pnvnonline@phunuvietnam.vn
Loại thịt ít béo hơn thịt gà, ai cần giảm mỡ càng nên ăn
Bài viết dưới đây là chia sẻ của BS CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng khoa khám bệnh ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM về lợi ích, cách sử dụng thịt vịt cũng như những lưu ý khi ăn để tránh tác dụng phụ:
BS CK2. Huỳnh Tấn Vũ cũng là giảng viên Đại học Y Dược TPHCM.
Ăn thịt vịt bổ dưỡng cho cơ thể thế nào?
Về mặt giá trị dinh dưỡng, thịt vịt được đánh giá là một trong những nguồn cung cấp protein dồi dào, là nhóm chất chính tạo thành cấu trúc của tế bào và ảnh hưởng đến sự phát triển về cân nặng, chiều cao và trí não con người. Giống như thịt gà, thịt vịt thuộc nhóm thịt trắng và tốt hơn so với nhóm thịt đỏ (thịt heo, thịt bò). Thịt vịt ít cholesterol hơn hẳn các loại thịt đỏ, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Theo Bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam, trong 100 g thịt vịt chứa 337kcal, 19 g protein, 290 mg Omega 3, 3.360 mg Omega 6 và nhiều vitamin (B3, B2, B1, B5, B6, K, B12, A, E, Folate). Thịt vịt vòn chứa các khoáng chất như selen, phốt pho, sắt, kẽm, đồng, kali, magie, natri, canxi, mangan. Như vậy, về mặt thành phần dinh dưỡng, thịt vịt khá bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe.
Theo y học cổ truyền, thịt vịt vị ngọt, mặn, tính mát, có tác dụng bổ dưỡng, thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu thũng, giải độc. Người cơ thể suy nhược, sốt, chán ăn, thể trạng gầy yếu dùng thịt vịt bồi bổ rất tốt. Thịt vịt đực nấu nhừ với gạo tẻ thành cháo, thêm vỏ quýt, gừng, hành trắng, muối, ăn hàng ngày chữa nóng trong, miệng khô háo khát, đi tiểu nhiều ở người cao tuổi. Hoặc thịt vịt (100-200 g) hầm với gừng tươi, ăn làm thuốc bổ âm, bổ dạ dày, giải độc, trừ tả lỵ. Thịt vịt hầm với nhân hạt hồ đào và đường phèn, ăn liên tục 3 ngày, chữa thở khò khè; Cũng có thể hầm thịt vịt với đông trùng hạ thảo hoặc hạt khiếm thực (15g) chữa tiểu đường; với sa sâm (30g), ngọc trúc (30g), chữa cơ thể suy nhược sau khi ốm dậy.
Giá trị dinh dưỡng của thịt vịt được đánh giá cao. (Ảnh minh họa)
Những bộ phận nên và không nên ăn của con vịt
Các phần thịt ở các vị trí khác nhau sẽ có giá trị dinh dưỡng khác nhau về lượng protein, lượng mỡ và thành phần mỡ. Phần lườn, bụng chứa nhiều protein và ít cholesterol nhất, còn nội tạng, đùi, cánh, cổ lại chứa nhiều cholesterol xấu hơn. Nội tạng tuy có giá trị dinh dưỡng nhưng đi kèm với nhiều nguy cơ như dư lượng thuốc trong quá trình chăn nuôi, giun sán, vi khuẩn, virus gây hại. Phao câu không nên ăn vì nơi tập trung của tuyến dịch bạch huyết, nơi chứa đại thực bào, phao câu giống như kho chứa vi khuẩn.
Cần lưu ý, đùi và cánh vịt là hai vị trí hay được chọn để tiêm phòng trong quá trình nuôi nên không thể loại trừ việc dư lượng tồn dư thuốc trong thịt gia cầm.
Trên cơ thể con vịt, xét về giá trị dinh dưỡng thì phần ức là tốt nhất. Ức vịt có hàm lượng chất béo thấp (2 g, trong đó chỉ có 0,5 g là chất béo bão hòa) cho mỗi 85 g thịt. Lượng chất béo này thấp hơn so với lượng chất béo có trong ức gà (3 g chất béo tổng và có 1 g chất béo bão hòa).
Chân vịt và đùi vịt có tổng lượng chất béo cao hơn (trung bình 5 g chất béo với mỗi 85 g thịt), tuy nhiên, chân vịt vẫn có ít chất béo hơn so với đùi gà không da. Thịt vịt là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh và ít có khả năng gây béo phì đối với cơ thể con người. Đây cũng là loại thực phẩm được chọn nhiều trong các chế độ ăn kiêng - giảm mỡ.
Ức vịt được coi là phần thịt có lợi cho sức khỏe nhất. (Ảnh minh họa)
Ăn da vịt có béo không?
Calo trong da vịt và thịt vịt không có khác biệt quá lớn. Da gà có thể gây hại cho sức khỏe con người bởi hàm lượng chất béo bão hòa cao (trong 30 g da gà chứa 8 g chất chất béo chưa bão hòa và 3 g chất béo bão hòa), đồng thời còn có nhiều omega-6, dễ làm tăng nguy cơ bị viêm trong cơ thể. Trong khi đó, da vịt là nguồn cung cấp Glycine - một loại acid amin quan trọng và có nhiều vai trò trong cơ thể, ví dụ như chữa lành vết thương, thúc đẩy một giấc ngủ ngon... Mỗi 100 g thịt vịt (tính luôn da) có thể cung cấp khoảng 1.614 mg loại acid amin này.
Ai cần thận trọng khi ăn thịt vịt?
Những người mắc bệnh gút không nên ăn thịt vịt vì có lượng purin cao có thể làm tăng cao axit uric trong cơ thể. Cứ 100 g thịt vịt có 128 mg purin được chuyển hóa thành acid uric. Trong khi đó, khuyến cáo cho người bệnh gút cấp tính chỉ nên sử dụng tối đa 135 - 150 mg/100 g. Do đó, người bệnh gút mạn tính không nên ăn thịt vịt
Do thịt vịt có tính mát, tác dụng bổ âm nên những người dương hư tỳ nhược, ngoại cảm chưa khỏi hẳn tạm thời chưa nên ăn. Người có thể trạng hàn lạnh thì nên hạn chế ăn thịt vịt, bởi sau khi ăn vào có thể sẽ lạnh bụng, dẫn đến cảm giác chán ăn, đau bụng, tiêu chảy hoặc các dấu hiệu tiêu hóa bất lợi khác. Người ốm yếu nên ăn thịt gà hơn là thịt vịt.
Thịt vịt cung cấp nhiều dinh dưỡng và là nguyên liệu cho không ít món ăn ngon, tuy nhiên cần lưu ý tình trạng sức khỏe bản thân để có lựa chọn lượng ăn phù hợp. Các trường hợp bệnh lý chế độ dinh dưỡng nên theo tư vấn của thầy thuốc.