TS. Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, chủ trì Hội thảo. Nhiều chuyên gia, nhà làm luật và đại diện một số bộ, ngành, doanh nghiệp đã tham dự và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, chi tiết cho Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.
Nhiều vấn đề liên quan đến người lao động, đặc biệt là lao động nữ được đưa ra tại Hội thảo như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh đến các đối tượng lao động không có quan hệ lao động, lao động làm việc trong khu vực phi chính thức; Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; Thời gian, đối tượng làm thêm giờ; Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tuổi nghỉ hưu của các đối tượng đặc biệt; Bổ sung chính sách thai sản và chăm sóc con đối với lao động nam; Công việc không được sử dụng lao động nữ; Sửa đổi, bổ sung về các quy định điều kiện làm việc cho lao động nữ nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp; Quấy rối tình dục tại nơi làm việc và các chính sách riêng cho lao động nữ.
Đề cập tới vấn đề làm thêm giờ, chuyên gia Nguyễn Diệu Hồng cho rằng, lao động nữ chịu áp lực rất lớn trong việc chịu trách nhiệm đối với gia đình và cân bằng giữa các yêu cầu của môi trường làm việc căng thẳng với áp lực của cuộc sống gia đình. Vì thế, vấn đề làm thêm giờ cần hết sức lưu tâm đối với lao động nữ.
Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội - nhấn mạnh, Luật Lao động cần phải giải quyết hài hòa lợi ích của 3 bên: người lao động, nguời sử dụng lao động và nhà nước. Trong đó, lợi ích của người lao động phải đặt lên hàng đầu. “Theo tôi, cần xem xét kỹ về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động sửa đổi bởi hiện chưa thay đổi so với Luật Lao động 2012. Thực tiễn cho thấy, một số quan hệ lao động khác mới phát sinh cần đưa vào”, ông Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh.
Đối với lao động nữ, ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng, cần rà soát lại toàn bộ các quy định có tính khả thi. Đảm bảo tự do tìm kiếm việc làm hơn cho người lao động, chống ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động. Phải mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, ngành nghề nào được làm thêm, đổi mới phương thức…
“Chúng tôi rất cảm ơn buổi Hội thảo của Hội LHPN Việt Nam và sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp vào Dự thảo”, ông Bùi Sĩ Lợi nói.
Phát biểu tại Hội thảo, nhiều đại biểu, chuyên gia đề cập đến vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, khi đi tập huấn cho các doanh nghiệp về vấn đề quấy rối tình dục, họ không nhận diện được dâu là hành vi quấy rối tình dục. Vì thế, trong Luật Lao động sửa đổi cần quy định cụ thể chi tiết hơn về vấn đề này, đặc biệt là xử lý như thế nào. Cần coi đây là yếu tố như là an toàn lao động, bởi nó còn định tính.
Một chuyên gia khác thì cho rằng, từ thực trạng một số doanh nghiệp, khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai phân biệt, e ngại tuyển dụng lao động người Thanh Hóa, Nghệ An, cần bổ sung các quy định về chống phân biệt kỳ thị, đối xử không công bằng.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Chí - Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế (ĐH Luật Hà Nội) - phát biểu: Thực trạng đáng lo ngại hiện nay là sự biến tướng, lách luật của quan hệ lao động để trốn tránh các nghĩa vụ pháp lý: Quan hệ dịch vụ, quan hệ cộng tác viên, chuyên gia… Đây là câu chuyện đáng lo ngại, cần xem xét.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, đại diện các bộ, ngành và khẳng định sẽ tiếp thu, bổ sung và gửi tới tổ biên tập, ban soạn thảo Dự thảo Bộ luật Lao động. Hội LHPN Việt Nam cũng sẽ tập trung vào những vấn đề đích đáng, cụ thể để kiến nghị, góp ý và và tiếp tục xin ý kiến.