Lo ngại các cơ sở giữ trẻ “3 không” ở Nha Trang

Hương Thảo
20/12/2023 - 17:57
Lo ngại các cơ sở giữ trẻ “3 không” ở Nha Trang

Các cháu bé tại nhóm trẻ gia đình của chị T. (ở xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, Khánh Hòa)

Cơ sở vật chất không đủ điều kiện, người giữ trẻ không có kinh nghiệm, cơ sở giữ trẻ không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn… ngang nhiên hoạt động. Điều này tiềm ẩn nhiều hậu quả khó lường cho trẻ và cả những người lao động tại các cơ sở “3 không” trên địa bàn TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Chất lượng theo kiểu… "truyền miệng"

Những ngày đầu tháng 12, trong vai người đi tìm chỗ gửi trẻ, chúng tôi tìm hiểu hoạt động của các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến nhóm trẻ gia đình của chị T. (xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang) tìm chỗ gửi con. Đến nơi, chúng tôi không khỏi giật mình khi thấy một người đàn ông lớn tuổi đang vừa hút thuốc lá ngoài sân vừa "canh" 3 em bé khoảng 16-20 tháng tuổi phía sau hàng rào chắn. Những em này, bé thì tự ngồi chơi, bé nằm bò dưới nền nhà.

Người đàn ông tự giới thiệu là bố của chị T. và đang chăm sóc các cháu bé thay cho chị T. vài hôm vì chị T. bận chăm con nằm viện. Thấy chúng tôi tỏ ý không hài lòng về việc không có cô giáo chăm sóc nhưng vẫn nhận giữ trẻ, người đàn ông này phân bua: "Mấy việc này tôi làm được hết, cho các cháu ăn, uống sữa, tắm thì đơn giản. Nhiều người gửi con ở đây ngày này qua tháng nọ, đâu có vấn đề gì đâu".

Chưa hết ngạc nhiên về lời giải thích ấy thì chúng tôi thấy đám trẻ nằm dài xuống sàn nhà tự cầm bình sữa uống. Sau khi trao đổi qua điện thoại với chị T. và chốt với mức giá 3 triệu đồng để giữ cháu từ thứ Hai đến thứ Bảy, trả cháu lúc 20h hằng ngày, chúng tôi muốn biết cơ sở này có giấy phép hoạt động không, chị T. cho biết: "Bên tôi chỉ nhận vài cháu, quy mô nhỏ lẻ nên không có giấy phép. Các phụ huynh biết điều đó nhưng vẫn tin tưởng gửi. Bình thường sẽ có thêm một cô giáo phụ tôi chăm các con".

Lo ngại các cơ sở giữ trẻ “3 không”- Ảnh 1.

Người đàn ông đang chăm sóc các cháu bé tại nhóm trẻ gia đình của chị T. (ở xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, Khánh Hòa)

Rời nhóm trẻ của chị T., chúng tôi tìm đến cơ sở tại phường Vĩnh Hoà. Cơ sở này có vẻ khang trang và sạch sẽ hơn. Chủ cơ sở tự giới thiệu tên là Th., từng là cô giáo mầm non, sau đó xin nghỉ để ở nhà tập trung nhận giữ trẻ. Qua lời quảng cáo "có cánh" của chị Th, cơ sở của chị được nhiều phụ huynh biết đến và tin tưởng. Thực đơn cho các bé đa dạng, nhiều dinh dưỡng, bữa xế còn được uống thêm sữa hạt. Khi được hỏi nguồn gốc của thực phẩm, chị Th. trả lời "rau thịt được mua ở chỗ uy tín".

Để thu hút phụ huynh tới gửi trẻ, những cơ sở này nhận trông các bé tới 20h hằng ngày để đáp ứng nhu cầu tăng ca của công nhân làm việc tại các công ty. Đặc điểm chung là đa số cô giữ trẻ đều không được đào tạo mà dựa vào kinh nghiệm là chính. Các cơ sở đều không đảm bảo điều kiện vui chơi, phát triển hoạt động cho trẻ và không đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy.

"Cực chẳng đã, tôi mới gửi con vào các nhóm trẻ"

Dù biết các nhóm trông giữ trẻ hoạt động không phép tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nhiều công nhân vẫn phải mang con đến gửi với muôn vàn lí do. Chị D., một công nhân chế biến thực phẩm, chia sẻ: "Tôi là mẹ đơn thân, đang nuôi con nhỏ 2 tuổi. Hai mẹ con ở trọ, không có hộ khẩu, con tôi chẳng thể được vào trường công. Trường mầm non tư thục uy tín lại có mức học phí quá cao. Hơn nữa, công việc của tôi thường tăng ca, lại không có người thân phụ giúp nên cực chẳng đã tôi mới gửi con vào các nhóm trẻ".

Trong khi đó, khi con vừa tròn 6 tháng tuổi, cũng là lúc chị L. hết thời gian nghỉ chế độ thai sản. Chị phải đôn đáo tìm chỗ nhận trông trẻ bởi không có điều kiện thuê người giúp việc tại nhà. Cơ sở vật chất tại nơi giữ trẻ không bảo đảm, cô giáo thiếu chuyên nghiệp là điều khiến chị lo lắng, bởi chị có thể phải nhận tin không hay bất cứ lúc nào.

Một "lỗ hổng" khác là những lao động được thuê làm bảo mẫu, cô giữ trẻ tại các cơ sở này thường không có hợp đồng lao động mà chỉ là "hợp đồng miệng". Điều này đồng nghĩa với việc họ thuộc nhóm lao động tự do, không được mua và thụ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Cũng có nhiều cô giữ trẻ, bảo mẫu ở các cơ sở này không màng đến việc mua BHXH hay BHYT, chỉ muốn nhận nguyên lương. Họ cho rằng, giá cả ngày càng tăng, lương thì thấp, lại phải đóng BHXH thì sẽ không đủ trang trải. Không có chế độ, lương thưởng bấp bênh, nhóm lao động này không có tâm lí gắn bó lâu dài với cơ sở. Chỉ cần có nơi nào tuyển dụng lương cao hơn hay điều kiện dễ dàng là họ "nhảy việc". Do đó, chuyện nghỉ việc, "nhảy việc" của những cô giáo này thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí của trẻ khi vừa mới bắt đầu thích nghi với môi trường, với cô thì lại phải làm quen từ đầu.

Cần kịp thời chấn chỉnh hoạt động

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Cao Đình Trung, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang, cho biết, theo quy định, UBND cấp xã, phường có nhiệm vụ, giám sát, quản lý trực tiếp các nhóm trẻ giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn. "Các cơ sở giữ trẻ không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động, để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về UBND cấp xã, phường. Tuỳ theo quy mô, các cơ sở giữ trẻ đều phải làm thủ tục đăng kí. UBND cấp xã, phường có nhiệm vụ gửi giấy mời Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng phối hợp, kiểm tra xem cơ sở có đủ điều kiện để cấp phép không", ông Trung nói.

Thực tế, việc quản lý các nhóm trẻ không phép này đang bị buông lỏng, chưa được địa phương giám sát chặt chẽ hoặc nắm được thông tin nhưng lại thiếu biện pháp xử lý kiên quyết. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố rà soát, kịp thời chấn chỉnh để mang lại môi trường giáo dục an toàn, chất lượng cho trẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm