Luật sư: Kết luận bác sĩ Lương vô ý làm chết người rất khiên cưỡng
27/03/2018 - 22:57
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung, người đại diện cho gia đình 8 nạn nhân tử vong vụ tai biến chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình cho rằng, việc kết luận bác sĩ Lương vô ý làm chết người là khiên cưỡng.
Đó là đề nghị của Luật sư Nguyễn Hoàng Trung (Văn phòng Luật sư Hoàng Trung và anh em, Đoàn Luật sư TP.HN) người đại diện cho gia đình 8 nạn nhân vụ tai biến tại BV Đa khoa Hòa Bình.
Trả lời PNVN về bản cáo trạng do Viện Kiểm sát nhân dân Hòa Bình vừa hoàn tất để chuyển đến Toà án cùng cấp, Luật sư Hoàng Trung cho rằng, đây là vụ án đang gây tranh cãi về trách nhiệm, cả hình sự và dân sự.
Về trách nhiệm hình sự, cáo trạng truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Thực tế, vụ án xuất phát từ hợp đồng của BV ký với Công ty Thiên Sơn để cung cấp thiết bị, bảo dưỡng cho Đơn nguyên thận nhân tạo. Tuy nhiên, công ty Thiên Sơn lại tự ý hợp đồng thuê nhà thầu phụ là công ty Trâm Anh. Trong khi đó, công ty Trâm Anh không có chức năng cung cấp sản phẩm y tế cũng như dược phẩm để chữa trị bệnh mà chỉ là cơ sở cung cấp nước tẩy rửa công nghiệp.
Trong quá trình cung cấp thiết bị y tế, dược phẩm y tế của công ty Trâm Anh đã thực hiện không đúng hợp đồng mà công ty Thiên Sơn đã ký với BV. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã xác định nước chạy thận do công ty Trâm Anh xử lý nhiễm độc, nhưng đây không phải là đơn vị ký hợp đồng với BV. Như vậy, cần phải làm rõ quá trình BV giám sát thực hiện hợp đồng của BV như thế nào mà dẫn đến hậu quả như vậy. Liệu có hay không việc thiếu trách nhiệm giám sát của lãnh đạo BV dẫn đến tai biến. Thế nhưng, cáo trạng không truy tố trách nhiệm hình sự lãnh đạo BV hay công ty Thiên Sơn mà lại truy cứu những người không có năng lực giám sát.
Với bác sĩ Hoàng Công Lương, trong quy trình, bệnh nhân vào chạy thận thì bác sĩ cắm dây truyền, cũng như chuẩn bị về các việc khám chữa bệnh. Như thế, bác sĩ Lương thực hiện không sai theo quy định. Còn nước RO nhiễm độc như kết luận, thì bác sĩ Lương không có quyền, không có trách nhiệm kiểm tra xem nước đó có đủ điều kiện, nồng độ hay không mà phải là người có chuyên môn. “Việc kết luận bác sĩ Lương vô ý làm chết người rất khiên cưỡng, thiếu căn cứ. Nếu ai rơi vào trường hợp của bác sĩ Lương cũng sẽ làm như vậy”, luật sư Trung nói.
Về trách nhiệm dân sự, phía BV cùng các gia đình nạn nhân đều có mong muốn được toà án quyết định về mức bồi thường vốn đang gây nhiều tranh cãi. Theo quy định tại Điều 76 Luật Khám chữa bệnh thì trách nhiệm bồi thường cho các gia đình nạn nhân thuộc về BV.
Tuy nhiên cả trong quá trình điều tra và truy tố, nội dung này không được đề cập đến. Cáo trạng có nêu việc các gia đình bị hại đề nghị bồi thường trách nhiệm dân sự. Cáo trạng chỉ nêu chung chung, nhưng ai bồi thường, cách thức bồi thường thì không nói. Khi hoàn tất cáo trạng chuyển sang tòa án để đưa ra xét xử thì bên phía các gia đình cũng chỉ nhận được thông báo có cáo trạng và kết luận điều tra cũng như vậy.
Tương tự, Bản kết luận điều tra của cơ quan CSĐT cũng thể hiện gia đình bị hại đề nghị xử đúng người đúng tội. Tuy nhiên, kết luận tra cho rằng lãnh đạo BV và công ty Thiên Sơn không đủ cơ sở khởi tố.
Ngoài ra, trong toàn bộ quá trình tố tụng các cơ quan tố tụng chưa xác định rõ tư cách tham gia vụ án này của các gia đình bị hại. Nhưng cơ quan tố tụng chưa xác định rõ họ tham gia với tư cách gì. Bị hại của việc gì, hành vi gì.
“Trong thời gian qua, các gia đình nạn nhân chỉ nhận được thông báo về việc đã có kết luận điều tra, thông báo về việc đã có cáo trạng mà chẳng được xác định có tư cách tố tụng gì”, Luật sư Trung nói.
Cũng theo luật sư Trung, qua kết luận điều tra và có trạng của Viện Kiểm sát, có thể thấy các cơ quan này đang đẩy trách nhiệm sang Toà án. “Theo tôi, trong trường hợp này, Toà án cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ bác sĩ Lương có tội hay không. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng cần xác định rõ tư cách tố tụng của BV và các gia đình nạn nhân. Qua đó xác định trách nhiệm bồi thường của các bị cáo với BV và BV cho các gia đình nạn nhân”, Luật sư Trung nêu quan điểm.
Trước đó, như PNVN đã thông tin, ngày 29/5/2017, khi bệnh nhân đang chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình thì xảy ra sự cố khiến 8 người tử vong, 10 người may mắn thoát chết. Hội đồng chuyên môn đã họp và thấy rằng hệ thống lọc nước RO có vấn đề.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, đã phát hiện trong hệ thống nước chạy thận có chất acid fluorid cao gấp 260 lần. Đây là chất cực độc, gây loạn nhịp tim nên bệnh nhân tử vong rất nhanh.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án để điều tra. Sở Y tế Hòa Bình cũng đã tạm đình chỉ công tác đối với 3 cán bộ, nhân viên y tế của BV để điều tra. Đến ngày 22/6, cơ quan CSĐT đã bắt tạm giam 3 người, trong đó có 2 nhân viên y tế của BV Đa khoa Hòa Bình. Cơ quan điều tra cho rằng, hành vi của bác sĩ Hoàng Công Lương có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về khám chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, theo điều 242 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, sau đó Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành cáo trạng truy tố các bị can trong vụ tai biến chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình làm 8 người tử vong. Theo đó, bác sĩ Hoàng Công Lương và bị can Trần Văn Sơn bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2, điều 285-Bộ luật Hình sự 1999 (nay là khoản 3, điều 360, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017). Còn bị cáo Bùi Mạnh Quốc bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 2, điều 98, Bộ luật Hình sự 1999, nay là khoản 2, điều 128, Bộ luật Hình sự 2017, sửa đổi bổ sung 2017.