Lời giải cho bài toán thiếu thuốc trong bệnh viện: (Bài 1) Đằng sau câu chuyện “dao mổ rạch 3 lần da mới đứt”

Linh Trần
01/09/2022 - 09:30
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, 50% cơ sở y tế từ Trung ương đến cơ sở đang trong tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Tình trạng này đã kéo dài nhiều tháng qua. Thủ tướng Chính phủ đã có những đôn đốc, chỉ đạo nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều bởi có nguyên nhân sâu xa là vướng cơ chế.

Theo Bộ Y tế, qua báo cáo của các địa phương, đơn vị, có hơn 50% cơ sở y tế từ TƯ đến địa phương đều đang trong tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Cụ thể, có 28/34 sở y tế và 12/21 BV tuyến TƯ báo cáo có tình trạng thiếu thuốc. 

Các loại thuốc thiếu gồm kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền. Ngoài ra, có 26/34 sở y tế và 15/21 BV tuyến TƯ báo cáo có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14/34 sở y tế và 8/21 BV tuyến TƯ báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế.

Bệnh nhân có bảo hiểm mất quyền lợi

Bà Nguyễn Thị Thu Thảo (74 tuổi, trú tại TP Nam Định) cho biết, bà đang điều trị ung bướu tại một BV ở Hà Nội. Quá trình điều trị, bà được cấp phát thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, khi tiêm truyền, bà phải tự đi mua kim tiêm, dây truyền bên ngoài. Nhân viên cho biết, thời điểm hiện tại BV đã hết nhiều hạng mục vật tư y tế nên bệnh nhân phải tự mua. Vì thế, bà phải ra hiệu thuốc tự mua kim tiêm, dây truyền dịch đưa cho nhân viên tế để truyền cho mình dù đây là vật tư trong danh mục được BHYT chi trả.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lành (trú tại Hà Nam) bị đái tháo đường và đến khám tại một BV lớn tại Hà Nội. Sau khi thăm khám, bà được bác sĩ kê đơn 3 loại thuốc uống. Tuy nhiên, nhân viên nhà thuốc BV cho biết, do BV thiếu thuốc nên 2/3 loại thuốc là Insulin và thuốc uống điều trị tiểu đường phải tự mua ngoài dù đều nằm trong danh mục BHYT chi trả. Với đơn thuốc này, mỗi tháng, bà phải bỏ ra khoảng 450.000 đồng, một số tiền khá lớn so với người dân ở khu vực nông thôn. "Tôi có thẻ BHYT nhưng vẫn phải bỏ tiền mua thuốc ngoài, vậy thẻ này có giá trị gì chứ? Chúng tôi mong muốn các cấp nhanh chóng tháo gỡ khó khăn để người bệnh chúng tôi bớt khổ, chứ riêng tiền mua thuốc ngoài mỗi tháng, tôi đã mất khoảng 80kg thóc", bà Lành chia sẻ.

Lời giải cho bài toán thiếu thuốc trong bệnh viện - Đằng sau câu chuyện “dao mổ rạch 3 lần da mới đứt” (bài 1) - Ảnh 1.

Các bác sỹ thực hiện một ca phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Tuấn Anh

Không chỉ tại Hà Nội, nhiều cơ sở y tế thuộc các tỉnh, thành khác cũng diễn ra tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế. Mới đây, BV Đa khoa vùng Tây Nguyên (đóng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk) cũng thừa nhận có tình trạng người bệnh phải đi mua dao mổ bên ngoài. Rõ ràng trong những trường hợp này, quyền lợi của người có thẻ BHYT bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia, khi thiếu thuốc BHYT, người bệnh phải bỏ tiền mua thuốc ở ngoài, bù đắp thuốc thiếu do không có đủ nguồn thuốc, làm ảnh hưởng đến công bằng đối với người bệnh, an sinh xã hội.

Bệnh viện phải chuyển mẫu xét nghiệm, gửi bệnh nhân

Câu chuyện "dao mổ giá rẻ rạch 3 lần da mới đứt" được Giám đốc BV Chợ Rẫy (TPHCM) chia sẻ tại hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" tổ chức vào ngày 21/8 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều ngày qua. Ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết, thực trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế thời gian qua đã ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh. Có nhiều nguyên nhân, nhưng lý do chính vẫn là các quy định liên quan đến đấu thầu. Thực tế, các hàng hóa phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng và kèm theo đó là giá cả sẽ tương đương. Tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ cho phép chọn giá rẻ nhất khi mua sắm nên sẽ khó có hàng hóa tốt, phù hợp với mô hình, tính chất bệnh tật. "Bác sĩ của chúng tôi đã từng bức xúc phản ánh dao đấu thầu giá rẻ chất lượng không tốt. Trước đây, chúng tôi dùng dao giá tốt, chỉ cần rạch 1 đường, nhưng hiện trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt", bác sĩ Thức chia sẻ.

Theo Sở Y tế Đắk Lắk, lý do xảy ra thiếu thuốc, vật tư y tế ở BV Đa khoa vùng Tây Nguyên đó là nhiều mặt hàng kê khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế nhưng không ghi rõ giá thành nên BV khó có thể tổ chức đấu thầu. Thậm chí, nhiều công ty còn không tham dự đấu thầu vì không có hàng, giá phê duyệt thấp. Ngoài ra, nguồn cung nhiều mặt hàng y tế chỉ có thể nhập khẩu nhưng chuỗi cung cấp lại đang đứt gãy…

Còn theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc BV Tai Mũi Họng TƯ, mỗi ngày, BV phải thực hiện từ 80-100 ca phẫu thuật. Tuy nhiên, do xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, hoá chất và trang thiết bị đã khiến BV phải chuyển bệnh nhân sang các nơi khác để thực hiện dịch vụ kĩ thuật như chụp CT, MRI, giải phẫu bệnh. "Đã có tình trạng bệnh nhân xin ra viện hoặc chuyển đến BV khác để điều trị. Ngoài ra, BV cũng phải áp dụng kĩ thuật, phương pháp cũ để điều trị cho người bệnh", PGS. Phạm Tuấn Cảnh chia sẻ.

Tương tự, BV Bạch Mai cũng thiếu thuốc, vật tư y tế trầm trọng dù đây là BV hạng đặc biệt. Theo PGS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế là do số bệnh nhân nhập viện thời gian qua tăng đột biến gấp 5 lần khiến vật tư dự trù không đủ. Hơn nữa, dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng thuốc của doanh nghiệp. Nhiều mặt hàng không có nhà thầu tham dự do không có hàng, giá tăng cao không có lợi nhuận, không đạt kỹ thuật.

Tại Thái Nguyên, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng vật tư y tế cũng xảy ra trong thời gian qua. Bà Lưu Thị Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên thừa nhận, trên địa bàn tỉnh có tình trạng gián đoạn cung ứng một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế ở một số đơn vị, nhất là ở BV A Thái Nguyên (BV hạng 1 của tỉnh). Do gián đoạn cung ứng một số vật tư, hóa chất xét nghiệm, trong thời gian chờ kết quả đấu thầu mua bổ sung, BV A Thái Nguyên đã phải ký hợp đồng, chuyển mẫu xét nghiệm cho BV TƯ Thái Nguyên hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn, nguyên chuyên gia BV Chợ Rẫy cho rằng, việc dao mổ cắt không đứt da là việc có thật. Thậm chí, có khi thay lưỡi dao đến 3 lần mới rạch da được. Theo bác sĩ Sơn, hiện nay công tác đấu thầu rất có vấn đề. Ví như, nẹp vít mổ cột sống là những hệ thống liên hoàn, từ dụng cụ hỗ trợ như kìm, khoan, cây vít, mũ vít, thanh dọc... tất cả đều phải tương thích với nhau theo từng hệ thống của từng hãng chứ không thể có chuyện "râu ông nọ cắm cằm bà" kia được. Vậy mà có đơn vị trúng thầu vít của hãng A, mũ vít của hãng B, thanh dọc của hãng C. Vì thế, nhiều người nhà bệnh nhân khi vào BV đã phải tự mua các dụng cụ y tế và trả tiền trực tiếp cho người bán. "Ngành y cần phải thay đổi các lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị y tế, thuốc men như hiện nay, nếu không cả BV và người bệnh đều khổ" bác sĩ Sơn chia sẻ.

Bài sau: Phải gỡ từ cơ chế

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm