pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lòng se điếu - Khi "sân khấu dối trá" sụp đổ

Bắt đầu từ chuỗi cửa hàng lòng lợn có mặt tại cả Hà Nội và TPHCM, ông chủ thương hiệu này liên tục tạo ra các clip quảng cáo về "món đặc sản" của mình. Trong đó, nổi bật nhất là video khoe bộ lòng se điếu dài 40 mét, nặng gần 6kg - được đỡ bởi hàng chục nhân viên và chính ông chủ bước đi dọc theo sợi lòng như một nhà thám hiểm đo đạc di sản cổ.
Nhưng lòng se điếu, với những người làm nghề mổ lợn hay đầu bếp có lương tri, là thứ "khó tìm hơn đãi cát lấy vàng". Việc một quán có thể bán hàng chục suất lòng se điếu mỗi ngày, thậm chí là bán theo nhu cầu tùy thích, rõ ràng là điều không tưởng. Nhưng điều không tưởng đó vẫn diễn ra, bởi vì người bán cứ rao, người mua cứ tin và người xem cứ thán phục.

Ảnh từ clip
Điều đáng nói là giá bán của lòng se điếu đắt gấp chục lần so với lòng lợn thông thường. Câu trả lời đơn giản nhất dường như ai cũng có thể hình dung ra, đó là mua thực phẩm qua đường tiểu ngạch từ bên kia biên giới đem về bán lại cho đồng bào của mình.
Chỉ đến khi sự "diễn sâu" vượt ngưỡng chịu đựng, cộng đồng mạng và những người trong nghề mới lên tiếng. Một đầu bếp nổi tiếng, do tự ái nghề nghiệp, thẳng thắn tuyên bố treo thưởng 1 tỷ đồng cho bất kỳ ai ghi hình được cảnh mổ heo có lòng se điếu. Và thế là "sân khấu dối trá" bắt đầu sụp đổ.
Đây không phải lần đầu ông chủ trẻ ấy dùng chiêu trò để PR. Từ việc bắt tay với các thương hiệu khác, tổ chức các cuộc thi ăn uống phi lý, đến mời những nhân vật mukbang nổi tiếng cùng diễn cảnh đưa thức ăn vào miệng với tốc độ chóng mặt - tất cả nhằm tạo ra hình ảnh "gây sốc để nổi". Đáng buồn thay, nó đã thành công... cho đến khi lố quá.
Sáng 8/5, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, đã kiểm tra đột xuất cơ sở lòng se điếu - "Lòng chát quán" - tại số 18 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu. Chủ cơ sở là ông Ngô Quyền Thế, người xuất hiện trong một clip lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh cỗ lòng se điếu "dài 40 mét, nặng 5,8 kg, được lấy từ một con lợn cái nặng hơn 100 kg". Video đã thu hút sự chú ý và nhiều ý kiến trái chiều về tính xác thực.
Cùng ngày, ông Thế xin lỗi người tiêu dùng về thông tin đăng tải. "Độ dài 40 mét chỉ là do áng chừng bằng bước chân, thực ra bộ lòng chỉ dài hơn 20 mét", chủ cơ sở cho hay.
Đây là biểu hiện điển hình của một xu hướng đang lan rộng: ẩm thực không còn được tôn vinh bằng hương vị và văn hóa, mà đang bị lợi dụng như một sân khấu để tạo content, bất chấp sự thật và đạo đức. Điều đáng nói là những trò lố ấy không chỉ đánh lừa người tiêu dùng, mà còn làm tổn thương đến giá trị của nghề bếp, làm rối loạn thị trường ẩm thực và gây hoài nghi cho cả những thương hiệu làm ăn tử tế.

Lòng se điếu được nhiều cơ sở quảng cáo "mua bao nhiêu cũng có"
Không ai phủ nhận vai trò của truyền thông, của mạng xã hội trong việc quảng bá ẩm thực. Việt Nam, với kho tàng ẩm thực đa dạng, hoàn toàn có thể trở thành "bếp ăn của thế giới". Nhưng để điều đó trở thành hiện thực, điều tiên quyết là sự tử tế - từ người nấu đến người quảng bá. Nếu mọi thứ được dựng lên bằng ảo thuật dối trá, thứ còn lại không phải là văn hóa, mà là... trò bịp.
Câu chuyện lòng se điếu vì thế không chỉ là chuyện một quán lòng, mà là bài học cho cả thị trường: sự thật có thể bị làm lu mờ nhưng sớm muộn cũng quay trở lại và đòi công bằng cho nó. Trong hành trình ấy, mỗi người tiêu dùng - mỗi lượt xem, mỗi cái chia sẻ, mỗi cú nhấn mua hàng - chính là người đang góp phần định hình lại cái gì là chân thực, cái gì chỉ là chiêu trò.
Bởi vậy, hãy tỉnh táo trước khi tung hô và càng cần tỉnh táo hơn trước những "cơn lốc dối trá" được gói ghém bằng niềm tin.