Loạt thói quen ăn uống mùa hè dễ khiến cơ thể nhiễm giun sán

Tuấn Minh
14/05/2023 - 15:22
Loạt thói quen ăn uống mùa hè dễ khiến cơ thể nhiễm giun sán
Nếu bạn có những thói quen ăn uống dưới đây, tốt nhất nên thay đổi để giun sán không có điều kiện "làm tổ" trong cơ thể.

Trong cuộc sống hàng ngày, bạn được thưởng thức vô số món ăn khoái khẩu. Nhưng rất có thể trong số đó, có những món làm tăng nguy cơ nhiễm giun sán. Nhất là vào mùa nắng nóng.

Theo TS Từ Ngữ (Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam), vào mùa hè, thời tiết nóng bức khó chịu, nhiều người thích tìm đến những món ăn mát mẻ, dạng tái sống nhiều hơn, rau cũng ăn sống nhiều hơn... Đó chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc gia tăng nhiễm giun sán vào mùa hè.

Trường hợp người bị tự nhiễm ấu trùng sán hoặc nhiễm do thức ăn không vệ sinh có lẫn trứng sán thì những ấu trùng sán này sẽ vào não, mắt, cơ, da... Nếu sán làm tổ ở mắt có thể khiến lồi nhãn cầu gây lác mắt, nhìn đôi, làm bong võng mạc gây giảm thị lực, có thể bị mù. Khi sán chạy vào não, bạn có thể bị nhức đầu, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, giảm trí nhớ. Sán làm ổ trong tim sẽ gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng van tim, dẫn đến suy tim...

Do đó, nếu bạn có những thói quen ăn uống dưới đây, tốt nhất nên thay đổi để giun sán không có điều kiện "làm tổ" trong cơ thể:

4 thói quen ăn uống thường gặp vào mùa hè khiến cơ thể nhiễm giun sán

1. Uống nước ép rau củ

Loạt thói quen ăn uống dễ nạp giun sán vào người thường hay gặp vào mùa hè - Ảnh 2.

Vào mùa hè, nhiều chị em có xu hướng làm đồ uống detox hay còn gọi là nước thanh lọc cơ thể. Những món nước này cung cấp vitamin, khoáng chất cho đẹp da, giảm mỡ. Mùa hè nóng bức là thời điểm rất hợp lý để làm nước detox từ rau củ quả tươi vì còn giúp giải nhiệt cơ thể.

Tuy nhiên, theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM, rau tươi có chứa rất nhiều loại ký sinh trùng như giun kim, giun tóc, giun móc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ... Nhất là các loại rau trồng gần khu vực có nguồn nước, đất bị ô nhiễm.

Thêm nữa, các loại giun sán hoặc trứng của chúng và các loại ký sinh trùng có trong rau củ quả thường có kích thước rất nhỏ, khó quan sát bằng mắt thường. Do đó, nếu như bạn sơ chế không sạch sẽ, nguồn thực phẩm kém chất lượng, giun sán dễ xâm nhập vào cơ thể khi bạn uống nước ép hoặc ăn sống.

Đối với các loại củ quả, tỷ lệ nhiễm giun sán hoặc các ký sinh khác là có nhưng không cao so với rau xanh. Vì các loại củ quả có lớp vỏ bảo vệ, khi gọt vỏ chúng ta chỉ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ tay, các dụng cụ sơ chế và chế biến.

2. Ăn rau sống

Loạt thói quen ăn uống dễ nạp giun sán vào người thường hay gặp vào mùa hè - Ảnh 3.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 172 ca bệnh áp xe gan do sán lá gan lớn. Tất cả ca bệnh đều có thói quen ăn rau sống.

Có thể nói, những loại rau sống ăn kèm thịt cá... vào mùa hè rất ngon miệng, mát lành nhưng cũng dễ khiến cơ thể nhiễm giun sán. 

Theo TS Từ Ngữ, các loại ký sinh trùng phổ biến trong rau sống là giun kim, giun móc, giun tóc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip… trú ngụ rất nhiều trong những loại rau sống như rau ngổ, mùi ta, mùi tàu… Chưa kể, rau sống còn là môi trường chứa lượng lớn các loại trứng, ấu trùng giun sán như giun móc, giun đũa, sán lá gan..

3. Ăn thịt tái, sống

TS Từ Ngữ nhận định, vào mùa hè, nhiều người có thói quen ngồi nhậu lai rai. Những món như nem chua, nem chạo... rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, chúng có thể khiến bạn nạp cả búi sán vào người.

Thịt chưa được nấu chín kỹ nói chung đều có nguy cơ nhiễm sán rất cao. Nguyên nhân bởi, ký sinh trùng như giun sán có thể tồn tại trong thức ăn nấu chưa chín như thịt bò, thịt lợn, cá, cua, ếch...

4. Ăn tiết canh

Loạt thói quen ăn uống dễ nạp giun sán vào người thường hay gặp vào mùa hè - Ảnh 4.

 

Vào mùa hè nóng nực, nhiều người hay rủ nhau đi ăn tiết canh cho mát. Nó cũng là món ăn khoái khẩu đối với người Việt từ rất lâu đời. Tuy nhiên, BS Nguyễn Trung Cấp (Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, tiết canh chứa rất nhiều mầm bệnh, làm tăng nguy cơ nhiễm giun sán cũng như bệnh đường tiêu hóa, viêm não...

Chuyên gia nhấn mạnh, tiết canh không phải là thực phẩm giải nhiệt như nhiều người nghĩ. Ăn tiết canh thấy mát không đồng nghĩa với việc món này giúp giải nhiệt cơ thể vào mùa hè. Tất cả những loại tiết canh như tiết canh lợn, dê, vịt... thực chất đều là máu sống, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh. Nhiều người cho rằng ăn tiết canh nhà nuôi, tự làm nên không bị nhiễm sán thì quá sai lầm. Trong thực tế, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm các loại ký sinh trùng có tổn thương ở não.

Giới chuyên gia lên tiếng cảnh báo, mỗi người cần đảm bảo ăn chín uống sôi. Hạn chế tối đa thói quen ăn đồ tái sống. Tốt nhất là nên bỏ hẳn. Trước khi nấu nướng cần rửa sạch thực phẩm, rửa kỹ nhiều lần. Rửa tay thật sạch với xà phòng diệt khuẩn trước và sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn... Móng tay, móng chân sạch sẽ. Vệ sinh nhà ở, vườn tược sạch gọn. Tẩy giun cho thú cưng và đừng quên tẩy giun định kỳ 6 tháng mỗi lần.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm