pnvnonline@phunuvietnam.vn
Loại nước giúp điều trị 6 bệnh thường gặp
Đó chính là nước râu ngô. Khi ăn ngô, chúng ta thường tiện tay ném bỏ râu ngô mà không hay biết đây là bộ phận rất tốt cho sức khỏe. Thậm chí có thể sử dụng để làm thuốc chữa bệnh.
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền, Hội Đông y Việt Nam), từ rất lâu, người Việt đã có kinh nghiệm dùng râu ngô nấu nước uống như một cách giải độc gan, giúp gan khỏe mạnh, đồng thời lợi tiểu, cấp nước cho cơ thể.
Trong Đông y, uống nước râu ngô mà không cần thêm bất cứ nguyên liệu nào có thể chữa được 6 bệnh. Cụ thể đó là: cao huyết áp, viêm thận cấp, tiểu buốt, tiểu ít, tiểu đục, bệnh dạ dày (bao gồm ợ chua, đầy bụng không tiêu, sa dạ dày).
Tất cả những việc bạn cần làm là đun nước râu ngô uống hàng ngày như nước lọc. Uống liền 2-3 tháng thì ai mắc những chứng bệnh trên sẽ nhận thấy những thay đổi tích cực.
Đông y ghi nhận, râu ngô làm tăng bài tiết nước tiểu đồng thời tăng bài tiết của mật, làm nước mật lỏng ra, tỷ trọng nước mật giảm, lượng protrombin trong máu tăng. Với nhiều công dụng như vậy, râu ngô lại thường bị vứt bỏ đi thì quả đáng tiếc. Nếu bạn đang mắc những chứng bệnh nêu trên thì rất nên giữ lại để chữa bệnh cũng như hỗ trợ điều trị bệnh mà không lo tác dụng phụ.
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, râu ngô có chứa vitamin A, vitamin K, vitamin B1, B2, B6 (pyridoxin), vitamin), vitamin C, vitamin PP, flavonoid, acid pantothenic, isotol, saponin, steroid như sytosterol và sigmasterol, chất đắng, dầu béo, vết tinh dầu và nhiều chất vi lượng khác. Do đó, sử dụng râu ngô đúng cách cung cấp lượng vi chất cần thiết cho cơ thể, có lợi cho sức khỏe.
Râu ngô còn có thể chữa bệnh khi kết hợp với những nguyên liệu sau!
- Râu ngô nấu với tim lợn: Món ăn này rất tốt cho tim mạch. Sử dụng một thời gian, bạn sẽ thấy tim khỏe hơn, hô hấp khỏe mạnh và dễ ngủ hơn, ngủ sâu hơn. Bài thuốc đặc biệt hữu ích cho những người bị mất ngủ, khó ngủ, rối loạn giấc ngủ.
- Râu ngô nấu với nhân trần: Lấy 2 món với 2 lượng tương đương nhau, đem sắc lấy nước uống thay nước lọc hàng ngày trong vòng 2 tháng. Bài thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gan mật, vàng da, sỏi gan, sỏi mật.
- Râu ngô đem sắc với rau má, ý dĩ...: Râu ngô tươi 100g, rau má 50g, ý dĩ 50g, mã đề thảo 50g, sài đất 40g. Sắc uống ngày 1 thang. Bài thuốc có công dụng hỗ trợ điều trị viêm thận, viêm bàng quang.
Lưu ý khi sử dụng râu ngô, tránh gây hại sức khỏe
Trong thực tế, nhiều người dân có thói quen sử dụng râu ngô làm nước giải khát, giải nhiệt vào mùa hè. Nhiều người cho rằng đây là bộ phận làm nước uống lành tính, rẻ tiền, lợi sức khỏe nên dùng nhiều. Tuy nhiên, lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo:
- Đối tượng mắc những chứng bệnh trên cần dùng đúng liều lượng khuyến cáo. Tuyệt đối không lạm dụng.
- Râu ngô dễ bị nhiễm thuốc trừ sâu trong quá trình chăm sóc nên khi sử dụng cần chú ý rửa thật sạch.
- Sử dụng râu ngô để làm nước uống ở dạng tươi là tốt nhất vì chứa nhiều dưỡng chất hơn râu ngô khô. Khi chọn chú ý lựa râu ngô sợi to, bóng, mượt, có màu nâu nhung.
- Nếu bạn đang sử dụng một số loại thuốc để trị bệnh thì không nên dùng chung với nước râu ngô. Đặc biệt là không được dùng chung với bất cứ loại thuốc lợi tiểu nào khác. Nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu mình đang sử dụng thuốc điều trị bệnh.
- Trẻ nhỏ sử dụng nước râu ngô để giải nhiệt ngày hè cần tránh dùng liên tục như uống nước lọc hàng ngày. Tốt nhất chỉ dùng trong thời gian ngắn.
Nguyên nhân bởi nếu dùng nhiều, nước râu ngô có chất lợi tiểu có thể gây mất cân bằng điện giải, tăng đào thải, kém hấp thu một số vi chất như canxi, kali... Chính vì thế, trẻ chỉ dùng 20g râu ngô mỗi ngày, uống 1-2 ly nhỏ, tương đương 200-300ml mỗi ngày. Trẻ có nước tiểu trong, màu vàng nhạt thì không nên uống.