôi nhưng lúc này người dân chẳng quan tâm đến điều đó. Ai cũng chỉ lo nhà cửa và tính mạng bị đe dọa", ông Quân cho hay.

Lo “chạy lở” ở sông Thao
 - Ảnh 3.

Kè Bản Nguyên tại khu 14, xã Bản Nguyên, đã bị cuốn trôi nhiều đoạn

Cụ Nguyễn Văn Chuyển (85 tuổi) là một trong những hộ dân sinh sống đầu tiên ở khu 14, xã Bản Nguyên, cho biết, bãi bồi phù sa tại khu 13, 14 được bồi đắp qua hàng chục năm. Sau khi có thủy điện Hòa Bình, dòng chảy ổn định, tình trạng lũ lụt hạ nguồn không còn nữa, người dân nơi đây đã được cấp đất sử dụng ổn định bên dòng sông Thao. 

Bờ sông năm lở năm bồi nhưng theo cụ Chuyển, kể từ khi gia đình cụ đến ở đây (1995), chưa bao giờ xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng như năm nay. 

"Bãi bồi cao đến hơn 10m so với mặt sông nhưng nay đã bị cuốn gần hết. Mất hàng chục năm mới có được bãi bồi như vậy nhưng chỉ mấy tháng gần đây đã chẳng còn gì. Kè Bản Nguyên vốn được xây cách bờ sông đến cả trăm mét để bảo vệ cho dân làng nay cũng bị nước cuốn trôi. Dòng chủ lưu áp sát bờ, khiến các hộ dân đang bị đe dọa thật sự", cụ Chuyển lo lắng.

Xin ý kiến Thủ tướng về phương án xử lý

Ông Nguyễn Đình Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Nguyên thừa nhận: "Người dân ở khu 13, 14 đang vô cùng hoang mang và lo sợ". Có ít nhất 5 hecta diện tích đất trồng chuối của người dẫn đã bị sạt lở. Nước bị đổi dòng nên tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra. Mùa mưa lũ đang đến và chúng tôi đang vô cùng lo lắng khi vết sạt đã vào đến cạnh đất ở nhà dân".

Lo “chạy lở” ở sông Thao
 - Ảnh 4.

Chính quyền đã cho cắm biển cảnh báo nguy hiểm

Cũng theo ông Năm, tình trạng sạt lở không diễn ra ồ ạt nhưng liên tục và kéo dài nhiều tháng nay. "Từ trước đến nay chưa từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng như vậy. Tâm lý bà con rất lo lắng và sợ hãi. Vách đất bị sạt nhìn rất kinh hoàng, cao cả chục mét. Hiện tại chính quyền đã cắm biển cảnh bảo và cấm người dân đến khu vực nguy hiểm. Bên cạnh đó, UBND xã Bản Nguyên cũng đã nhiều lần có báo cáo gửi lên UBND huyện Lâm Thao", ông Năm cho biết.

Trong báo cáo mới nhất của UBND xã Bản Nguyên, nêu rõ: "Thời gian vừa qua, thượng nguồn sông Thao xảy ra một số đợt mưa to diện rộng, mực nước sông Thao thường xuyên dao động tạo dòng chảy xiết, kết hợp phía bờ hữu và giữa lòng sông có bãi bồi lớn làm dòng chảy sông Thao thay đổi, dòng chủ lưu áp sát bờ tả, lòng sông trong khu vực bị xói sâu gây sạt lở nghiêm trọng đoạn bờ, vở sông đê tả Thao thuộc địa bàn xã Bản Nguyên với chiều dài sạt lở khoảng 655m, trong đó gây sạt lở khoảng 355m kè Bản Nguyên…".

UBND xã Bản Nguyên nhận định: "Qua theo dõi diễn biến sạt lở, hiện trong khu vực xuất hiện nhiều cung sạt kéo dài có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở mạnh. Đoạn sạt lở trên, nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây mất ổn định tuyến kè Bản Nguyên, uy hiếp đến an toàn công trình đê điều, tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực".

Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng tại xã Bản Nguyên, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang cũng đã về trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo UBND huyện Lâm Thao cho cắm biển cảnh báo nguy hiểm, ngăn không cho người và gia súc vào khu vực sạt lở; thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở, báo cáo kịp thời Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khi có tình huống phát sinh.

Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Phú Thọ báo cáo về sự cố sạt lở bờ sông và xói lở chân kè Bản Nguyên đê tả sông Thao và kiến nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ NN&PTNT hỗ trợ 30 tỷ đồng từ nguồn xử lý cấp bách sự cố đê điều năm 2023 để xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở trên. 

Ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đã về xã Bản Nguyên để kiểm tra và sau đó giao Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai phối hợp với tỉnh Phú Thọ khảo sát, báo cáo để Bộ tổng hợp, xin ý kiến Thủ tướng về phương án xử lý, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực và an toàn công trình đê điều.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm