Lời giải cho bài toán thiếu thuốc trong bệnh viện: (Bài 2) Phải gỡ từ cơ chế

Linh Trần
03/09/2022 - 09:52
Lời giải cho bài toán thiếu thuốc trong bệnh viện: (Bài 2) Phải gỡ từ cơ chế

Người dân mua thuốc tại nhà thuốc. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện không thể khắc phục được trong ngày 1 ngày 2. Bên cạnh cách xử lý tình thế thì giải pháp căn cơ phải sửa đổi các rào cản từ các văn bản pháp luật.
Bất cập chuyện đấu thầu

Thực tế, các cơ sở y tế, BV là nơi trực tiếp thực hiện việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế nên họ sẽ hiểu được vướng mắc ở khâu nào. Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), cho rằng, mua dao giá rẻ hay tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế chủ yếu là bởi vướng quy định về đấu thầu. Ngành y, với các chuyên khoa đặc biệt, cần những thiết bị y tế tốt, độ chính xác cao... nhưng theo quy định lại phải "mua với giá rẻ nhất", hỏi làm sao có được "thiết bị tốt nhất", bác sĩ Thức nói.

Hơn nữa, quy trình đấu thầu hiện nay của các BV đều căn cứ vào số lượng tiêu thụ, danh mục thuốc hàng năm để lên kế hoạch mua sắm. Sau đó, mặt hàng giá rẻ nhất sẽ trúng thầu. Chính giá trúng thầu đó lại trở thành giá kế hoạch cho năm sau. Trong khi đó, nguyên lý của đấu thầu là giá trúng thầu không được cao hơn giá kế hoạch khiến những công ty có thuốc chất lượng tốt, giá cao sẽ không thể tham gia cuộc đua. Hoặc theo quy định tại Điều 11, Thông tư 58/2016 của Bộ Tài chính yêu cầu phải đủ 3 báo giá mới xây dựng kế hoạch mua sắm được. Tuy nhiên, có những mặt hàng độc quyền hoặc hãng chỉ có 1-2 đại diện ở một quốc gia, không đủ báo giá theo quy định, không thể nào mua sắm nổi. "Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay thì nguồn cung đứt gãy, trong khi những quy định của luật hiện hành có nhiều mục không còn phù hợp với thực tế nữa. Điều này đã ảnh hưởng đến việc mua sắm, bàn giao thuốc, vật tư y tế của các cơ sở y tế", bác sĩ Thức chia sẻ.

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng, trong vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Theo đó, nguyên nhân khách quan là do dịch Covid-19 cắt chuỗi cung ứng thuốc toàn cầu, do vậy Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Sau dịch, người bệnh đổ về các cơ sở y tế tăng đột biến không đảm bảo cung ứng, thiếu nguồn cung ứng dược liệu từ Trung Quốc. Về nguyên nhân chủ quan, đó là cơ chế pháp lý, thể chế chưa rõ ràng, minh bạch, cụ thể; các cơ sở khám bệnh chưa có hành lang pháp lý. Năng lực tham gia đấu thầu còn hạn chế, người tham gia phải am hiểu về trang thiết bị, thuốc và quy định đấu thầu dẫn đến tâm lý e ngại. Ngoài ra, giá thuốc tăng cao, trong khi tiêu chí mời thầu thấp thì doanh nghiệp không thể tham gia thầu…

Đợi sửa nghị định, thông tư

Về giải pháp hạn chế tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho rằng, Bộ Y tế cũng như các đơn vị liên quan cần phải thay đổi cách lựa chọn đơn vị trúng thầu. Bởi lẽ, việc mua sắm hàng hóa, hóa chất, vật tư đều xoay quanh giá. "Giá mua sắm trong y tế không nên chọn giá thấp nhất mà cần quy định rõ chọn giá hợp lý nhất phù hợp với điều kiện của từng cơ sở, từng chuyên khoa. Đồng thời, các BV từ hạng 1 đến hạng đặc biệt được phép lựa chọn nhà sản xuất để mua sắm thiết bị y tế phù hợp với các bệnh chuyên sâu. Vì thường các thương hiệu lớn mới có máy tốt phục vụ điều trị các bệnh lý chuyên sâu", bác sĩ Nguyễn Tri Thức kiến nghị.

Còn theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc BV Tai Mũi Họng TƯ , theo quy định giá đấu thầu năm nay phải thấp hơn giá của 12 tháng trước đó. Như vậy, là thực hiện đấu thầu theo kiểu đi ngược lại quy luật thị trường, ví như dây truyền dịch giá rẻ thì chất lượng sẽ không như giá đắt. Chính những vướng mắc về pháp lý chưa được tháo gỡ khiến hầu như các cơ sở y tế e ngại. Do đó, bác sĩ Cảnh kiến nghị, cơ quan quản lí cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, hướng dẫn và xây dựng giá, kế hoạch để đảm bảo cho các cơ sở y tế có thể mua sắm được. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống văn bản, quy trình và sớm ban hành các văn bản về đấu thầu để các BV có cơ sở thực hiện.

Giá mua sắm không nên là “giá thấp nhất”. Thay vào đó, cơ quan quản lý cần quy định rõ là giá “hợp lý nhất” dựa trên nhu cầu điều trị thực tế. Ngành y với mục đích cuối cùng là đem lại kết quả tốt nhất khi chữa trị trên người nên những dụng cụ sử dụng trong ngành y cần phải đạt được những tiêu chuẩn. Người chấm thầu vật tư y tế cần phải đặt những thứ tự ưu tiên khi chọn thầu như sau: 1/ an toàn, 2/ chất lượng, 3/ giá cả; không thể để “giá cả” là thứ tự ưu tiên hàng đầu để chọn một sản phẩm sử dụng trên người.

Bác sĩ Vũ Hồng Nguyên, Viện nghiên cứu City of Hope, California, Hoa Kỳ

Các chuyên gia y tế cho rằng, cần kết hợp các giải pháp trước mắt và các giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Theo Bộ Y tế, để giải quyết trước mắt những vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, Bộ đã xây dựng tờ trình đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Về lâu dài là sửa các nội dung liên quan trong luật Đấu thầu, Thông tư 14 về đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập.

Liên quan đến vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, tại hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân" diễn ra ngày 22/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, đầu tiên phải sửa Nghị định 98, Thông tư 14 liên quan trang thiết bị và Thông tư 15 liên quan đến đấu thầu thuốc,…

Ngoài ra, dự án luật Đấu thầu sửa đổi dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, trong đó, có một chương riêng về đấu thầu thuốc. Đây sẽ là biện pháp công khai, minh bạch, khắc phục những vướng mắc trong đấu thầu thuốc thời gian qua, đại diện Bộ Y tế cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm