pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lớp học mang ánh sáng công nghệ thông tin cho người khiếm thị
Cô Thanh - một học viên của lớp đang chăm chú theo dõi tin tức trên máy tính
Đều đặn 3 buổi/tuần, bắt đầu lúc 8h30 thứ 2, thứ 4, thứ 6, các học viên của lớp học Công nghệ thông tin của Hội người mù quận Thanh Xuân lại rộn ràng bắt đầu với những phím gõ bàn phím máy tính.
Chú Trương Quang Hải, 59 tuổi cũng là học viên lớn tuổi nhất trong lớp đang say sưa lắng nghe ca khúc "Tình khúc ngày và đêm" mà chú vừa tìm được trên Youtube. Chú Hải hào hứng chia sẻ: "Qua khóa học tôi đã biết sử dụng word, đang vào youtube. Việc học giúp tôi biết sử dụng máy tính cơ bản, biết được nhiều thông tin. Tuy rằng việc học khó khăn nhưng nếu cố gắng nhất định bản thân sẽ làm được."
Từ những bài học cơ bản đầu tiên, nay chú Hải đã vào Youtube giải trí một cách dễ dàng. Bài đầu tiên là làm quen với bàn phím, các học viên thuộc các kí tự trên bàn phím, được học cách đặt tay trên bàn phím. Ngón nào quản lý phím nào, họ cảm nhận từng vị trí các chữ cái. Điều đặc biệt giúp người khiếm thị học tốt hơn là chế độ đọc tiếng nói, mỗi lần gõ phím sẽ có chế độ đọc lên phím đó.
Toàn bộ nội dung khóa học học trong 36 buổi, hiện nay lớp đã hoàn thành 2/3 lộ trình học. Mọi người đã trải qua những bài học đầu tiên như làm quen với bàn phím, học về trình đọc màn hình; trình đọc màn hình trên máy tính cho người khiếm thị; cách quản lý thư mục, tập tin trên máy tính; soạn thảo văn bản trên Microsoft Word, học về internet: đọc báo và xem video trên youtube.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân cho biết:"Hiện nay là thời đại 4.0, để theo kịp với sự phát triển của xã hội, giúp những người khiếm thị chủ động tiếp cận công nghệ, Hội người mù quận Thanh Xuân mở các lớp công nghệ thông tin cho hội viên như lớp tin học, lớp điện thoại thông minh và nay có lớp học công nghệ thông tin học tập rất hiệu quả".
Thầy Nguyễn Trung Thái, giảng viên của lớp học đặc biệt này cũng là một người khiếm thị, tuần nào thầy cũng dạy miễn phí tại lớp học đặc bệt này. Trong quá trình dạy của thầy cũng có những khó khăn bởi các học viên ở độ tuổi khác nhau, trẻ nhất là 27 tuổi, lớn nhất là 63 tuổi nên mỗi người sẽ có khả năng tiếp thu riêng. Thầy Thái phải chú ý từng người và có những chỉ dẫn riêng với từng đối tượng.
Ngoài ra, người học về nhà không có máy tính để phục vụ cho việc ôn luyện. Một số nội dung trong phần mềm trình đọc màn hình hay hệ điều hành Windows đa số bằng tiếng Anh nên hầu hết học viên đều gặp khó khăn.
Thầy Nguyễn Trung Thái chia sẻ: "Đa số học viên ở lớp đều chưa từng tiếp cận công nghệ thông tin, lần đầu sử dụng máy tính nên tôi cũng lo lắng không biết mọi người có tiếp thu được không nhưng với tinh thần ham học hỏi thì cơ bản sau bài kiểm tra giữa khóa, các anh chị đã hoàn thành tốt nội dung."
Cô Thanh (53 (tuổi) cũng là học viên chăm chỉ trong lớp. Cô đã vượt qua rất nhiều rào cản để đến với lớp học. Trước khi vào khóa học, cô bị bệnh Lupus ban đỏ, chân tay yếu, không đi lại được, vận động khó khăn nhưng cô vẫn quyết tâm theo lớp học. Đến nay theo gần hết khóa học, cô hào hứng khi nhận thấy quyết định đi học của mình là hoàn toàn đúng: "Lớp học công nghệ thông tin giúp cô biết nhiều tin tức trong xã hội, trên thế giới mà không bị hạn chế ở thiết bị xem như trên tivi. Tuổi già được tiếp thu những kiến thức mới rất vui, giúp tinh thần cô tốt hơn."
Lớp học không chỉ có tiếng thầy giảng bài, tiếng gõ phím máy tính mà còn rôm rả cả tiếng cười nói của mọi người. Ở đây người khiếm thị được đến với ánh sáng công nghệ, được có thêm niềm vui và giúp đỡ nhau trong cuộc sống