pnvnonline@phunuvietnam.vn
Luật sư Nancy Hollander: Cuộc chiến tranh Việt Nam là điều sai lầm và nguy hiểm
Luật sư Nancy Hollander là người rất tích cực tham gia các hoạt động phản đối chiến tranh ở Việt Nam tại Mỹ và luôn dành tình cảm đặc biệt cho đất nước, con người, phụ nữ Việt Nam.
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Đóng góp vào thành công của Hiệp định Paris có vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam và phong trào đấu tranh của phụ nữ và nhân dân trên toàn thế giới cùng chung lý tưởng, khát vọng hòa bình.
Nữ luật sư người Mỹ Nancy Hollander là người rất tích cực vào các hoạt động phản đối chiến tranh ở Việt Nam tại Mỹ và luôn dành tình cảm đặc biệt cho đất nước Việt Nam và phụ nữ Việt Nam. Bà cũng là đại biểu trẻ tuổi nhất (21 tuổi) trong phái đoàn Phụ nữ Hoa Kỳ tham gia cuộc gặp mặt với phụ nữ hai miền Nam - Bắc Việt Nam từ ngày 13 đến 18/7/1965 tại Jakarta (Indonesia). Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023), Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trò chuyện nhanh cùng nữ luật sư người Mỹ Nancy Hollander.
- Thưa bà, năm 1965, tại Jakarta (Indonesia), bà là đại biểu trẻ tuổi nhất của phái đoàn Phụ nữ Hoa Kỳ tham gia cuộc gặp mặt với phụ nữ hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Cảm xúc của bà khi đó như thế nào?
Bà Nancy Hollander: Tôi rất vinh dự khi là đại biểu được mời tham gia sự kiện quan trọng này. Tôi biết rằng những người phụ nữ Việt Nam đã phải dành thời gian để vượt qua một quãng đường dài để gặp chúng tôi, trong khi đất nước đang bị chiến tranh và có rất nhiều công việc bộn bề cần đến họ. Trong số những phụ nữ ấy, có một số là bác sĩ và một số là quân nhân. Thực sự, ban đầu, tâm lý của tôi rất dè dặt với họ.
- Theo bà, cuộc gặp gỡ này có ý nghĩa ra sao đối với tiến trình đàm phán nền hòa bình của Việt Nam?
Bà Nancy Hollander: Đây có thể xem là hoạt động ngoại giao đầu tiên giữa công dân Việt Nam (phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) và Hoa Kỳ kể từ khi hai bên bắt đầu cuộc chiến. Điều này cũng cho thấy, tất cả những người phụ nữ của cả hai quốc gia có mặt tại sự kiện này đóng vai trò rất quan trọng. Đây cũng là sự khởi đầu cho việc tham gia tích cực của các phong trào phản chiến vào tiến trình hòa bình của Việt Nam.
- Điều gì đã thôi thúc bà tích cực tham gia vào các hoạt động phản đối chiến tranh ở Việt Nam tại Mỹ?
Bà Nancy Hollander: Khi còn nhỏ, cha mẹ tôi đã dạy tôi phải luôn đấu tranh cho những gì tôi tin là đúng. Do đó, khi tôi tham gia phong trào phản chiến trong thời gian học đại học là một điều hoàn toàn tự nguyện. Khi ấy, tôi tin rằng, những âm mưu chính trị (của chính phủ Mỹ đương nhiệm) đằng sau cuộc chiến tranh Việt Nam là một điều sai lầm và nguy hiểm.
- Với riêng cá nhân bà, việc tham gia vào phái đoàn ngoại giao năm 1965 có ảnh hưởng như thế nào đến lý tưởng và hành trình sự nghiệp của bà sau này?
Bà Nancy Hollander: Chính lý tưởng của tôi đã dẫn tôi đến phong trào phản chiến và sứ mệnh ngoại giao quan trọng này. Con đường sự nghiệp của tôi với tư cách là một luật sư là phải tiếp tục cuộc đấu tranh để chấm dứt sự bất công và vì hòa bình của thế giới.
- Được biết, bà có kỉ niệm khá thú vị về một chai rượu được để dành suốt 10 năm (1965-1975) để ăn mừng giải phóng của Việt Nam. Bà có thể chia sẻ với độc giả Phụ nữ Việt Nam về câu chuyện đặc biệt này?
Bà Nancy Hollander: Trong cuộc cuộc gặp gỡ tại Indonesia, chúng tôi đã có những giao lưu và trao đổi quà với những phụ nữ Việt Nam. Một trong những món quà tôi nhận được là một chai rượu Việt Nam. Tôi đã nguyện rằng, tôi sẽ không uống chai rượu ấy cho đến khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Ngày 30/4/1975, để chúc mừng chiến thắng của Việt Nam, tôi đã mở chai rượu để cùng nâng cốc chia sẻ với bạn bè. Mặc dù tôi đã quyên góp các kỷ vật là quà tặng của mình trong cuộc gặp gỡ ở Indonesia (cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sau này - PV) cho Việt Nam, nhưng trừ một thứ - đó là tôi đã giữ lại chiếc vỏ chai rượu rỗng để làm kỷ vật cho riêng mình.
- Trong trái tim mình, bà có ấn tượng gì đặc biệt về đất nước, con người Việt Nam nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng?
Bà Nancy Hollander: Việt Nam tuy là một nước nhỏ hơn Hoa Kỳ nhưng lại là quốc gia đã thắng trong cuộc chiến. Với tôi, điều này đã chứng minh sự kiên cường và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Tôi biết, chiến thắng trong cuộc đấu tranh ấy, còn có những đóng góp rất to lớn của những người phụ nữ Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển rất năng động. Những người phụ nữ tôi biết đều là những người đáng yêu, thông minh và dịu dàng. Đơn cử như bà Nguyễn Thị Bình. Tình bạn của tôi với bà Bình bắt đầu từ năm 1965 tại Indonesia. Về sau, tôi đã gặp lại bà ấy trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1998 và lần thứ hai là vào năm 2019. Với tôi, bà Bình là một người bạn thân thiết.
- Trân trọng cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện bổ ích và thú vị dành cho Báo Phụ nữ Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử, từ ngày 13 đến 18/7/1965 tại Jakarta (Indonesia), phái đoàn Phụ nữ Hoa Kỳ tham gia cuộc gặp mặt với phụ nữ hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Cuộc gặp gỡ này chính là cuộc ngoại giao nhân dân đầu tiên thông qua nước thứ 3, giữa Tổ chức Phụ nữ đấu tranh cho hòa bình (WSP) với Phái đoàn Phụ nữ Việt Nam. Trong tuyên bố chung sau 3 ngày làm việc, cả 3 bên đều đồng ý rằng Mỹ đã vi phạm Hiệp định Genève, trách nhiệm của phụ nữ Mỹ là phải tạo nên sự tôn trọng nền độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Sau đó, phụ nữ Mỹ tổ chức nhiều chiến dịch hoạt động phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình ở Việt Nam.
Trong phái đoàn Phụ nữ Hoa Kỳ, Nancy Hollander là đại biểu trẻ tuổi nhất (21 tuổi). Sau sự kiện đó trở về, Nancy Hollander đã tham gia tích cực vào các hoạt động phản đối chiến tranh ở Việt Nam tại Mỹ và luôn dành tình cảm đặc biệt cho đất nước Việt Nam và phụ nữ Việt Nam. Bà có chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1998, lần thứ hai là vào năm 2019 và mới đây nhất là đầu tháng 1/2023.
Năm 2019, lần thứ 2 đến Việt Nam, bà Nancy Hollander đã trao tặng Bảo tàng PNVN 450 tài liệu hiện vật quý từ cuộc gặp mặt giữa phụ nữ Mỹ với phụ nữ hai miền Nam - Bắc Việt Nam tại Jakarta (Indonesia) năm xưa mà bà đã lưu giữ hơn nửa thế kỷ.
Đầu tháng 1/2023, trở lại Việt Nam, tham dự sự kiện "Khát vọng hoà bình" được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ngày 9/1/2023, bà Nancy Hollander cũng đã trao tặng nhiều hiện vật quý cho Bảo tàng lưu giữ.