Loài rắn - đề tài huyền bí trong văn chương phương Tây

Ngữ Nam
01/02/2025 - 17:24
Loài rắn - đề tài huyền bí trong văn chương phương Tây
Trong văn hóa phương Đông, ở Trung Quốc có tích "Thanh Xà - Bạch Xà” nổi tiếng đã được phái sinh trong nhiều hình thức nghệ thuật. Ở Việt Nam, nổi tiếng huyền tích rắn báo oán mà được lưu truyền nhiều đời nay là chuyện về bà Nguyễn Thị Lộ - người vợ tài sắc vẹn toàn của Đại thi hào Nguyễn Trãi. Rắn là hình tượng loài vật thiêng trong văn hóa Ấn Độ, Thái Lan… và loài rắn cũng là một đề tài đầy huyền bí trong văn học phương Tây nhiều đời nay.

Hình tượng rắn thuở xa xưa

Trong Thánh Kinh, thuở sơ khai, hình tượng rắn không mang ý nghĩa về sự nham hiểm, hung bạo. Thượng đế tạo ra rắn và đó là loài vật hết sức tinh anh. Chỉ đến khi quỷ Satan đội lốt rắn để dẫn dụ Eva đến ăn trái cấm trong vườn địa đàng thì "tội lỗi" đổ lên đầu loài rắn và Thượng đế đã giận dữ trừng phạt để chúng trở thành loài bò sát thường khiến loài người sợ hãi, tấn công hoặc tránh xa. Điều đó giải thích vì sao trong các bức tượng Đức Mẹ đều khắc họa hình tượng Người đang đạp lên loài rắn cũng đang cố sức để tấn công đáp trả.

Dựa trên cốt truyện của Kinh Thánh, năm 1667, nhà thơ người Anh John Milton đã cho ra đời thiên sử thi bằng thơ không vần mang tên "Paradise Lost" (Thiên đường đã mất). Tác phẩm này đã giải oan cho loài rắn khi miêu tả rõ quá trình Satan trong hình dạng một màn sương đột nhập vào vườn địa đàng rồi nhập vào một con rắn đang ngủ - là con vật tinh ranh nhất trong muôn loài. Buổi sáng con rắn tìm Eve rồi dụ dỗ Eve ăn trái cấm từ cây Nhận thức. Con rắn nói rằng nàng sẽ không chết và rằng nhờ trái cấm này mà nó có được lời nói cũng như trí khôn. Eve bị mắc lừa của kẻ thù đã ăn trái cấm và đi tìm Adam. Người chồng yêu Eve say đắm đã quyết định làm theo vợ của mình. Ăn trái cấm xong họ cảm thấy một cơn say: Nhận thức đánh mất sự sáng tỏ còn trong tâm hồn thức dậy một dục vọng mà sau đó cảm thấy chán nản và xấu hổ. Cả Adam và Eve hiểu rằng Con Rắn đã lừa dối họ và họ tự trách nhau.

Nữ quỷ Medusa trong thần thoại Hy Lạp

Nữ quỷ Medusa trong thần thoại Hy Lạp

Ở vùng đất Lưỡng Hà (Tây Á) cho đến ngày nay vẫn truyền đời truyền thuyết về vị thần Enki thời cổ đại. Ông là vị thần được miêu tả là đầu người mình rắn, có nhiều quyền năng, được ví như "cha đẻ" của loại người. Thông thái là thế nhưng chính thần Enki cũng có khi mờ mắt, liên tục phạm sai lầm. May mắn là ông có một người vợ đầy bao dung và nhờ vậy đã vượt qua kiếp nạn, tiếp tục sứ mệnh sáng tạo và cứu rỗi loài người.

Trong thần thoại Hy Lạp và Bắc Âu, rắn biểu tượng cho cái ác. Thế nhưng có một điều mà nhân loại không thể phủ nhận là sức mạnh, sức sinh sản của loài rắn. Trong những cơn đại hồng thủy khủng khiếp, rắn luôn là một trong những loài vật sống sót. Người dân trong xã hội mẫu hệ tôn thờ vật tổ rắn vì tôn kính khả năng sinh sản và sức sống mãnh liệt của loài rắn là vì thế. Bộ truyện thần thoại đầy đủ của Hy Lạp cũng mô tả loài rắn như một biểu tượng của sự trường sinh, chữa lành.

Cũng trong thần thoại Hy Lạp, xuất hiện nhân vật nữ quái Medusa với mái tóc rắn và khả năng hóa đá bất kỳ ai dám nhìn vào. Thế nhưng, đi sâu vào cuộc đời Medusa cũng có nhiều uẩn khúc. Nàng vốn là một thiếu nữ có nhan sắc diễm lệ và rất mực tôn kính nữ thần Athena. Dưới sự truy bức của thần biển Poseidon, Medusa đã tới đền thờ của nữ thần Athena với hy vọng được che chở nhưng cuối cùng, chuyện không hay giữa nàng và thần biển đã diễn ra tại đây. Vì tức giận trước hành vi làm vấy bẩn đền thờ của mình, Nữ thần Athena đã trừng phạt Medusa, biến nàng Medusa thành hình dạng gớm ghiếc với mái tóc có những con rắn ngoe nguẩy, tay làm bằng đồng với móng sắc hơn dao. Kể từ đó Medusa trở thành nữ quỷ khủng khiếp, chuyên đi làm hại người nhưng tuyệt nhiên không đe dọa đến những người phụ nữ.

Thi sĩ Publius Ovidius Naso ra đời vào năm 43 TCN trong một gia đình La Mã thượng lưu. Lớn lên trong một thời đại bình yên dưới triều Augustus, Ovid lừng danh với tác phẩm "Ars Amatoria" (Nghệ thuật yêu đương). Trong một tác phẩm khác được coi là kiệt tác của ông, thiên anh hùng ca Metamorphoses (Biến thể), có chi tiết nhân vật Cadmus, sau khi giết một con rắn, "cảm thấy da mình cứng lại khi vảy mọc ở đó, trong khi những mảng xanh đậm bao phủ cơ thể của mình. Anh ta nằm sấp lại, và dần dần hai chân hợp lại với nhau...".

Đại thi hào, nhà triết học lỗi lạc người Đức Johann Wolfgang Von Goethe sinh thời đã sáng tác nhiều câu chuyện mang tính cổ tích giá trị. Trong đó phải kể đến câu chuyện mang tên "The Green Snake and the Beautiful Lily" (Con rắn xanh và Lily xinh đẹp). Trong truyện này, hình tượng con rắn chấp nhận hy sinh, hiến tế để hoàn thành sứ mệnh bắc cầu cho hạnh phúc của một hoàng tử và một cô gái vướng phải lời nguyền tai ác.

Những "nhân vật" rắn nổi tiếng thế giới

Nhiều tên tuổi nổi tiếng của làng văn học, nghệ thuật đương đại trên thế giới đã đưa hình tượng rắn vào trong các tác phẩm. Có thể kể đến vở bi kịch "Antony và Cleopatra" của William Shakespeare. Trong tác phẩm này, kịch tác gia nổi tiếng người Anh mô tả cái chết của Cleopatra - Nữ hoàng sông Nile là do bị một con rắn mào (rắn hổ mang) cắn. Con rắn này được lén mang vào phòng ngủ của bà trong một chiếc giỏ đựng sung.

Chú trăn khổng lồ 100 tuổi Kaa trong tác phẩm “Cậu bé rừng xanh”

Chú trăn khổng lồ 100 tuổi Kaa trong tác phẩm “Cậu bé rừng xanh”

Trong tác phẩm "The Jungle Book" ("Chuyện rừng xanh" hay "Cậu bé rừng xanh") của nhà văn người Anh - Rudyard Kipling, nhân vật cậu bé Mowgli có một người bạn thân là một chú trăn khổng lồ 100 tuổi tên Kaa. Khi Mowgli bị khỉ bắt, Kaa đã giải cứu cậu bằng cách thôi miên lũ khỉ. Trong những tình huống nguy nan, Kaa luôn có cách giải quyết hữu ích.

Trong tủ sách văn chương thế giới còn có những cuốn đào sâu vào cụ thể các loài rắn khác nhau. Hầu hết các tác phẩm này đều có nhân vật xuyên suốt là một chú rắn được xây dựng với hình ảnh phiêu lưu và đồng hành với con người. Tiểu thuyết "The Little Snake" (Chú rắn nhỏ) của A.L Kennedy kể về một nhân vật nữ cùng với người bạn thân là chú rắn vàng tên Lanmo với những thông điệp về tình bạn, tình yêu.

Những người hâm mộ bộ truyện "Harry Potter" của nữ nhà văn J.K Rowling có lẽ không quên được vô số những sinh vật kỳ bí, gây mê hoặc trong đó có con rắn Nagini - một sinh vật tàn ác và cũng là thú cưng của Chúa tể hắc ám Voldemort. Nagini sở hữu trí thông minh vượt bậc hơn hẳn so với loài rắn. Thân phận của nhân vật này sau đó được tiết lộ là một nữ phù thủy biến hình. Tên gọi Nagini xuất phát từ Ấn Độ giáo chỉ một loài rắn hổ mang và trong tiếng Phạn Nagini nghĩa là loài rắn cái. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm