pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lợi thế của con người trong thời đại bùng nổ trí tuệ nhân tạo
Robot tích hợp AI đang đe dọa nghề nghiệp của nhiều người trong tương lai
Mối đe dọa trong thời đại Al đang dần lấn lướt con người
Xuất phát từ câu hỏi của một bà mẹ về lợi thế cạnh tranh của con người với trí tuệ nhân tạo (AI) sau hội thảo về cách công nghệ và máy móc đang thay đổi tổ chức, đời sống, kinh tế xã hội, tác giả Greg Orme đã quyết định dành 4 năm để nghiên cứu và viết ra cuốn sách Lợi thế của con người trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với tác phẩm này, Orme cung cấp câu trả lời cho người mẹ kia cũng như những ai quan tâm đến tương lai nghề nghiệp, lợi thế cạnh tranh của mình trong thời đại mà AI đang dần lấn lướt con người.
Sự phát triển của khoa học công nghệ đã khiến thế giới thay đổi chóng mặt trong hơn 10 năm trở lại đây. Không còn là những thước phim khoa học viễn tưởng chiếu trên màn ảnh rộng, nhiều người dường như đã cảm nhận rõ mối đe dọa của robot tích hợp AI với nghề nghiệp của mình hoặc con cái mình trong tương lai.
Với việc cung cấp các thông tin liên quan đến sự phát triển của AI, trong phần 1 của cuốn sách, Orme cho biết, trong vòng 15 năm tới, sẽ có khoảng 14-47% công việc của con người bị thay thế bởi AI. Trong đó bị thay thế trước tiên là những công việc đơn giản, có tính chất lặp đi lặp lại như công nhân trong các nhà máy, nhân viên an ninh, tiếp thị qua điện thoại, nhập dữ liệu, phân tích dữ liệu, kế toán, khai thuế, vận chuyển hàng hóa…
Tiếp đó có thể sẽ là một phần công việc trong những ngành nghề khác, bởi đến nay AI đã chứng tỏ sự phát triển vượt bậc khi có thể tự học hỏi, cập nhật, đưa ra các sản phẩm sáng tạo không khác gì một chuyên gia marketing, họa sĩ hay nhạc sĩ.
Phát huy lợi thế của con người
Theo Orme, điều mà mỗi người phải chú ý ngay từ bây giờ là: Coi mối đe dọa đó như cơ hội để phát triển những khả năng cần thiết, riêng có của con người, tạo ra sự khác biệt cho chính mình so với AI trên thị trường lao động.
"Con người có khả năng nhận thức, sự đồng cảm - hợp tác cùng nhau. Chúng ta có thể hỏi câu hỏi tiếp theo để dẫn dắt sự sáng tạo, thay vì trả lời câu cuối cùng". Đây chính là 4 siêu năng lực - gọi tắt là 4C- mà tác giả đề nghị mỗi người nên tập trung để phát triển.
Trong nội dung thuộc phần hai của cuốn sách Lợi thế của con người trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Orme không chỉ chứng tỏ tầm quan trọng của 4C, mà ông còn đưa ra các hướng dẫn từng bước cụ thể, giúp mỗi người có thể thực hành và phát triển các khả năng này một cách tốt nhất.
Với những người mới bắt đầu phát triển các khả năng này, Orme đề nghị họ tìm hiểu việc phát triển 4C theo trình tự tuyến tính: Đầu tiên là khả năng nhận thức, tiếp đó đến trí tò mò, khả năng sáng tạo, cuối cùng là khả năng hợp tác. Bởi chỉ khi thấy công việc có ý nghĩa, nhận ra tầm quan trọng của sự tập trung, mỗi người mới có thể hướng sự chú ý của vào sự tò mò và sáng tạo; tiếp đó là hợp tác để nhân lên sức mạnh của bản thân.
Nếu không có khả năng nhận thức, có động lực để bước tiếp và đủ can đảm để sáng tạo, con người sẽ không làm gì được.
Sự tò mò tìm hiểu và đặt câu hỏi sẽ tiếp tục thúc đẩy bản thân mỗi người tiến lên. Với khả năng này, Orme cho rằng mỗi người cần thúc đẩy bản thân học hỏi bên ngoài chuyên ngành của mình và những kết nối đó có thể giúp nảy sinh ra nhiều ý tưởng tuyệt vời. Thực tế, tập hợp ý tưởng về các trích dẫn học thuật với World Wide Web chính là khởi nguồn ra đời của phần mềm tìm kiếm phổ biến nhất trên thế giới là Google.
Tò mò cũng là con đường tốt nhất dẫn đến sự sáng tạo. Nó giống như một cơ bắp, vì vậy nếu mỗi người sử dụng sự tò mò của mình, thường xuyên đặt câu hỏi, giao du với những người tò mò, cơ bắp tò mò của họ sẽ lớn hơn, mạnh hơn và ngược lại chúng sẽ lãng phí.
Bên cạnh đó, ngủ đủ, trải nghiệm những môi trường sống khác nhau… là các cách hiệu quả mà mỗi người có thể thực hiện để thúc đẩy khả năng sáng tạo. Orme cho rằng mỗi người cũng nên chú ý đến thế giới xung quanh một cách có ý thức bởi vì đó là nơi họ lấy ý tưởng và lắng nghe những suy nghĩ của chính mình, tự nhận thức, bởi thực ra bộ não tiềm thức thường xuyên thì thầm với những ý tưởng của mỗi người…
Cuối cùng khả năng hợp tác sẽ giúp mỗi người tận dụng được sức mạnh trí tuệ của những người cộng sự quyền năng nhiều ý tưởng hấp dẫn. Thêm nữa, "Nghĩ lớn, bắt đầu từ việc nhỏ và học hỏi nhanh" chính là cách thức làm việc mà tác giả đề xuất mỗi cá nhân và các cộng sự nên làm, để có thể thực hiện được các thử nghiệm cần thiết tốn ít thời gian, tiền bạc, công sức; mà vẫn biết được điều gì mang lại hiệu quả, điều gì không.
Lợi thế của con người trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuốn sách đạt Giải thưởng Sách kinh doanh năm 2020. Trên trang bán hàng trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon, cuốn sách được độc giả và các chuyên gia đánh giá rất cao với điểm đánh giá trung bình của Amazon là 4.9/5.0 điểm.
Nhận xét về cuốn sách, Gary Rogers, đồng sáng lập và Tổng biên tập Hãng thông tấn điện tử Radar viết: "Lợi thế của con người trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hướng dẫn bạn từng bước tận dụng được sức mạnh của bạn để tìm được chỗ đứng trong thế giới đang được thúc đấy bởi AI".
Tác giả cuốn sách Greg Orme là Giám đốc Trung tâm doanh nghiệp sáng tạo tại Trường kinh doanh London; đồng thời là một tác giả, diễn giả nổi tiếng. Các công trình nghiên cứu và chia sẻ của ông tập trung tìm hiểu cách thức con người và các tổ chức phát triển trong một thế giới có tốc độ thay đổi chóng mặt như hiện nay - thông qua việc phát triển các hành vi và văn hóa củng cố sáng tạo, đổi mới và tinh thần kinh doanh.