Lựa chọn nhà dưỡng lão

08/06/2016 - 20:45
Nhiều người từng nghĩ rằng chỉ những người già có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn mới vào nhà dưỡng lão. Nhưng hiện nay, nhiều người trung niên đã bắt đầu nhìn nhận vấn đề này một cách tích cực hơn.
Vợ chồng ông bà Văn Nguyên – Phạm Thị Bình ở ngõ Văn Chương, Hà Nội mới hơn 50. Họ có một cô con gái duy nhất đang du học nước ngoài. Nếu như trước đó, mỗi lần kể về con cái, về cuộc sống gia đình, ông bà Bình luôn kể nhà chỉ có hai vợ chồng, rất buồn. Rồi họ kêu ca về việc chỉ sinh một đứa duy nhất nên cứ luôn phải chiều theo ý nó, mình bảo nó cũng không nghe lời. Họ luôn lo lắng không biết cho con đi học xa thế, sau này nó có trở về nữa không. Họ tính có khi phải mua thêm mảnh đất ở quê để lúc về hưu sẽ có nơi mà trú ngụ cho bớt cô đơn…

Gần đây, khi có ai hỏi chuyện con cái, tuổi già, ông bà hồ hởi: “Nhà ít người rồi dần cũng quen. Con gái đi học tiếp, nó chọn ở lại bên ấy hay về nước thì tuỳ. Nếu mình cứ nhất thiết bắt con phải sống theo ý bố mẹ là ích kỷ. Vợ chồng tôi bảo nhau cứ sống vui vẻ đi, tiền bạc làm ra thì tích cóp để đấy. Nếu sau này không thích hoặc không thể ở nhà được thì sẽ chủ động trong việc đóng tiền vào ở trong nhà dưỡng lão”…
Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tỉ lệ người trên 60 tuổi ở nước ta chiếm 10% dân số, tương đương với 9 triệu người. Dự báo đến năm 2029, dân số Việt Nam sẽ già hóa với tỉ lệ 17% dân số, tương đương 16,5 triệu người cao tuổi. Trong đó, có khoảng 800 ngàn người có nhu cầu được chăm sóc. Trong khi đó, hiện nay, hầu hết mô hình dưỡng lão ở Việt Nam đều được Nhà nước bảo trợ và được phân bổ theo địa giới hành chính, mỗi tỉnh/thành từ 1 - 3 trung tâm. Vì vậy, việc khuyến khích nhân rộng mô hình gửi người già vào nhà dưỡng lão và thành lập các nhà dưỡng lão tư nhân đang được cho là phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của xã hội.

Một cặp vợ chồng trung niên khác là Hoàng Văn Tình  - Nguyễn Thu Thuỷ ở tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Họ sinh được hai người con đã tốt nghiệp đại học. Họ cũng đang có quan niệm cho rằng không nên coi con cái là thứ bảo hiểm cho tuổi già của mình. “Đặt trách nhiệm lên chúng thì có thể gây ra áp lực hoặc gánh nặng cho chúng”.

Họ đã tính khi về hưu, họ sẽ sống dựa vào tiền lương hưu là chính. Hiện nay, ông bà đang có một căn nhà cho thuê nằm trên phố Tây Sơn. Nó sẽ là tài sản dành cho tương lai. Giả sử một lúc nào đó họ tự cảm thấy không thể giúp nhau đi chợ, tự nấu được thức ăn, tự chăm sóc sức khoẻ cho nhau được nữa thì sẽ tính đến chuyện bán nhà để  mang vào trả công cho các cán bộ, nhân viên trong nhà dưỡng lão cho đến cuối đời…

Hà Nội ngày càng nhiều những trung tâm chăm sóc người cao tuổi mới được thành lập tại các xã Đại Mạch (Đông Anh), xã Minh Phú (Sóc Sơn), Trần Quang Diệu (Đống Đa ), Yên Nghĩa (Hà Đông), xã Phù Đổng (Gia Lâm), Đông Ngạc (Từ Liêm)… Mức chi phí cũng “không quá cao” so với các gia đình có mức sống trung lưu. Trung bình một người cao tuổi còn khỏe, minh mẫn, tự sinh hoạt cá nhân được, chọn ở trong những phòng tập thể thì sẽ chi trả khoảng 4 – 7 triệu đồng/tháng. Với những người cao tuổi cần trợ giúp trong sinh hoạt hàng ngày, tùy tình trạng sức khỏe thì khoảng 7 – 10 triệu đồng/tháng…



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm