Nữ thi sĩ tri ân những người lính biển

Bảo Anh
29/12/2020 - 17:30
Nữ thi sĩ tri ân những người lính biển

Nhà thơ Lữ Mai

Viết trường ca đòi hỏi sự trải nghiệm và ở một đề tài lớn, nhà thơ Lữ Mai biết cô đang “liều mình” nhưng cô không thể không cầm bút làm nên trường ca “Ngang qua bình minh”. Với Lữ Mai, đó là một cách để cô thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân với những người lính biển.

"Sợi dây" yêu thương kết nối đất liền - hải đảo

"Ngang qua bình minh" của nhà thơ Lữ Mai là tác phẩm viết về biển, đảo với hình tượng người thủy thủ - chiến sĩ Hải quân trên những con tàu làm nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc. Tập trường ca có dung lượng hơn 100 trang, chia thành 8 chương: Khởi tại Điêu Lương, Linh thoại, Ảo giác, Vẽ lại bình minh, Giấc mơ trổ vào thân sóng, Chuỗi ngày sao biển, Miền trong suốt, Trở về. Đây được ví như "sợi dây" yêu thương kết nối đất liền với hải đảo, được phát hành nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân 22/12.

Nhà thơ Lữ Mai chia sẻ, tập trường ca là kết quả sau chuyến công tác của cô ra Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2019. Đây cũng là lần đầu tiên cô viết thể loại trường ca, một thể loại đòi hỏi nhiều trải nghiệm, không hề dễ dàng với bất cứ cây bút nào. Nói về việc "liều mình" viết trường ca với đề tài biển đảo, nữ thi sĩ sinh năm 1988, hiện công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ, báo Nhân dân, cho biết: Trong thời điểm toàn xã hội căng thẳng, tổn thất vì dịch bệnh Covid-19, đúng giai đoạn "sôi sục" nhất, hoang mang nhất, cô nhận được những cuộc gọi điện hỏi thăm tình hình đất liền từ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên tàu trực và ở đảo xa.

Thư gửi mẹ

Mẹ ạ!

ban mai của người trở về là ban mai sáng nhất

vào những đêm ròng

mẹ có tin rằng

con xâu được những chuỗi trăng


con ngửi được biển khơi mang mùi của hương trầm

thấy mẹ vận manh áo nâu

tóc vấn trên đầu xổ ra toàn trăng bạc

ngải đắng cất lời trận mạc

vào cái đêm chúng nhất loạt tấn công

trận thủy triều bốn bề vung đao sắc

sóng đuổi dồn bao đớn đau, mất mát

quặn ngực mẹ không than


mẹ ơi! nếu mẹ ra tới biển

có những ngày biển bỗng sáng lên

ánh sáng ấy từ nghìn năm mở cõi

từ những ngọn đèn vời vợi trước gian lao

từ những kiếp người chưa bao giờ yên ngủ nổi

từ những cuộc đời như mẹ mòn trông


ở xóm núi này mẹ hãy sống điềm nhiên

dẫu chim lạ hót tiếng gì thảng thốt

ngải đắng, bùa yêu sẽ gieo vùng đất tốt

sau chia ly, đau xót

sẽ êm đềm.

(Trích trường ca "Ngang qua bình minh)

"Bấy giờ, tôi chợt nhận ra rằng, những người lính của chúng ta cũng đang gánh trên vai những nhiệm vụ cao cả, quan trọng. Họ phải từng phút từng giờ canh giữ chủ quyền biển, đảo trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Vậy nhưng, dường như tất cả mọi sự quan tâm, chia sẻ và yêu thương đều gửi tới đất liền, nơi không chỉ có gia đình, quê hương các anh, mà có cả chúng tôi, những con người chỉ thoáng gặp trong hải trình ngắn ngủi. Có một người lính còn mang về cho chúng tôi cát và nước biển khi con tàu anh đi thả neo làm lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, với niềm tin những người nơi đất liền sẽ luôn được sẻ chia, che chở. Kỷ niệm ấy khiến tôi xúc động và quyết định viết tập trường ca mà ý tưởng, hình ảnh đã được ngẫm ngợi, liên tưởng từ trước đó.

Tôi nghĩ rằng, lòng biết ơn và sự tri ân của chúng ta đối với những người lính không bao giờ đủ. Người viết trẻ như tôi còn nhiều thiếu sót và hạn chế, nhất là đối với một thể loại trường sức, một đề tài cao cả, sâu xa. Biết vậy, nhưng không thể nào không rung động, trắc ẩn và không cầm bút. Viết, trước hết là cho chính chúng tôi, để thêm trân trọng, biết ơn bao thế hệ những người đã hy sinh phần hạnh phúc riêng tư cho Tổ quốc, cho nhân dân được bình yên", Lữ Mai nói.

Khám phá thế giới tâm hồn của người lính biển

Nhận xét về trường ca "Ngang qua bình minh", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, đây là tác phẩm thực sự mới mẻ trong cách thể hiện ở một đề tài rất quen thuộc. "Cách triển khai trường ca của tác giả bất ngờ, ngôn ngữ đẹp, ý tưởng sâu sắc và sức gợi mở rộng", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Ảnh: N.V

Nhà thơ Lữ Mai

Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, trường ĐH Văn hóa Hà Nội, đánh giá: "Là một người viết chuyên nghiệp, Lữ Mai hẳn nhiên ý thức về những cái bóng trường ca đã phủ xuống thơ Việt cũng như hiểu rõ cả áp lực mà một người viết trẻ như chị phải đối diện trước đòi hỏi thể loại cần nhiều trải nghiệm sống, trải nghiệm viết. Vì thế trong trường ca này, thấy rõ những nỗ lực, gắng gỏi để tạo nên cái riêng của tác giả, dựa trên chính việc khai thác tối đa ưu thế của thể loại và "vốn liếng" thực tế quý giá của những ngày ra với biển, với người lính cũng như trải nghiệm sống và tạng riêng của chị".

Cũng theo tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy, "Ngang qua bình mình" thực sự là khúc ca bi tráng về những người lính kiên trung, bất khuất ở cả chiều kích rộng lớn, hào sảng: tình yêu Tổ quốc, biển cả, tinh thần quyết tử bảo vệ chủ quyền đất nước lẫn những xúc cảm riêng tư, sâu lắng... Nhờ đặc trưng bao quát và "ôm chứa" thể loại, bố cục này tạo cơ hội cho tác giả triển khai mạch tư tưởng, cảm xúc và hình tượng trữ tình trong sự phong phú, linh hoạt, uyển chuyển, đan xen giữa chất sử thi và thế sự, hùng ca và bi ca, giữa câu chuyện "thời sự" có tính thời điểm liên quan tới chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm