Bệnh viện hạng đặc biệt cũng thiếu thuốc men, vật tư y tế

Linh Trần
17/08/2022 - 18:39
Bệnh viện hạng đặc biệt cũng thiếu thuốc men, vật tư y tế

Thời gian qua tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế xảy ra tại nhiều BV. Ảnh minh họa

Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TƯ là BV chuyên khoa tuyến, còn BV Bạch Mai là BV hạng đặc biệt. Tuy nhiên, cả 2 BV này đều xảy ra tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế.

Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế, BV Tai Mũi Họng TƯ cho biết, thời gian qua BV cũng đã xảy ra tình trạng thiết thuốc, vật tư y tế.

Theo báo cáo, BV có 350 giường. Giai đoạn cao điểm mùa hè, công suất tối đa giường bệnh là 98%-100%. Mỗi ngày, 10 phòng mổ của BV thực hiện từ 80-90 ca mổ.

Tuy nhiên, do xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, hoá chất và trang thiết bị đã khiến BV phải chuyển bệnh nhân sang các nơi khác để thực hiện dịch vụ kỹ thuật như chụp CT, MRI, giải phẫu bệnh.

Ngoài ra, việc sử dụng một số thiết bị chẩn đoán hình ảnh cũng gặp khó khăn do trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng. Nguyên nhân do các thiết bị này chỉ có một nhà phân phối tại khu vực phía Bắc, không cung cấp được hợp đồng tương tự, không có đủ báo giá để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Hơn nữa, một số mặt hàng chưa có giá kê khai trên Cổng thông tin của Bộ Y tế theo Nghị định 98/2021/NĐ-CP, xác định giá kế hoạch xây dựng theo quy định hiện hành.

Còn theo báo cáo của BV Bạch Mai, mỗi ngày BV tiếp nhận 6.500-8.000 lượt bệnh nhân đến thăm khám, khoảng 10% trong số đó phải nhập viện. Số bệnh nhân điều trị nội trú khoảng 4.000 người. Chỉ 6 tháng đầu năm, BV đã thực hiện gần 250.000 ca thủ thuật; trên 8.900 ca phẫu thuật, chưa kể các kỹ thuật cao được triển khai, trong đó có ghép tạng.

BV cũng cho biết, đã có 18 công ty trúng thầu thuốc, vật tư nhưng chưa cung ứng đủ theo đơn đặt hàng của BV. Trong đó, một số thuốc thiết yếu thiếu ceftriaxone, cefazolin, amikacin, vancomycin, clindamycin…  Đặc biệt, một số gói thầu hóa chất, vật tư y tế dùng trong tiêu hóa và can thiệp tim mạch trượt thầu với tỷ lệ từ 23% đến 70%, gây ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh của BV.

Một trong những nguyên nhân thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất... là do dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng thuốc của doanh nghiệp. Nhiều mặt hàng không có nhà thầu tham dự do không có hàng, giá tăng cao không có lợi nhuận, không đạt kỹ thuật.

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra, đại diện các BV đề xuất Bộ Y tế cần đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn duy trì hiệu lực giấy phép lưu hành, đơn hàng nhập khẩu thuốc hiếm, thuốc độc, thuốc hướng tâm thần. Đồng thời, bổ sung hướng dẫn xử lý tình huống thay thế thuốc, mua sắm thuốc khi nhà thầu không cung ứng đủ thuốc; triển khai đấu thầu tập trung và cấp số đăng ký trang thiết bị y tế.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Trưởng đoàn kiểm tra số 1, cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao và thiết bị y tế đã ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh của các BV.

Cũng theo ông Khuê, vấn đề nổi lên hiện nay là hoạt động đấu thầu tại các BV. Các quy định về đấu thầu còn bộc lộ bất cập, có những quy định phải sửa, bổ sung và điều chỉnh.

Bên cạnh đó, tại các BV, bác sĩ giỏi về chuyên môn nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong lập kế hoạch khiến việc dự trù, đấu thầu và mua sắm thuốc bị chậm. Cùng với đó cũng có tâm lý e ngại khi thời gian qua xảy ra một số vụ khởi tố tại các tỉnh, thành liên quan đến đấu thầu. 

Đoàn kiểm tra cũng đề nghị 2 BV trên hoàn thiện những nội dung trong bản báo cáo để đoàn tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ. Từ đó, để sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho BV trước mắt và lâu dài phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm