Lồng ghép giới, tập trung nguồn lực giải quyết 5 vấn đề cấp bách vùng dân tộc thiểu số, miền núi

27/09/2019 - 11:07
Sáng nay, 27/9, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn góp ý lồng ghép giới trong dự thảo Đề án tổng thể đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030. Qua đó ghi nhận các ý kiến về lồng ghép giới, biện pháp thực hiện, tăng tính khả thi để đề xuất với Ban soạn thảo Đề án.

Hội thảo do bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN và ông Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đồng chủ trì.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa đánh giá: Đề án này có ý nghĩa quan trọng với những người làm công tác dân tộc cũng như với đồng bào đang sinh sống ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa, Đề án có tính lịch sử bởi vấn đề dân tộc, miền núi luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đặt là vấn đề chiến lược; theo đó đã có nhiều chủ trương, đề án hỗ trợ, phát triển cho khu vực này.

 

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa phát biểu tại Hội thảo tham vấn góp ý lồng ghép giới trong dự thảo Đề án tổng thể đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030

 

Một thực tế hiện nay, chính sách cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi có nhiều chương trình, dự án, chính sách ở khía cạnh khác nhau, có nhiều cơ quan khác nhau quản lý. Dự thảo Đề án chung này nhằm tập trung nguồn lực vào để điều phối, giải quyết được tốt nhất 5 vấn đề cấp bách của vùng dân tộc thiểu số, miền núi là: Vùng khó khăn nhất; phát triển kinh tế - xã hội chậm nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản thấp nhất; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất…

Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cho biết thêm, Hội LHPNVN đã có kiến nghị, đề xuất được đưa vào đề án, tạo cơ hội thuận lợi cho vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế xã hội; trong đó có các nội dung về nguyên tắc giới; lồng ghép giới trong các chỉ tiêu, mục tiêu của Đề án… Ngoài ra, Hội LHPNVN vẫn mong muốn có những biện pháp thực hiện, tăng tính khả thi, hiệu quả Đề án.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu từ các Bộ, ngành như Ủy ban Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội, NHCSXH, MTTQVN, Bộ đội biên phòng…. đã thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung như các nguyên tắc bình đẳng giới trong chính sách, pháp luật hiện hành; tính khả thi của các nội dung về giới trong dự thảo Đề án và khung chương trình.

Đồng thời, các đại biểu cũng bổ sung những vấn đề giới chưa được đề cập trong dự thảo Đề án; chỉ ra các nội dung và biện pháp cụ thể thúc đẩy bình đẳng giới cần được tập trung. Bên cạnh đó, đề xuất các dự án thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách, bức thiết hiện nay đối với phụ nữ dân tộc thiểu số trong nội dung khung Chương trình mục tiêu Quốc gia.

 

Các đại biểu tham luận, góp ý tại hội thảo
 

Dự kiến, Ủy ban Dân tộc sẽ trình dự thảo Đề án tổng thể đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030 lên Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra tháng 10/2019. Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết này ngay trong kỳ họp.

Theo tờ trình Phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Đề án gồm 6 phần với các nội dung: Sự cần thiết và căn cứ xây dựng Đề án; Thực trạng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Quan điểm mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Tổ chức thực hiện…

Theo tờ trình, hiện nay còn một số vấn đề bức xúc trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Cụ thể, thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 40% - 50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo cả nước.

Còn 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt.

Mức độ tiếp cận các dịch vụ y tế còn khó khăn, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám định kỳ chỉ đạt 71%; trẻ suy dinh dưỡng là 32%.

Còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, buôn bán người qua biên giới… tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm