Loại quả vừa chua vừa chát, giá 650.000 đồng/kg khách vẫn mua ầm ầm

H.M
28/05/2022 - 10:00
Loại quả vừa chua vừa chát, giá 650.000 đồng/kg khách vẫn mua ầm ầm
Chúng ta vẫn quen với loại quả này khi chín, còn lúc quả còn xanh thì vẫn là món đặc sản đắt tiền và đắt khách.

Cứ đến tháng 4, khắp phố phường thường xuất hiện những xe chở loại quả màu tím đậm, chính là những quả măng cụt đến từ vùng Đông Nam Bộ. Măng cụt ngon nhất phải nhắc tới loại đến từ Bình Dương.

Măng cụt có vị chua chua ngọt ngọt, thơm ngon, có các múi mọng nước bên trong và có giá từ 45.000 đến 80.000 đồng/kg. Nhưng đó là loại măng cụt chín. Không nhiều người biết măng cụt xanh cũng có thể ăn được, thậm chí giá còn đắt đỏ hơn măng cụt chín rất nhiều.

Măng cụt xanh có vỏ màu xanh, ruột trắng giòn, vị chua và chát nhẹ. Giá măng cụt xanh khá đắt đỏ, từ 450.000 đến 650.000 đồng/kg nhưng lại được rất nhiều người lùng mua. Nếu như măng cụt chín là thức quà ngon ngọt giải nhiệt mùa hè thì măng cụt xanh lại là nguyên liệu không thể thiếu xuất hiện trong món gỏi nổi tiếng ở Bình Dương. Gỏi măng cụt xanh có hương vị lạ miệng, được chế biến kỳ công và không phải mùa nào cũng có thể thưởng thức.

Để có một đĩa gỏi măng cụt xanh ngon lành, từ bước chọn măng cụt xanh đến khi chế biến đều cần phải có sự tỉ mỉ, công phu. Muốn gỏi ngon thì phải chọn những trái măng cụt có vỏ xanh nhưng phải đủ độ già thì phần ruột bên trong mới giòn, có vị ngọt, chua, chát vừa phải. Măng cụt xanh khi thái ra để làm gỏi sẽ tạo thành những hình bông hoa đẹp mắt, khi trộn gỏi cũng không bị dập nát nên món ăn được đảm bảo tính thẩm mỹ, nhìn sẽ hấp dẫn hơn nhiều.

Quá trình sơ chế quả măng cụt xanh cũng được cho là công đoạn khó và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, sự khéo léo nhất của người làm. Vỏ măng cụt xanh khá cứng và nhiều mủ vàng. Khi thu hoạch xong, người ta ngâm trái vào nước muối loãng để bớt mủ, khi tách vỏ cũng dễ dàng hơn mà đảm bảo phần thịt bên trong vẫn trắng, giòn.

Sau đó, người chế biến phải tách vỏ quả dưới vòi nước xả liên tục cho sạch mủ và di chuyển dao cẩn thận để mủ không dính vào phần ruột trắng ngà bên trong. Phần "cơm" măng cụt vừa lấy ra đem ngâm vào chậu nước đá để giữ màu, đảm bảo độ giòn, giảm độ chát.

Ruột măng cụt được cắt thành những khoanh tròn, tạo thành những bông hoa trông rất xinh xắn. Sau đó đem đi ngâm với hỗn hợp giấm đường hoặc chanh để không bị thâm. Khi ăn, người ta mới vớt ra đem trộn với các nguyên liệu và gia vị khác để thưởng thức. Trải qua các công đoạn sơ chế kỳ công, tỉ mỉ nên phần thịt quả măng cụt vẫn giữ nguyên độ trắng, giòn và không bị dập nát, mềm nhũn.

Ở Bình Dương, món ăn này thường được kết hợp với thịt gà luộc để làm gỏi. Ngoài ra còn có các nguyên liệu khác như cà rốt thái sợi, hành tây, lạc rang, hành phi, rau răm,... Các nguyên liệu sau khi chuẩn bị xong sẽ được trộn đều với nước mắm tỏi ớt. Vị mềm, ngọt của thịt gà hòa quyện với vị ngọt thanh, hơi chua và chát nhẹ của măng cụt như tan dần trong khoang miệng, khiến bất cứ ai thưởng thức ngay lần đầu cũng đều có ấn tượng mạnh.

Trước đây, để thưởng thức món gỏi măng cụt xanh thì du khách phải đến tận Bình Dương hoặc tới các tỉnh Đông Nam Bộ. Nhưng hiện tại, vì được nhiều người yêu thích nên món ăn này được vận chuyển đến nhiều tỉnh và thành phố.

Ngoài ra nhu cầu mua măng cụt xanh về chế biến cũng tăng cao. Nhưng vì cách chế biến khá khó, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nên các tiểu thương thường sơ chế sẵn măng cụt xanh, đóng gói hút chân không rồi mới gửi máy bay tới thực khách mọi miền. Bởi vậy mà dù giá rất cao nhưng những bà nội trợ vẫn mua măng cụt xanh về để làm món gỏi nức tiếng này để gia đình cùng thưởng thức.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm