pnvnonline@phunuvietnam.vn
Luật sư hướng dẫn cách xử lý khi bị cắt ghép vào hình ảnh, clip nhạy cảm để tống tiền

Mở ứng dụng VNeID để kiến nghị, phản ánh ngay khi bị gửi các hình ảnh, clip cắt ghép và bị đe doạ tống tiền
Mới đây, Bộ Công an đã cảnh báo về tình trạng tội phạm lợi dụng các hình ảnh, video của người dân được công khai trên không gian mạng để chỉnh sửa, cắt, ghép tạo nội dung nhạy cảm nhằm đe doạ, tống tiền.
Theo luật sư Trần Thị Kiều Hạnh, Đoàn Luật sư TPHCM, Công ty Luật TNHH Trần Hạnh và Cộng sự, hành vi lợi dụng các hình ảnh, video của người dân được công khai trên không gian mạng để chỉnh sửa, cắt, ghép tạo nội dung nhạy cảm nhằm đe doạ, tống tiền có dấu hiệu cấu thành Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 khung hình phạt từ 1 năm đến 20 năm. Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
"Tội cưỡng đoạt tài sản là tội danh cấu thành hình thức không yêu cầu phải có hậu quả xảy ra (không cần phải chuyển tiền rồi thì đối tượng tống tiền mới bị coi là vi phạm). Nên ngay khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn đe dọa tống tiền (không chuyển sẽ công khai thông tin nội dung nhạy cảm lên mạng xã hội), thì đối tượng thực hiện hành vi đã đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Do vậy người dân cần nhanh chóng trình báo nội dung này đến cơ quan có thẩm quyền", luật sư Trần Thị Kiều Hạnh phân tích.

Luật sư Trần Thị Kiều Hạnh. Ảnh: NVCC
Hướng dẫn cụ thể xử lý
Theo luật sư Trần Thị Kiều Hạnh, để bảo vệ quyền lợi khi bị lợi dụng hình ảnh, video công khai trên không gian mạng, người bị đe dọa nên bình tĩnh, tìm cách xử lý, làm theo các bước sau:
- Cảnh giác khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có nội dung đe dọa, tống tiền;
- Không chuyển tiền khi bị đe dọa;
- Bình tĩnh quay video, ghi âm cuộc gọi, chụp ảnh tin nhắn đe dọa để làm bằng chứng giúp các cơ quan cảnh sát điều tra xác minh, điều tra sự việc;
- Khi phát hiện dấu hiệu bị lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản cần nhanh chóng trình báo Công an phường nơi cư trú hoặc phản ánh qua ứng dụng VneID.
Đối với phụ nữ và trẻ em, khi trở thành nạn nhân của các hành vi đe dọa, tống tiền qua hình ảnh, video bị chỉnh sửa trên không gian mạng, cần có những biện pháp trình báo và bảo vệ đặc biệt để đảm bảo an toàn về tinh thần, thể chất cũng như quyền lợi hợp pháp.
Với nạn nhân là trẻ em, có thể trình báo qua Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Tổng đài 111 là đường dây nóng miễn phí, hoạt động 24/7 do Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vận hành. Khi trình báo qua tổng đài này, nạn nhân sẽ được tư vấn và hướng dẫn cách xử lý khi bị đe dọa, tống tiền; được kết nối trực tiếp với các cơ quan bảo vệ trẻ em, phụ nữ, công an địa phương để xử lý vụ việc nhanh chóng và được hỗ trợ tâm lý nhằm ổn định tinh thần, tránh hoảng loạn khi đối mặt với tình huống nguy hiểm.
Đặc biệt, đối với trẻ em bị xâm phạm quyền lợi, tổng đài sẽ phối hợp với các tổ chức bảo vệ trẻ em để can thiệp kịp thời.
Đối với phụ nữ khi bị đe dọa, có thể liên hệ Hội LHPN tại địa phương, nơi có chức năng hỗ trợ pháp lý, tâm lý và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, đặc biệt là nạn nhân của bạo lực, lạm dụng hoặc tội phạm mạng. Hội phụ nữ sẽ giúp nạn nhân làm đơn trình báo, cung cấp bằng chứng và kết nối với cơ quan chức năng để xử lý vụ việc nhanh nhất.
Bên cạnh hotline hỗ trợ, người bị đe dọa có thể chủ động trình báo trực tuyến qua ứng dụng VNeID tại mục "Kiến nghị, phản ánh về ANTT (An ninh trật tự)". Đây là cách thức tiện lợi, bảo mật giúp người dân nhanh chóng gửi thông tin đến cơ quan chức năng mà không cần đến trực tiếp trụ sở Công an.
Các bước thực hiện:
1. Mở ứng dụng VNeID, đăng nhập vào tài khoản cá nhân.
2. Chọn mục "Kiến nghị, phản ánh về ANTT".
3. Nhập thông tin phản ánh:
- Mô tả chi tiết vụ việc: Hình thức đe dọa, số tiền bị yêu cầu chuyển, nội dung tin nhắn hoặc cuộc gọi đe dọa.
- Cung cấp bằng chứng: Hình ảnh, video, ghi âm, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của đối tượng (nếu có).
4. Kiểm tra lại nội dung và bấm "Gửi phản ánh".
"Sau khi gửi, hệ thống sẽ cấp mã số theo dõi để người trình báo có thể kiểm tra tiến độ xử lý vụ việc. Cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo mật tuyệt đối thông tin cá nhân của người trình báo, đảm bảo quyền lợi và an toàn cho nạn nhân", luật sư Trần Thị Kiều Hạnh đưa thông tin.
Tóm lại, người dân cần nâng cao cảnh giác tối đa khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có nội dung đe doạ, tống tiền khi nhận được các hình ảnh, clip nhạy cảm cắt ghép. Tuyệt đối không chuyển tiền khi bị đe doạ. Khi phát hiện dấu hiệu bị lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản thì cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an nơi gần nhất và phản ánh qua ứng dụng VneID.