Tiếp tục kiện toàn các nhóm trẻ độc lập tư thục để hỗ trợ nữ công nhân lao động

27/11/2018 - 11:35
Đây là nội dung được nêu lên tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trong các ngày 21 và 23/11/2018, tại Hà Nội và Cần Thơ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020” năm 2018. Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban điều hành đề án cấp Trung ương, Ban chỉ đạo triển khai đề án 20 tỉnh/thành thực hiện đề án.

img_20181127_114409.jpg
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương chủ trì Hội nghị sơ kết Đề án tại khu vực phía Bắc
 

Năm 2018, Ban điều hành đề án cấp Trung ương đã ban ban hành hướng dẫn số 17/HD-ĐCT ngày 18/01/2018 hướng dẫn các tỉnh/thành triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2 (2018-2020); Tổ chức 02 lớp tập huấn hướng dẫn triển khai đề án 404 giai đoạn 2 cho 20 tỉnh/thành địa bàn Đề án, tổ chức các cuộc làm việc với Ban điều hành Đề án của 9/10 tỉnh mới được lựa chọn triển khai Đề án gia đoạn 2, gồm: Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, An Giang, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, hỗ trợ tỉnh tháo gỡ khó khăn/vướng mắc trong triển khai thực hiện Đề án tại địa phương; Tổ chức 01 tọa đàm trên sóng VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam nhằm trao đổi/thảo luận về vấn đề chăm sóc giáo dục trẻ tại các nhóm trẻ độc lập tư thục và vấn đề giám sát hoạt động thường xuyên của các nhóm trẻ; Tổ chức Diễn đàn về chăm sóc phát triển trẻ thơ, trong đó tập trung chia sẻ, trao đổi những vấn đề đặt ra đối với công tác chăm sóc phát triển trẻ thơ và giải pháp phát huy vai trò của các cơ quan, đơn vị và Hội LHPN Việt Nam trong chăm sóc, phát triển trẻ thơ; tiến hành nghiên cứu rà soát thu thập thông tin làm cơ sở xây dựng mô hình/cơ chế giám sát nhóm trẻ độc lập tư thục dựa vào cộng đồng; và các hoạt động chỉ đạo, điều hành thường xuyên. 

Ban chỉ đạo đề án 20 tỉnh/thành phố đã tham mưu với Ủy Ban nhân dân ban hành kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn II và tổ chức Hội nghị chỉ đạo triển khai đề án đến các sở, ngành và cơ sở. Các tỉnh/thành đã tiếp tục duy trì hoạt động của 280 nhóm trẻ được hỗ trợ kiện toàn, phát triển trong giai đoạn 1; hỗ trợ kiện toàn, phát triển được 59 nhóm (gồm 4 nhóm mới và 55 nhóm kiện toàn), trong đó, 15 nhóm tại Hà Nội, 15 nhóm tại Bắc Ninh, 12 nhóm tại Bình Dương, Long An 6 nhóm, Cần Thơ 3 nhóm, 1 nhóm tại Thái Nguyên, 7 nhóm tại Quảng Ngãi).

Trong quá trình thực hiện đề án, nhiều tỉnh/thành đã có sự năng động sáng tạo và đã có những kết quả tốt đẹp. Ban chỉ đạo Đề án tỉnh Bình Dương đã vận động doanh nghiệp hỗ trợ 12 các cơ sở mầm non tại cụm khu công nghiệp một số chi phí như: chi trả toàn bộ chi phí gửi trẻ cho công nhân có con gửỉ trẻ, chi phí thuê giáo viên trông trẻ, chi mua thực phẩm, bánh sữa hàng ngày cho trẻ, chi mua đồ dùng/đồ chơi cho trẻ… với tổng kinh phí vận động hỗ trợ là 9.771.968.000 đồng; Tỉnh Bắc Ninh xây dựng và ban hành các văn bản mang tính chính sách, chiến lược tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo, triển khai Đề án tại địa phương: Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT tham mưu cho Ban chỉ đạo Đề án tỉnh xây dựng Đề án“Phát triển hệ thống giáo dục mầm non và phổ thông ngoài công lập tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó có các đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho trường/nhóm lớp trẻ độc lập tư thục của đề án rất cụ thể; Hội đồng nhân nhân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nghị quyết số 119/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 về việc thông qua chủ trương hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ngoài công lập tỉnh bắc Ninh, giai đoạn 2018-2025; Ban hành công văn số 396/CV-BĐHĐA ngày 22/8/2018 về tập huấn nghiệp vụ cho chủ nhóm trẻ, bảo mẫu của các nhóm trẻ độc lập tư thục trên địa bàn tỉnh.

Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai kế hoạch ’’Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân lao động tại Khu chế xuất trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020“, trong năm 2018 Sở đã chỉ đạo thực hiện trông giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất và khu công nghiệp tại 4 quận/huyện trên địa bàn thành phố.

nhom-tre-tu-thuc-2.jpg
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu tại Hội nghị sơ kết Đề án khu vực phía Nam

 

Về nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; nâng cao năng lực: Ban Điều hành Đề án TƯ đã hỗ trợ Hội LHNP các tỉnh/thành, gồm Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 240 quản lý nhóm, giáo viên, bảo mẫu các nhóm trẻ độc lập tư thục trên địa bàn Đề án.

Tại một số tỉnh, thành phố, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 2.723 người, gồm quản lý nhóm, giáo viên, bảo mẫu các nhóm trẻ độc lập tư thục trên địa bàn Đề án gắn với nhiệm vụ chuyên môn ngành Giáo dục để thuận lợi cho việc bố trí ngân sách thực hiện chỉ tiêu này.

Ngoài ra, Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức được 30 lớp tập huấn cho 2.500 người trông trẻ, chủ nhóm… về nâng cao kỹ năng chăm sóc trẻ dưới 36 tháng, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống dịch bệnh cho trẻ tại các nhóm trẻ độc lập tư thục và nhóm trẻ gia đình.

Ban điều hành đề án TƯ đã hỗ trợ cho Hội LHPN với 14 tỉnh/thành điểm tổ chức được 23 cuộc truyền thông nâng cao nhận thức cho 3.050 bà mẹ, người chăm sóc trẻ 0-36 tháng tuổi tại địa bàn Đề án; Các tỉnh, thành phố điểm chỉ đạo của Đề án đã chủ động tổ chức được các cuộc truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 36 tháng, cho 12.742 người, gồm bà mẹ và người chăm sóc trẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các tỉnh làm tốt là: Bắc Ninh 3.000 người, thành phố Hồ Chí Minh 5.000 người, Đà Nẵng 2.000 người, Bình Dương 3.250 người; Hà Nội 1.092 người, Thái Nguyên 900 người; Bắc Ninh đã vận động chủ doanh nghiêp hỗ trợ lắp đặt 10 phòng vắt sữa cho 8 doanh nghiệp có đông lao động nữ; Đà Nẵng in ấn và phát hành 1.000 cuốn tài liệu cẩm nang chăm sóc duôi dạy trẻ dưới 36 tháng tới các ông bố/bà mẹ tại địa bàn đề án; Bình Dương in ấn và phát hành 340.000 tờ gấp truyền thông chăm sóc giáo dục trẻ dưới 36 tháng tới các ông bố, bà mẹ.

images5397669_tre_tu_thuc.jpg
Ảnh minh họa: TTV

 

Việc thực hiện mục tiêu nâng cao nhận thức cho bà mẹ về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ dưới 36 tháng chủ yếu được triển khai tại các tỉnh giai đoạn 1, Hội LHPN một số tỉnh/thành đã chủ động triển khai gắn với nhiệm công tác Hội để tăng chỉ số bà mẹ được nâng cao nhận thức trong năm. Tại các tỉnh mới, giai đoạn 2 chỉ có tỉnh Thái Nguyên thực hiện được mục tiêu; các tỉnh còn lại chưa thực hiện được do chưa được phê duyệt kế hoạch và ngân sách triển khai Đề án.

Về hoạt động Giám sát hoạt động của các nhóm trẻ độc lập tư thục: Việc thực hiện quản lý, giám sát hoạt động của các nhóm trẻ độc lập tư thực được thực hiện theo quy định của Nhà nước (chính quyền địa phương và phòng giáo dục địa phương quản lý, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật).

Tại một số tỉnh/thành đã xây dựng và duy trì được các mô hình giám sát dựa vào cộng đồng, Ban chỉ đạo đề án thành phố Hải Phòng duy trì hoạt động của mô hình 10 CLB chủ nhóm trẻ, 70 tổ giám sát đã kết nối mạng lưới các chủ nhóm trẻ, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin lẫn nhau giữa các nhóm; xây dựng cơ chế phối hợp trong việc quản lý và giám sát hoạt động của nhóm trẻ giữa UBND cấp xã/phường, Phòng GD&ĐT cấp quận/huyện, tổ trưởng dân phố, Hội phụ nữ cơ sở, phụ huynh và người dân cộng đồng trên địa bàn các xã/phường tham gia đề án nhằm giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm trong nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ tại các nhóm; TP Đà Nẵng đã tiến hành tập huấn, hướng dẫn cán bộ Hội cơ sơ, hội viên, phụ nữ tại cộng đồng thực hiện giám sát nhóm trẻ.

Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và vận hành “Lực lượng phụ huynh nòng cốt” với 28 nhóm, thu hút 436 thành viên tham gia thực hiện việc giám sát hoạt động thường xuyên của các nhóm trẻ tại cộng đồng, thông qua hình hình thức để phản ánh tình hình hoạt động của các nhóm trẻ, như zalo, Câu lạc bộ …; Sở LĐTB&XH thảnh phố Hồ Chí Minh đã tổ chức được 2 cuộc Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhóm trẻ độc lập tư thục nhằm tìm ra các giải pháp thực hiện tốt công tác quản lý giám sát hoạt động của nhóm trẻ độc lập tư thục.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương đánh giá và ghi nhận: Về công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án cấp TƯ đã được thực hiện kịp thời hỗ trợ các tỉnh trong quá trình triển khai Đề án; thường xuyên giám sát, nắm bắt tình hình và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh/thành trong quá trình triển khai. Công tác phối hợp chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Đề án giữa các bộ, ngành (Hội phụ nữ, ngành LĐTB&XH, GD&ĐT, LĐLĐ) được thực hiện khá chặt chẽ, thường xuyên, có sự thống nhất chỉ đạo theo ngành dọc phối hợp triển khai Đề án tại các cấp.

UBND các tỉnh/thành đã quan tâm, chỉ đạo các ngành phối hợp triển khai thực hiện Đề án tại các địa phương thông qua việc ban hành các văn bản mang tính chỉ đạo, chiến lược tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các mục tiêu của Đề án; Nhiều tỉnh cũng đã bố trí ngân sách triển khai thực hiện Đề án trong năm đầu của giai đoạn 2. Các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đã triển khai được một số hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Đề án, trong đó có lồng ghép với việc triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của các ngành.

Phó Chủ tịch Trần Thị Hương chỉ đạo Ban chỉ đạo đề án 20 tinh/thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và chỉ tiêu được phân bổ tập trung thực hiện xây dựng, hỗ trợ, kiện toàn các nhóm trẻ độc lập tư thục trên địa bàn để hỗ trợ tốt nhất cho các nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi; tập trung tổ chức các hoạt động truyền thông về ý nghĩa và tầm quan trọng về chăm sóc phát triển trẻ thơ tại cộng đồng. Tập trung nâng cao chất lượng các nhóm lớp được tác động trong khuôn khổ của đề án để hỗ trợ tốt nhất, nhiều nhất cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của các nữ công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm