pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lợi và hại nếu ăn khoai lang thay cơm liên trong 30 ngày
Khoai lang là loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin A, vitamin C, protein có khả năng chống oxy hóa (antioxidant), vitamin B6, kali, sắt… Giàu dinh dưỡng như vậy nhưng khoai lang lại có lượng calo ít hơn cả khoai tây và cơm trắng.
Nghiên cứu cho thấy thay vì hàng ngày ăn từ 1 đến 2 chén cơm, bạn hãy thay bằng 1-2 củ khoai lang có thể giảm 20-25% lượng calo nạp vào cơ thể, từ đó hỗ trợ giảm cân.
Chính vì thế có không ít chị em lựa chọn bỏ ăn cơm để thay thế bằng khoai lang. Nếu duy trì thói quen ăn khoai lang thay cơm trong 1 tháng, cơ thể bạn sẽ có những tác hại và lợi ích sau đây.
Lợi ích khi ăn khoai lang thay cơm sau 1 tháng
1. Đại tiện dễ dàng hơn
Chuyên gia dinh dưỡng Travis Blanchard nói với tờ Eat This, Not That rằng: "Khoai lang rất giàu chất xơ. Chất xơ không hòa tan trong khoai lang giúp phân mềm hơn, dễ dàng di chuyển qua hệ tiêu hóa, từ đó giúp cho đại tiện dễ dàng hơn".
Nhưng nếu bạn muốn giữ trọn vẹn tác dụng nhuận tràng của củ khoai lang, bạn nên ăn khoai lang nguyên vỏ bởi hàm lượng chất xơ trong khoai lang chủ yếu nằm ở vỏ. Loại bỏ vỏ khoai lang khi ăn còn làm giảm số lượng chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng bạn nhận được từ khoai lang.
2. Kiểm soát lượng đường trong máu
Khoai lang là loại củ có chỉ số glycemic thấp hơn so với khoai tây. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa và đem lại cảm giác no lâu. Chính vì thế loại củ này hoàn toàn phù hợp khi xuất hiện trong chế độ ăn của người tiểu đường và người muốn giảm cân.
3. Tăng cường hệ thống miễn dịch
Beta-carotene trong khoai lang được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A, giúp duy trì màng nhầy. Điều này góp phần ngăn ngừa nhiễm trùng, cả trong ruột và khắp hệ thống hô hấp của chúng ta, do đó tăng cường khả năng miễn dịch.
4. Sống thọ hơn
Theo Medical News Today, tiêu thụ ít nhất một củ khoai lang mỗi ngày có thể giúp bạn sống lâu hơn. Phân tích tổng hợp của các nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho thấy, khoai lang có mức beta-carotene cao vì thế giúp giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính và từ đó giúp sống lâu hơn.
5. Tốt cho tóc và da
Vitamin C trong khoai lang cũng có thể giúp duy trì sức khỏe của mái tóc và làn da của chúng ta. Vitamin C đóng một phần quan trọng trong quá trình sản xuất collagen, giúp cung cấp sức mạnh cho các nang tóc, cung cấp dưỡng chất để cải thiện làn da. Vitamin C cũng giúp cơ thể chúng ta hấp thụ sắt, một khoáng chất quan trọng giúp chống rụng tóc.
6. Khoẻ ruột
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Thực phẩm & Chức năng cho thấy chất xơ trong khoai lang dường như có tác dụng lớn đối với hệ vi sinh vật đường ruột, giúp tạo ra lượng vi khuẩn lành mạnh Bifidobacterium và Lactobacillus.
7. Cải thiện chức năng não
Khoai lang chứa nhiều anthocyanin, giúp bảo vệ não bằng cách giảm viêm và ngăn ngừa tổn thương gốc tự do. Các nghiên cứu đã chỉ ra chế độ ăn nhiều trái cây, rau và chất chống ô xy hóa có liên quan đến nguy cơ suy giảm tinh thần và chứng mất trí nhớ thấp hơn 13%.
Tác hại khi ăn quá nhiều khoai lang
1. Gây dư thừa vitamin A
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, một củ khoai lang trung bình cung cấp khoảng 120% lượng vitamin A được khuyến nghị mỗi ngày. Nhờ vậy, chúng ta sẽ duy trì được sức khỏe não bộ, làn da khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, vấn đề sẽ xảy ra khi bạn thường xuyên kết hợp thực phẩm giàu vitamin A này với các nguồn vitamin khác.
Điều này có thể gây ra sự tích tụ vitamin A trong gan, dẫn đến ngộ độc vitamin A, xảy ra cấp tính hoặc theo thời gian. Ngoài ra, ăn khoai lang quá nhiều có thể khiến da của bạn có màu hơi vàng, một dấu hiệu tiềm ẩn cho thấy bạn nên chuyển sang chế độ ăn kiêng khác.
2. Dư thừa kali
Khoai lang chứa một lượng lớn kali. Một củ khoai lang sống dài 13cm chứa khoảng 438 miligam kali.
Đối với những người bị bệnh thận mãn tính hoặc bất kỳ vấn đề nào khác về thận, kali trong khoai lang cũng có thể là một nguyên nhân đáng lo ngại.
Tờ Medical News Today khẳng định, hàm lượng kali trong khoai lang có thể giúp cân bằng lượng natri, giảm tác động đến thận, nhưng đối với những người bị bệnh thận mãn tính hoặc đang lọc máu, tiêu thụ quá nhiều kali có thể khiến thận bị quá tải.