Loại quả có muôn vàn lợi ích nhưng chịu tiếng "ác" gây nóng, nổi mụn

LÊ PHƯƠNG
11/06/2022 - 14:28
Loại quả có muôn vàn lợi ích nhưng chịu tiếng "ác" gây nóng, nổi mụn
Khi nói đến mít, ngoài mùi thơm đặc trưng thì nhiều người nghĩ ngay đến cảm giác nóng trong, bốc hỏa khi ăn. Vì lý do này, không ít người lo lắng, hạn chế ăn mít.

Không có trái cây nóng

Quả mít không còn xa lạ với người Việt, hiện loại quả này được bày bán quanh năm, nhưng chính vụ mít chín là vào mùa hè. Trong cuộc sống hàng ngày, quả mít chịu không ít những tiếng “ác”, đó là loại quả ăn vào gây nóng, bốc hỏa, nổi mụn nhọt. Hay thậm chí, ăn mít gây đầy bụng, khó tiêu…

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia về dinh dưỡng, thực phẩm và cả đông y, quả mít lại rất tốt cho sức khỏe nếu dùng điều độ và đúng cách. Ngược lại, nếu vì “bon miệng” mà lạm dụng thì không chỉ mít, bất cứ loại thực phẩm hay trái cây nào cũng gây hại cho sức khỏe.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thông tin cho rằng mít là loại quả nóng là không chính xác. Về nguyên tắc không có loại quả nào nóng, chỉ có trái cây khi chín có lượng đường cao hay thấp, điều này đa số nhận biết qua độ ngọt của quả khi ăn.

Bản chất quả mít không nóng, nó chỉ không tốt cho sức khỏe nếu ăn không điều độ. (Ảnh minh họa)

Với loại quả có lượng đường cao như mít, nếu ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe, nhất là người hay bị rôm sảy, phát ban. Trong mùa hè thời tiết nắng nóng, nếu ăn quả có lượng đường cao sẽ khiến cho lượng đường trong máu tăng, điều này cũng không tốt cho sức khỏe.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm) cũng khẳng định, trong các loại trái cây không có khái niệm trái cây nóng hay lạnh. Ví dụ như múi mít không hề có nhiệt độ cao, cho vào miệng không hề có cảm giác nóng bỏng niêm mạc miệng.

“Mít cũng giống như một số loại trái cây khác, có chứa nhiều đường khi ăn vào cơ thể sẽ nhanh chóng đi vào máu và chuyển hóa khiến cho người ăn có cảm giác nóng, bốc hỏa”, PGS Thịnh cho hay.

Ăn mít hãy giữ lại hạt

Lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y Ba Đình) thì chia sẻ, trong đông y mít có tính ấm, vị ngọt có tác dụng chỉ khát, trợ phế khí, trừ chứng âm nhiệt. Ngoài múi mít, cây mít cũng có thể tận dụng hạt, nhựa, lá... để làm thuốc chữa bệnh.

Trước thông tin ăn mít gây nóng, ông Minh cho rằng đó là do mít có tính ngọt, mà khi ăn ngọt quá nhiều sẽ gây bốc hỏa, nóng trong. Còn nếu ăn với lượng vừa phải mít không gây nóng mà còn giúp ngon miệng, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch, chống ung thư, làm đẹp da.

Khi ăn mít mọi người nên giữ lại hạt vì đây là vị thuốc tốt. Ảnh minh họa.

Vị lương y này cũng cho biết, đa số mọi người ăn mít thường bỏ hạt, đây là sự lãng phí rất lớn. Trong đông y, hạt mít có vị ngọt, tính bình, có mùi thơm, có tác dụng tu dưỡng ích khí, thông sữa. Đặc biệt, hạt mít từng là loại đồ ăn cứu đói của người Việt trong thời kỳ khó khăn.

Không chỉ có vậy, khi ăn điều độ sẽ đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, loại hạt này còn tốt ngang với quả óc chó, có tác dụng chống lão hóa, cải thiện tiêu hóa, tốt cho tim mạch, phòng chống ung thư, thiếu máu và tốt cho cả sức khỏe nam giới.

Ăn mít sao cho hợp lý?

Việc ăn mít sao cho hợp lý, không ảnh hưởng đến sức khỏe đang được nhiều người quan tâm, nhất là thời điểm mùa mít chín rộ đã đến. Dưới đây là một số tư vấn của PGS Nguyễn Thị Lâm:

- Chỉ nên ăn khoảng 4-5 múi mít/ngày, tương đương 80-100 gam. Nếu ăn nhiều một lúc sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao khiến gan nóng, gây áp lực cho thận.

- Với 80-10 gam mít/ngày thì vẫn chưa đủ khuyến nghị của WHO về lượng quả chín cần ăn/ngày (200-300 gam), do vậy cùng với ăn mít mọi người nên ăn đa dạng các loại trái cây khác.

Không nên ăn quá nhiều mít cùng một lúc. (Ảnh minh họa)

- Không nên ăn mít lúc đói hoặc mới ăn no xong. Nên ăn mít sau khoảng 1-2 giờ sau khi ăn xong bữa chính. Điều này rất có lợi cho tiêu hóa, vì sẽ không bị khó tiêu, đầy bụng.

- Không nên ăn mít vào buổi tối vì gây khó tiêu. Hơn nữa, ăn mít nhiều vào buổi tối, sau đó nóng mồ hôi tiết ra nhiều, có mùi khó chịu không tốt cho giấc ngủ.

- Khi ăn mít, chú ý nhai từng múi thật kỹ, nhất là mít dai vì mít cứng, khó tiêu, nhai không kỹ sẽ gây đau dạ dày.

- Người bị rối loạn đường máu, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, suy thận mạn, sức khỏe yếu, người bị thừa cân, béo phì… cần hạn chế ăn mít.

Tóm lại, các chuyên gia cho rằng mít là trái cây tốt, có nhiều tác dụng cho sức khỏe nên mọi người hoàn toàn có thể sử dụng được. Điều quan trọng là cần ăn mít đúng cách như đã tư vấn ở trên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm